Gác giấc mơ tiến sĩ, lão nông 75 tuổi muốn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí

02/03/2022 - 09:37

PNO - Sau khi lấy bằng thạc sĩ luật, lão nông Lương Tuyển vẫn ngày ngày ôn luyện tiếng Anh và mong ước mở lớp dạy miễn phí cho học sinh trong làng.

Nghị lực của người nông dân mê học

Ở thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có một lão nông rất đặc biệt. Khi nhắc tới ông là nhắc đến một nghị lực phi thường, có niềm đam mê vô tận với học tập. Ông là Lương Tuyển, năm nay 75 tuổi.

Cha mẹ mất sớm, 3 anh em ông được bà ngoại cưu mang. Vì gia cảnh khó khăn nên ông chỉ học được đến lớp 5 rồi phải đi ở mướn, chăn bò thuê để có tiền sinh sống. Thế nhưng, niềm đam mê học tập không vì thế mà dừng bước. Tranh thủ những lúc được nghỉ ngơi sau ngày làm việc vất vả, ông tự mày mò và học chương trình từ lớp 6 đến lớp 9 bằng sách. Sau đó, ông đăng ký thi tự do để lên lớp. Vừa làm thuê vừa học nên ông mất rất nhiều năm mới hoàn thành chương trình học.

Với ông Tuyển được đi học và theo đuổi con đường học tập là niềm hạnh phúc to lớn nhất
Với ông Tuyển được đi học và theo đuổi con đường học tập là niềm hạnh phúc to lớn nhất

Sau ngày giải phóng đất nước, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, dù đã lấy vợ và làm nông nhưng ông vẫn muốn tiếp tục học lên để có kiến thức áp dụng vào công việc, cuộc sống. Nghĩ và quyết tâm làm, năm 28 tuổi, khi các cán bộ trong thôn, xã được đi học bổ túc văn hóa, ông cũng xin đi học lớp 10. Tuy nhiên, chỉ những cán bộ có danh sách mới được ưu tiên đi học nên ông không có suất. Không còn cách nào khác, ông đành đứng ngoài lớp học lỏm rồi về nhà tự học thêm trong sách. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, mỗi tối ông phải đi bộ hơn 10km để đến lớp, đến khi về nhà cũng đã nửa đêm. “May là sau đó, có một số cán bộ thấy cực quá không học được nữa nên tôi mới được trường nhận vào học, mà cũng phải năn nỉ lắm” – ông kể lại sự học đầy trắc trở của mình.

Vừa học để lấy bằng THPT, ông vừa ra Phú Yên học chăn nuôi thú y tại Trường trung cấp nông nghiệp Phú Khánh cách nhà hơn 100km. Nhờ quyết tâm học hành mà trong khoảng thời gian từ 34 đến 35 tuổi, ông lần lượt lấy được cả 2 bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp. Ông Tuyển cho biết: “Đối tượng được lựa chọn đi học trung cấp là người khác nhưng họ không đi học nên tôi mới có cơ hội”.

Khi ra trường, ông về tiếp tục làm ở hợp tác xã với vai trò là trưởng trại chăn nuôi heo. Sau này, ông được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp 2 Ninh Quang. Vận dụng những kiến thức đã học, ông hướng dẫn người dân khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế của gia đình ông dần khấm khá, có của ăn của để.

Tuy nhiên, kinh tế ngày càng phát triển, muốn nắm bắt thời cuộc thì phải luôn tìm cái mới. Với niềm đam mê sẵn có về học tập, năm 50 tuổi ông lại đăng ký học ngành quản trị kinh doanh của Trường đại học Mở bán công TPHCM. Ông lấy tấm bằng cử nhân thứ nhất vào năm 54 tuổi, sau quãng thời gian vừa học vừa làm.

Không dừng lại ở đó, vài năm sau, ông tiếp tục đăng ký học văn bằng 2 tại Trường Đại học Luật TPHCM. Lúc này, phải đi ra đi vào giữa TP. Nha Trang và TPHCM để học rồi thi nên việc làm ăn ở nhà, ông hướng dẫn vợ con từ xa. Để rồi, khi nhận được tấm bằng cử nhân thứ 2 ông đã bước sang tuổi 63. Giai đoạn này ông chỉ nghỉ học đúng 7 ngày vì bị tai nạn. Thế nhưng, nghỉ buổi nào ông quyết tâm học lại buổi đó. “Mình học là để có kiến thức, để hiểu sự đời chứ không phải vì bằng cấp nên tôi quyết học cho bằng được. Tôi học hăng say lắm, dù tuổi lúc đó cũng đã lớn nhưng vẫn thức suốt đêm để học bài” – ông tâm sự.

Trời không phụ người có công, năm 2018 khi đã 71 tuổi, ông chính thức được nhận được tấm bằng thạc sĩ ngành Luật dân sự của Trường Đại học Luật TP.HCM
Trời không phụ người có công, năm 2018 khi đã 71 tuổi, ông chính thức được nhận được tấm bằng thạc sĩ ngành Luật dân sự của Trường Đại học Luật TPHCM

Có lẽ với nhiều người, học như thế đã là đủ. Nhưng với ông, kiến thức là vô tận, vì thế ông tiếp tục theo học thạc sĩ Luật dân sự tại Trường Đại học Luật TPHCM. Ông Tuyển cho biết: “Người khác học thạc sĩ chỉ mất 2 năm, còn tôi phải mất tới 4 năm mới hoàn thành. Một phần là do người bạn lớn tuổi cùng học chung với tôi bỏ giữa chừng do làm luận văn bị rớt nên tôi cũng bị ảnh hưởng. Nhưng sau đó, tôi vực dậy tinh thần và tiếp tục học để lấy bằng cho được”. Và trời không phụ lòng người có công, năm 2018 khi đã 71 tuổi, ông chính thức được nhận tấm bằng thạc sĩ trong tay trước sự thán phục của nhiều người.

Gác giấc mơ tiến sĩ, muốn mở lớp Anh văn miễn phí

Trong thời gian ông đi học, cũng là lúc 4 người con trai lần lượt cắp sách đến trường qua từng bậc học. Để có tiền trang trải và lo học phí cho cả bản thân và các con, ông phải làm việc gấp nhiều lần so với người khác. Và trên hết, nhờ có sự động viên, ủng hộ của vợ ông là bà Trần Thị Sương. Có những lúc kinh tế gia đình rơi vào khó khăn, con cái lớn từng ngày nhưng bà đều lo toan, cáng đáng hết mọi việc để ông yên tâm học hành. Chính sự hi sinh thầm lặng ấy đã thôi thúc ông phải hoàn thành giấc mơ học tập của bản thân.

Nhờ kiến thức học được, ông áp dụng vào nông nghiệp và đã thành công với mô hình vườn - ao - chuồng. Từ đó, kinh tế gia đình khấm khá, có thể lo học phí cho các con và bản thân. Ngoài sản xuất lúa một năm 2 vụ, ông trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Nếu thuận lợi, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 triệu. Với vai trò là giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Ninh Quang, ông luôn giúp đỡ nhiệt tình, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ vận dụng kiến thức đã học, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế của gia đình ông khá thành công, có của ăn của để
Nhờ vận dụng kiến thức đã học, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế của gia đình ông khá thành công, có của ăn của để

Sau khi có bằng thạc sĩ, ông vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ học tiếp tiến sĩ. Chính vì vậy, mấy năm qua ông đều tự ôn luyện tiếng Anh sau giờ làm. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây sức khỏe có phần suy giảm nên có lẽ ông sẽ không tiếp tục theo đuổi việc học tiến sĩ.

“Thấy những đứa trẻ trong làng đi học tiếng Anh xa quá và không phải ai cũng có điều kiện cho con đi học. Trong khi đó, ngoại ngữ trong vài năm tới mà không có thì sẽ bị lạc hậu nên tôi muốn mở lớp dạy miễn phí cho tụi nhỏ. Ý tưởng này cũng được nhiều người ủng hộ” – ông Tuyển cho biết.

Với ông, học không chỉ để có bằng cấp mà phải có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống và giúp ích cho đời
Với ông, học không chỉ để có bằng cấp mà phải có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống và giúp ích cho đời

Huyền Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI