Vào các dịp lễ tết hằng năm, thường hay xôn xao vụ người nhà các quan chức dùng xe công đi lễ chùa, đi thăm thú. Năm nay, mới sau tết dương lịch 2019 có 4 ngày, báo chí và mạng xã hội đã xôn xao về thông tin xe biển xanh được ưu tiên đặc biệt vào khu vực hạn chế trong sân bay quốc tế Nội Bài, tới tận chân cầu thang máy bay đón vợ của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Thông tin loang nhanh, phản ứng của dư luận có phần gay gắt, trong khi về phía bộ này, nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích, từ lý do “cực chẳng đã”: vợ bộ trưởng ra thăm chồng ốm, con nhỏ đi theo cũng bị ốm, phải đưa vào viện cấp cứu, trong khi bộ trưởng đang nằm viện không ra đón được, gia đình mới phải làm vậy…”, sau đó thì đến lý do công vụ, được minh chứng bằng công văn giấy tờ hẳn hoi là xe biển xanh vào sân bay đón bộ trưởng, vì bộ trưởng đi công tác ở Sài Gòn chiều 4/1, nhưng hình ảnh báo chí đưa thì chiều hôm ấy ông lại đang tiếp khách ở Hà Nội.
Cộng thêm vào những lời giải thích vòng vo đối phó này, thái độ của cơ quan hàng không cũng không mấy rõ ràng, minh bạch. Sáng 5/1, trao đổi với các nhà báo, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, cho biết đang giao cán bộ kiểm tra lại vụ việc trên và khi có báo cáo cụ thể sẽ cung cấp thông tin đến báo chí. Ông giải thích mỗi ngày sân bay Nội Bài bận rộn lắm, có hơn 500 chuyến bay, nên phải chờ kiểm tra xác minh lại.
Sân bay hẳn là nơi kiểm tra kỹ rồi! Với người dân đi máy bay, nhân viên hàng không mặt đất kiểm tra từng hành khách một. Khách VIP hay khách hạng phổ thông cũng thế, từng cái tên, từng con số, sai lệch một chữ cũng không cho lên máy bay ấy chứ.
Vậy mà đằng này, cả mấy cái xe to đùng vào đón người, mà người được đón không đúng đối tượng theo công văn giấy tờ, thì bảo phải có thời gian kiểm tra lại mới biết được. Chẳng biết là kiểm tra chuyện gì, kiểm tra xong biết được rồi thì xử lý ra làm sao. Người dân bức xúc là phải. Khách đi máy bay, kể cả khách VIP, hạng thương gia, đều bị ngăn lại để vợ bộ trưởng ra xe xong xuôi rồi mới được ra. Cái ông bộ trưởng này “ga-lăng” quá, mà các vị ở sân bay chắc không lạ với việc này, thì sự việc mới diễn ra lớp lang như thế chứ.
Lại có người bình luận, vợ đẹp nó khổ thế đấy, phải chi cô ấy không phải là cựu người mẫu, không đẹp, có khi người ta chả bàn… Nhưng không phải, nhan sắc của phụ nữ không có tội trong chuyện này. Cái khiến người ta bức xúc, là thói quen dùng của công làm việc riêng.
Bộ trưởng cũng là người chồng người cha, vợ con đau ốm cũng lo lắng là chuyện bình thường, nhưng vì lo lắng ấy mà dùng quyền ưu tiên công vụ, dùng xe công sai thuộc hạ đưa đón vợ con mình; khi bị chỉ ra cái sai, đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi chân thành, nhưng lại tiếp tục dựng kịch bản che giấu lý do thật, chối trách nhiệm, đưa những lời nói dối vụng về, coi thường dư luận thì quả là “hết thuốc chữa”. Nhan sắc nào đó chỉ vì cơn ga-lăng không đúng chỗ của chồng mà rơi vào giữa vòng nước xoáy này, nghĩ thật cũng đáng thương.
Truyền thông về hình ảnh quan chức chưa bao giờ là thế mạnh của các chính khách xứ mình, chưa được đầu tư kỹ càng và chuyên nghiệp. Người ta bỏ bao nhiêu công phu sắp xếp mới có được một hình ảnh một đệ nhất phu nhân xách giỏ đi chợ, ăn mặc xoàng xĩnh như một bà nội trợ bình thường. Người ta chụp bao nhiêu hình ảnh để chọn ra được tấm hình tổng thống nằm dài trên thảm trong căn phòng quyền lực, miệng cười toe, hai tay nâng một đứa trẻ con chỉ vừa hơn tuổi… Tất cả là để hình ảnh các chính trị gia gần gũi hơn với người dân.
Vậy mà nay, ví như cái lý do đầu tiên trong câu chuyện trên mà có thật: vợ bay ra thăm chồng, con đi theo lại cũng ốm, giá như có hình ảnh bộ trưởng lo lắng đi đón vợ con như những người chồng người vợ bình thường, thì đẹp biết bao. Trong trường hợp ấy, cái bình dị tình cảm của gia đình cộng hưởng với cái trọng trách bộ trưởng, với nhan sắc của người vợ vốn là cựu người mẫu, hình ảnh sẽ càng đẹp lung linh, càng đi vào lòng người.
Tiếc thay, thế trận đã dàn, đường bóng được thiết kế sẵn, vậy mà người chồng ấy chả chịu xông pha ra ghi một bàn ga-lăng cho xứng tầm. Thật uổng! Hay nghĩ lại một chút: hình như trong họ chưa hề có ý nghĩ về vẻ đẹp đời thường của chiếc ghế, chiếc áo bộ trưởng, nên họ mới sai lầm mang chiếc ghế, chiếc áo ấy phô trương quá mức trong một màn đưa đón mang màu sắc gia đình. Thật dễ hiểu vì sao tác dụng ngược.
Khổ cho người đẹp, tưởng mình được chồng ga-lăng, thể hiện rõ quyền lực trên tầm người thường, ngờ đâu vướng phải vụ lùm xùm, người ta bóc hết các lớp che chắn của đấng phu quân, lộ ra chuyện chẳng ai muốn người ngoài biết: thì ra cái biểu hiện tình cảm ấy, phong cách ga-lăng ấy chỉ là thứ vay mượn thô thiển.
Lập Phương