FTA thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu

21/07/2018 - 08:36

PNO - Ưu đãi về thuế quan từ hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực đang thúc đẩy các doanh nghiệp đổ tiền vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Việt Nam đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực. Hai phần ba các hiệp định này đã được ký kết và có hiệu lực. Khi các FTA này có hiệu lực, 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang các nước sẽ được cắt giảm ngay lập tức, về mức từ 0-5%. Các dòng thuế còn lại sẽ được giảm theo lộ trình.

Trong khoảng một năm trở lại đây, khi FTA với nhiều thị trường có hiệu lực, 10 ngành hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao là dệt may, da giày, máy vi tính và sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị phụ tùng, thủy sản, túi xách, hạt điều, phương tiện vận tải và phụ tùng… nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, nông sản, đặc biệt là nông sản chế biến, là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu đáng kể, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

FTA thuc day doanh nghiep dau tu che bien nong san xuat khau
Dệt may là 1 trong 10 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao - Ảnh: P.HUy.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có thêm 8 nhà máy chế biến rau, quả trị giá 350 tỷ đồng và 6 nhà máy trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng giá trị. 

Tháng 9/2017, lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam được xuất đi Nhật thì đến tháng Sáu năm nay, thêm hai dây chuyền chế biến thịt gà xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek đóng tại tỉnh Đồng Nai được Cục Thú y Nhật Bản cấp phép để xuất thịt gà chế biến sang Nhật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xúc tiến để có thể xuất khẩu được thịt heo.

Những ngành vốn chỉ xuất khẩu thô như cà phê, hạt điều, rau quả cũng đang chuyển hướng. Mới đây nhất, Công ty Nestlé Việt Nam bắt đầu sản xuất viên nén cà phê cao cấp để xuất khẩu qua 13 nước, với 100% nguyên liệu thô (cà phê Robusta và Arabica) từ Việt Nam, nguồn cà phê lấy từ 21.000 hộ trồng cà phê tại Tây Nguyên.

Những ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do là một phần để doanh nghiệp này chi đậm cho dòng sản phẩm mới. Theo đại diện Nestlé, 90% sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines… trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bắt đầu có hiệu lực.

Ngoài ra, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, New Zealand… cũng đều là những thị trường có FTA với Việt Nam. 

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, khi nông sản được chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà nông dân cũng được hưởng lợi nếu tham gia chuỗi dây chuyền đó.

Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước cũng được tiếp cận những sản phẩm chế biến với tiêu chuẩn chất lượng cao, giá trị thương hiệu nông sản trong nước cũng được nâng cao. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI