Gả con xa

09/08/2016 - 11:38

PNO - Nỗi lo con gái đi học xa, khác với nỗi lo con gái lấy chồng xa nên mặc dù mẹ con nhìn thấy nhau, trò chuyện cùng nhau qua thiết bị di động tiện ích, nhưng chị vẫn thấy bất an.

Thời nay, nhà có một con, lại là con gái, không còn là chuyện hiếm. Có thể vì người ta “nghèo” đường con cái, hay cũng có người mải làm ăn không nghĩ chuyện sinh thêm; hoặc quan niệm thời nay đã khác, quý con gái chẳng kém gì trai, nên cũng không cố cầu sinh đủ nếp tẻ. Như anh tôi sinh hai con gái, đứa nhỏ lên bảy thì mất vì bệnh hiểm nghèo. Anh chị khi ấy tuổi gần 40, cho rằng mình già nên không muốn sinh thêm.

Đứa con gái duy nhất còn lại, vợ chồng anh cưng như cưng trứng. Chuyện cháu sang Nhật du học theo diện học bổng vừa là niềm vui, vừa là nỗi lo của anh chị. Vui vì tương lai con rộng mở. Lo vì con chưa từng xa nhà, rủi ro có thể xảy đến... Rồi cháu tốt nghiệp bằng đỏ, đòi học lên tiến sĩ, nhưng vợ chồng anh bàn ra “con gái học chừng đó là vừa rồi”. Cháu nghe lời về nước, mang theo một mối tình. Anh chị ý tứ ngăn cản, không muốn con gái lấy chồng quê tận Hải Dương. Nhưng cuối cùng, họ đã bị khuất phục trước tình yêu con trẻ.

Ga con xa
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Nỗi lo con gái đi học xa, khác với nỗi lo con gái lấy chồng xa nên mặc dù mẹ con nhìn thấy nhau, trò chuyện cùng nhau qua thiết bị di động tiện ích, nhưng chị vẫn thấy bất an. Chị kể, trong một lần lên thị trấn sắm quần áo chuẩn bị đi Hải Dương thăm con, chị được một người đàn bà bắt chuyện làm quen. Người đàn bà ấy cũng đáng thương như chị. Người ấy cũng có cô con gái duy nhất từ Hải Phòng vào làm dâu Quảng Nam. Cô gái ấy là giáo viên, chồng là công chức, họ mở thêm shop quần áo cao cấp, gọi là ăn nên làm ra. Người mẹ từ Hải Phòng vào thăm, vừa phụ bán hàng, vừa tranh thủ việc nhà, việc bếp núc giúp con. Chị bảo, vào đây vì nhớ và lo cho con gái là chính, còn chuyện phụ việc nhà là chuyện nhỏ.

Hai người đàn bà có vẻ rất đồng cảm, vì họ đều có con gái “một”, lại lấy chồng xa. Từ Hải Phòng, người mẹ ấy mang theo cơm cháy sấy khô, bánh cấu, là những món ăn vặt mà con gái chị thích. Vào Quảng Nam, chị tự tay làm món sủi dìn (bánh trôi Tàu) cho con đỡ nhớ quê. Chị mang theo miến, các món đặc sản quê nhà. Nói chung, cái gì có thể gói ghém được, chị không nề hà mang theo. Chị dâu tôi cũng thế, mỗi lần đi thăm con gái, nhất định phải có chả bò, mắm dưa, dầu phụng, không quên xách tay vài cân mì Quảng. Mỗi năm chị đi Bắc hai lần, mỗi lần ở cả tháng. Lần đi lần khó, nên trông chị như người đi buôn hàng chuyến, lỉnh kỉnh đồ đạc, với tâm thế vô cùng phấn khởi.

Vui nhất là từ khi anh chị có cháu, ngày nào họ cũng được nhìn thấy cháu qua điện thoại. Thấy cháu khóc cười, bú mớm, ăn uống, rồi lẫy, trườn, tập đi… mà anh chị hay bảo là “thương đứt ruột”. Đứa cháu cũng quen với cách nói chuyện qua điện thoại. Hễ ông bà gọi tên là cháu ngước nhìn, cười toe. Chuyện gia đình anh chị tôi, chị dâu tôi bảo giống y chang gia đình người đàn bà Hải Phòng, và có thể giống với nhiều gia đình có con gái “một” khác. Bây giờ phương tiện đi đứng, nghe nhìn rất tiện nghi, hiện đại. Ba mẹ đi thăm con gái, hay con gái về thăm ba mẹ cũng dễ dàng. Xem ra lấy chồng xa không còn là vấn đề nan giải nữa. Miễn con gái hạnh phúc, thì dù có xa mấy, bố mẹ vẫn an lòng.

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI