Gã 'lâm tặc' dành hàng chục năm trời đi trồng rừng để trả nợ thiên nhiên

10/09/2017 - 11:00

PNO - Từng thẳng tay đốn hạ không biết bao nhiêu gỗ quý, nhưng rồi nhìn những cánh rừng bị tàn phá tan hoang, ông Thành quyết nhận gần 300 ha rừng để bảo vệ, chăm sóc, mua khỉ, lợn về thả về rừng để hồi sinh rừng tự nhiên.

Khôi phục hàng trăm ha rừng “chết”

Tỉ mỉ vuốt ve con khỉ vừa chạy từ rừng về căn nhà của mình dưới chân núi, ông Nguyễn Viết Thành (62 tuổi, trú xóm Hùng Thịnh, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) kể, học hết lớp 9, ông nghỉ ngang rồi đi bộ đội. Cuối năm 1992, ông về quê rồi đi chặt gỗ thuê cho một đơn vị tại địa phương.

Bản thân ông cũng không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng để khai thác gỗ trái phép, chỉ nhớ rằng những nơi ấy sau 1 trận tàn phá còn trơ lại gốc, trở nên hoang tàn.

Ga 'lam tac' danh hang chuc nam troi di trong rung de tra no thien nhien
Cánh rừng "chết" hồi sinh mạnh mẽ sau nhiều năm ông Thành bỏ công chăm sóc, bảo vệ.

“Thời đó gỗ chặt nhiều lắm. Những cây gỗ đường kính 1,8 đến 2m bị chặt hạ không thương tiếc. Sau đó tôi không chặt thuê nữa mà chuyển sang tự đi buôn gỗ. Tuy nhiên, do bị bắt nhiều dẫn đến thua lỗ nặng nên buộc phải nghỉ”, ông Thành nhớ lại và cho biết cũng thời gian này, cái mác “lâm tặc” được gắn liền với ông khiến ông cảm thấy day dứt, ám ảnh với bản thân.

Trở về quê nhà, nỗi day dứt này càng thôi thúc người đàn ông 62 tuổi này mạnh mẽ hơn khi nhìn những cánh rừng bạt ngàn trơ trụi. “Khi đó, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách nói về dự án 327 (chủ trương giao đất, khoán rừng về hộ gia đình) nên quyết định tìm hiểu các thủ tục để nhận chăm sóc vào bảo vệ cánh rừng ở địa phương, xem như là cách để bù lại cho những năm tháng nông nổi”, ông Thành nhớ lại.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, ông Thành được giao 298 ha đất rừng (trong đó một nửa là đất trống đồi trọc, nửa còn lại là rừng nghèo không có trữ lượng) để chăm sóc và phục hồi. Không như những người được giao đất rừng khác, ông Thành không lựa chọn trồng keo toàn bộ để làm lợi cho kinh tế mà phân loại khu rừng thành từng vùng. Những vùng nào còn có thể phục hồi rừng tự nhiên thì ông quyết tâm trồng thêm cây, để rừng tự hồi phục. Những nơi còn lại ông phân loại trồng các loại cây ăn quả, cây keo.

Ga 'lam tac' danh hang chuc nam troi di trong rung de tra no thien nhien
Nhiều loài khỉ được ông bỏ tiền đi mua rồi thả về rừng.

“Do kinh tế khó khăn nên tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều, phải lấy ngắn nuôi dài để có nguồn tài chính mà trồng rừng. Nhiều người cho tôi là khùng vì người ta chỉ có vài chục ha rừng đã có thể làm giàu mà trong khi trong tay có mấy trăm ha lại không đi trồng keo làm giàu, còn lo trồng rừng tự nhiên. Nhưng giờ nhìn khu rừng vào loại đẹp nhất ở tỉnh này thì nhiều người mới hiểu cho cách làm của tôi”, ông Thành vui vẻ cho biết.

Thả động vật về rừng

Đứng nhìn hàng trăm ha rừng “chết” được hồi sinh, phát triển trù phú, ông Thành mỉm cười cho biết hiện có khoảng 200 ha trong tổng số gần 300 ha rừng do ông chăm sóc, bảo vệ đã đủ điều kiện khai thác gỗ tự nhiên.

Ga 'lam tac' danh hang chuc nam troi di trong rung de tra no thien nhien
Không ít lần khỉ bị thợ săn bắt được, ông lại cất công đi chuộc lại.

Nhìn cánh rừng trù phú đang dần hồi sinh nhưng lại vắng bóng các loại động vật hoang dã, ông Thành quyết định mua thêm các loại khỉ quý hiếm như khỉ mặt đỏ, khỉ mặt trắng... từ những người săn bắt rồi về chăm sóc, đến khi hồi phục thì thả lại vào rừng. Tâm huyết là vậy nhưng không ít lần khỉ vừa được thả về với rừng tự nhiên lại bị người đi săn bắt được. Nghe tin, người đàn ông này lại cất công đến chuộc và thả chúng về với tự nhiên.

“Mấy năm trước người đi săn khỉ nhiều, nhìn mà xót lắm. Nhưng mà cứ để họ bắt được rồi mình lại đi chuộc thì không xuể, chỉ mong sao mọi người hiểu cho tâm nguyện của tôi mà đừng săn bắt nữa”, ông Thành chia sẻ.

Ga 'lam tac' danh hang chuc nam troi di trong rung de tra no thien nhien
Một con khỉ bỏ rừng chạy về nhà, ông Thành phải tìm cách kéo nó về lại rừng.

Không những nhiều loại khỉ được ông thả về rừng, hàng trăm con lợn rừng cũng được ông cất công đi mua từ các tỉnh phía Bắc rồi về thả cho vào rừng sống hoang dã. “Lợn nhiều vô kể, cũng không biết là hiện có bao nhiêu lợn trên rừng nữa”, ông Thành nói và cho biết dù lợn được thả vào rừng sống theo kiểu hoang dã, nhưng để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn lợn khá lớn này, mỗi ngày ông vẫn đều đặn 2 buổi sáng chiều chuẩn bị sẵn thức ăn để đói thì chúng tự về ăn.

Hiện ông Thành cũng đang ấp ủ dự định mua thêm một số loài động vật khác như nhím, sóc... về thả vào rừng để các loài động vật ngày càng được phong phú hơn.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI