Anh Ti Vi thân mến!
Em năm nay 33 tuổi, tự cho mình là một người quen với khổ cực, từng trải qua nhiều công việc tay chân, từ bán căng-tin nhà trường tới quản lý kho và phụ trách xưởng may. Dù làm việc ở vị trí nào em cũng được mọi người tin tưởng vì chịu khó, biết đồng cam cộng khổ.
Nhưng hiện nay khi về làm việc ở một công ty văn phòng phẩm, em gặp phải một nhân vật rất đáng ghét, đó chính là trưởng phòng mới của em. Tuy em làm được việc nhưng anh ta rất ghét em. Anh ta chuyên môn kém, cứ việc nào có anh ta tham gia thì y như rằng bị chậm lại hoặc hỏng. Có những khi anh ta chậm nộp báo cáo, chúng em phải nhắc, hoặc công việc bị đình lại ở khâu duyệt của anh ta, chúng em phải giục.
Tệ hơn nữa, cách đối xử của anh ta khiến người ta uất ức vì rất bất công. Như kỳ họp sáu tháng cuối năm vừa rồi, phòng em đưa danh sách khen thưởng lên, ai cũng được chỉ trừ em và một người nữa. Trưởng phòng bảo, do hai đứa em không hoàn thành nhiệm vụ khiến mặt hàng ấy không đạt chỉ tiêu doanh thu.
Em nghĩ nhiệm vụ ấy nếu bị đánh giá không hoàn thành thì trưởng phòng cũng phải liên đới, vì trưởng phòng là người cuối cùng duyệt mặt hàng ấy; vả lại trong vụ này chính do sự “đóng góp” ý kiến của trưởng phòng mà mặt hàng ấy bị thất bại.
Thế nhưng, anh ta vẫn được thưởng lớn, còn chúng em thì không. Anh ta còn nêu ra một số lần em làm sai khiến phòng ban khác than phiền. Em sai thì anh ta phải ngăn lại trước khi chuyển công việc ấy sang khâu kế tiếp chứ.
Em cứ nghĩ mãi, anh ta có thể phê bình em nhưng sao lại đánh vào ví tiền em? Chúng em là người lao động, một món tiền thưởng là rất quý. Em muốn nghỉ việc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy lương ở đây cũng khá, chỗ làm không xa nhà, thời buổi này kiếm việc cũng khó khăn. Nhưng đi làm thì ức chế quá.
Bà tổng giám đốc lại rất thân với vợ chồng trưởng phòng, thậm chí cô vợ của trưởng phòng nói gì tổng giám đốc cũng nghe. Chúng em đều mong có ngày tay trưởng phòng này biến đi, hoặc công ty thay tổng giám đốc mới… Mọi việc chẳng có vẻ gì sẽ thay đổi. Em phải làm sao đây?
Em Vô Vọng (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Bạn Vô Vọng thân mến,
Chuyện bạn vừa kể rất điển hình cho việc đối xử bất công trong các công ty. Đó là trong cơ quan nào cũng có một nhân vật bất tài nhưng lại quen thân với cấp trên. Nhân vật ấy cản trở người tài, xử sự “ác ôn” với người dưới. Ai cũng ghét nhưng không làm gì được y, bởi vị trọng tài chính lại có mối thâm tình với kẻ gian ác ấy. Kẻ gian ác ấy cứ tha hồ lộng hành. Mọi người chỉ biết tâm sự với nhau trong căm phẫn và bất lực.
Ti Vi tôi cũng thấy bất lực trước câu hỏi của bạn: “Phải làm sao?”.
Khi đi làm, được cấp trên đánh giá đúng mà trả lương thưởng xứng đáng thì còn gì vui bằng. Nhưng trong một bối cảnh đầy những bất công sờ sờ như bạn tả, “kẻ thù” còn kè kè một bên với đầy quan hệ thân quen của y, giữ được chỗ làm đã là may, mong gì “diệt” được y, và mong gì sự tưởng thưởng xứng đáng về tiền bạc. Trông chờ điều đó chẳng phải tự mình làm khổ mình sao?
Và rõ ràng theo bạn kể, trong khi làm việc, bản thân bạn cũng thỉnh thoảng làm sai. Tuy bạn lý luận, “kẻ gian ác” kia là trưởng phòng, bạn chỉ là nhân viên, bạn làm sai thì y phải kiểm tra chứ, nhưng như thế lại cũng… chưa công bằng với y. Việc của mỗi nhân viên là làm hết khả năng của mình, không được đổ phần còn lại cho cấp trên. Chưa kể chính bạn nói rằng trưởng phòng là một kẻ dốt nát, thế thì đáng lẽ với lòng tự trọng, mọi việc bạn cần hoàn hảo ở khâu mình để khiến y không thể bắt bẻ được. Đằng này…
Cho nên, theo Ti Vi, đây là một cơ hội… tốt, để bạn luyện chính mình. Ti Vi muốn khuyên bạn rằng: “Hãy làm thêm hai năm hết sức tốt, rồi nghỉ”.
Trong hai năm đó, chỉ tập trung vào chuyên môn, làm thật chu toàn công việc của mình, không xem tiền thưởng là gì hết, nhận lương là được rồi; coi trưởng phòng kia chỉ là một bóng ma dốt nát và xấu tính nhưng phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác, trong đó có bạn. Rồi y sẽ phải cần bạn. Cấp trên bao giờ cũng cần cấp dưới được việc. Bạn cứ nhớ thế.
Hãy âm thầm coi y là một thứ chướng ngại luôn luôn có, phải vượt qua. Không thèm cài bẫy cho y bị phòng ban khác hoặc cấp trên than phiền, cái gì thấy chướng, thấy sai thì bảo y sửa, dĩ nhiên là tìm cách nào đó tế nhị đừng làm mất mặt y… Đến kỳ bình bầu, y có đánh giá bạn thế nào thì kệ, tự mình biết mình đang làm tốt là được, vả lại đằng nào cũng chỉ hai năm là nghỉ.
“Chúng ta hạnh phúc nhờ bạn tốt, chúng ta trưởng thành nhờ kẻ thù”. Hãy dùng trưởng phòng đó như một lò luyện. “Cái gì không giết được ta thì sẽ làm ta mạnh lên”. Câu này đúng vào trường hợp của bạn. Hai năm sau, nhờ được việc quá, biết đâu bạn sẽ là một phần không thể thiếu của công ty, biết đâu lại chính là sếp lớn của công ty sẽ viết thư cho “anh Ti Vi” và hỏi: “Làm sao để tôi giữ lại cô nhân viên ấy?”.
Chú Ti Vi