G7 đánh dấu sự trở lại của Mỹ, kỳ vọng từ những tuyên bố chống đại dịch

14/06/2021 - 08:11

PNO - Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại hạt Cornwall, Anh từ ngày 11-13/6 đánh dấu sự trở lại vai trò lãnh đạo của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Với nhiều thỏa thuận và kế hoạch mới, nhóm các quốc gia giàu có G7 dự kiến sẽ xoay chuyển cục diện đại dịch và địa chính trị thế giới.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ có phần không mặn mà với những đồng minh quan trọng trong nhóm G7 (gồm Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Ý), do những bất đồng về thương mại và hiệp ước quân sự. Ngược lại, khi đến Hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên trong nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden vui vẻ chạm khuỷu tay cùng nhóm các nhà lãnh đạo khác như một phong cách chào mừng mới trong thời đại dịch.

Đối trọng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Khi được hỏi liệu nước Mỹ đã trở lại với cộng đồng quốc tế dưới thời ông Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhanh chóng trả lời rằng: “Có, đó là điều chắc chắn”. Theo một quan chức chính quyền cấp cao trong phái đoàn Mỹ, ông Biden không chỉ coi hội nghị thượng đỉnh này như một sự kiện để khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ, mà còn là cơ hội để đoàn kết và đạt được tiến bộ trong những mục tiêu và thách thức của thế giới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) chụp ảnh với Tổng thống Joe Biden ở Vịnh Carbis, Cornwall hôm 11/6
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) chụp ảnh với Tổng thống Joe Biden ở Vịnh Carbis, Cornwall hôm 11/6

Đáng chú ý nhất trong hội nghị, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 hy vọng đạt được thỏa thuận về một kế hoạch mới nhằm đối trọng sức ảnh hưởng từ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc đề ra. Nhà Trắng cho biết, sáng kiến mới có tên Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác bình đẳng thông qua gói hỗ trợ khổng lồ phát triển cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 40.000 tỷ USD mà các quốc gia đang phát triển cần vào năm 2035.

Phía Mỹ sau đó tiết lộ, G7 đồng thuận về sự cần thiết của một cách tiếp cận chung đối với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền. Nhà Trắng cho biết thêm, nhóm G7 sẽ sử dụng sáng kiến B3W để huy động vốn của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới.

James Crabtree - học giả Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS) có trụ sở tại Singapore - đánh giá cao thời điểm và nguyên tắc của kế hoạch cơ sở hạ tầng G7, nhưng hoài nghi về việc triển khai vì thỏa thuận thiếu chi tiết cụ thể. Trong khi đó, kế hoạch sáng kiến Vành đai và Con đường được Trung Quốc đưa ra vào năm 2013, đã bị chỉ trích vì trói buộc các nước đang phát triển trong khoản nợ, khiến họ bị lệ thuộc.

Nỗ lực ngăn chặn đại dịch toàn cầu

Năm 2020, Tổng thống Trump giận dữ từ chối hợp tác toàn cầu về y tế, rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khẳng định cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” đối với đại dịch. Đối nghịch, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 12/6, Tổng thống Biden thúc đẩy một cách tiếp cận thống nhất để chống lại đại dịch, kêu gọi những người đồng cấp hợp tác nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của thế giới, để có thể phản ứng nhanh hơn với các trường hợp khẩn cấp trong tương lai. 

Một trong những hành động đầu tiên của ông Biden với tư cách là Tổng thống Mỹ là tái gia nhập WHO. Sau hơn một năm sống trong nỗi sợ COVID-19, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ ký một tuyên bố về tình trạng sức khỏe toàn cầu nhằm đảm bảo rằng đại dịch sẽ không bao giờ lặp lại.

“Tuyên bố Vịnh Carbis” - đặt theo tên địa điểm diễn ra hội nghị - được các nhà tổ chức mô tả như một “tuyên bố lịch sử giúp đề ra một loạt cam kết cụ thể nhằm ngăn chặn bất kỳ sự tàn phá kinh tế và sức khỏe con người nào khác do coronavirus gây ra trong tương lai”. Những cam kết đó bao gồm việc cắt giảm thời gian phê duyệt các loại vắc xin mới xuống dưới 100 ngày, đồng thời, Anh sẽ thành lập Trung tâm Sản xuất và Đổi mới vắc xin nhằm đẩy nhanh việc tạo ra vắc xin cho các bệnh lây truyền từ vật nuôi sang người. 

Mặt khác, tại hội nghị, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố tài trợ lần lượt với tổng số 1 tỷ liều vắc xin từ nhóm G7 cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, vì hầu hết mọi người cần hai liều vắc xin và có thể là các mũi tiêm nhắc lại để đối phó với các biến thể mới, tổ chức từ thiện chống lại bất công và nghèo đói Oxfam (trụ sở tại Kenya) dự báo, thế giới sẽ cần 11 tỷ liều để chấm dứt đại dịch. Do vậy, Oxfam cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin. 

Tấn Vĩ (theo NY Times, Reuters, Guardian, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI