Gác chuyện đón tết để ưu tiên giành sự sống cho bệnh nhân

04/02/2024 - 05:54

PNO - Với các y, bác sĩ, chuyện cùng gia đình đón năm mới thường phải gác lại, dành thời gian, tâm trí cho việc giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Nhận lịch trực tết, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi - Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện (BV) Đa khoa 115 Nghệ An - nói năm nay anh đành phải lỗi hẹn nấu bánh đêm giao thừa với cha mẹ ở quê lần nữa. Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi hỏi thăm lịch trực tết của vợ đang làm tại một BV khác, rồi hẹn “tối mình tranh thủ đi mua ít quà về biếu tết cha mẹ 2 bên trước nhé!”. Cùng là bác sĩ, lịch trực tết chênh nhau, nên hiếm khi cả vợ chồng cùng về quê đón tết.  

Bác sĩ Nguyễn Minh Tân (giữa) thăm khám người bệnh
Bác sĩ Nguyễn Minh Tân (giữa) thăm khám người bệnh

Khi đã khoác lên người chiếc áo blouse trắng, họ đều xác định tết cũng như ngày thường, có khi còn chẳng thể chợp mắt bởi lượng công việc quá nhiều. Số lượng bệnh nhân tăng, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức bố trí thêm lực lượng thường trú. Những bác sĩ thường trú được yêu cầu không đi xa, không uống rượu bia, không tắt điện thoại và sẵn sàng có mặt tại BV khi có lệnh.

Phụ trách nơi căng thẳng nhất BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Hữu Tân - Trưởng khoa Cấp cứu - cho hay, đêm giao thừa, khoa thường quá tải do số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn pháo nổ, thương tích do đánh nhau, ngộ độc… dồn dập được đưa vào. Đây là thời điểm các bác sĩ phải “chạy sấp mặt” nên lãnh đạo khoa luôn xác định đón giao thừa ở BV. “Có năm 20 người bị thương do pháo vào cùng lúc. Thế nên, hầu như vào đêm giao thừa chúng tôi thường phải làm xuyên đêm” - anh cho biết.

Khi mọi người quây quần bên gia đình để chào đón thời khắc chuyển giao năm mới, các bác sĩ lại đang chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Niềm vui ngày tết của họ đôi khi đơn giản chỉ là thấy bệnh nhân mở mắt, mỉm cười và cái thở phào nhẹ nhõm của người thân bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tân cười: “Công việc nó vậy nên cũng quen rồi”. Mỗi năm, anh thường tranh thủ đi chúc tết bên nội, ngoại trước 29 tết, rồi đưa vợ con đi dạo trước khi trở lại BV. Anh nói: “Chỉ tranh thủ thời gian về chúc tết gia đình 2 bên nội ngoại được thôi, còn bạn bè thì chịu”.

Vào nghề 3 năm nhưng điều dưỡng Hồ Thị Hằng (Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa 115 Nghệ An) đã có 2 năm đón giao thừa ở BV. Năm đầu tiên, chị thấy chạnh lòng bởi không thể cùng người yêu đi xem bắn pháo hoa. Nhưng rồi cảm giác đó cũng qua nhanh bởi sự tất bật của công việc. Chị chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng buồn. Nhưng rồi nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân, người thân mình cũng thấy vui lây”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tân cho biết, những ngày tết các y, bác sĩ ở khoa bận rộn và căng thẳng hơn ngày thường rất nhiều. Song đó không phải là trở ngại lớn. Điều các bác sĩ ngại nhất là thái độ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhập viện khi đã có men rượu trong người. “Nhiều bệnh nhân nhập viện với hơi men trong người nên rất khó để chúng tôi hỏi thông tin, chẩn đoán nhanh tình trạng cho bệnh nhân được. Có những bệnh nhân được rất nhiều người quen đưa đến, ai cũng đã uống rượu nên quát mắng, làm huyên náo… Những lúc đó, bác sĩ chỉ biết nhẫn nhịn để tiếp tục công việc” - bác sĩ Nguyễn Minh Tân kể. 

Điều dưỡng Hồ Thị Hằng nói rằng không còn lạ chuyện các y, bác sĩ vô cớ bị người nhà bệnh nhân la mắng. Thậm chí có người còn đá bàn, đá ghế… Chị chia sẻ: “Đôi lúc, tôi thấy tủi vì công việc đã mệt, không làm gì sai còn bị họ mắng. Nhưng đó cũng là vì họ quá lo lắng cho người thân, biết vậy nên chúng tôi chỉ thường khuyên nhủ rồi tập trung lo cấp cứu các bệnh nhân. Sau khi đã bình tĩnh, tỉnh rượu, hầu hết mọi người đều chủ động xin lỗi”.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI