Formosa đã khắc phục gần 85% hạng mục vi phạm: Vẫn chưa thỏa đáng

31/10/2016 - 12:13

PNO - ''Tại nội dung báo cáo lần này Bộ TN-MT đã không hề đề cập tới yêu cầu cũng như chỉ đạo của Thủ tướng. Báo cáo không hề đề cập tới việc đã xử lý những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan như thế nào?''

Bộ TN-MT đã có báo cáo đánh giá công tác khắc phục sự cố môi trường của Formosa gửi ĐBQH trước khi diễn ra kỳ họp thứ 2, Khóa XIV của Quốc hội.

Formosa da khac phuc gan 85% hang muc vi pham: Van chua thoa dang
Formosa đã khắc phục gần 85% hạng mục vi phạm. Ảnh: VNN

Bắn chỉ thiên? 

Nhận xét về báo cáo trên, hầu hết các đại biểu đánh giá cao tinh thần làm việc của các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn nhiều nội dung chưa thỏa mãn được sự mong đợi của đại biểu.

Cụ thể, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cho rằng, báo cáo đã đánh giá và nêu rõ được sự cố gắng của Bộ TN-MT cũng như Chính phủ trong việc buộc Formosa phải khắc phục sai phạm sau sự cố môi trường mà họ gây ra.

Báo cáo cũng đã nêu rõ được tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, cũng như đánh giá được việc xử lý đền bù, công tác kê khai đền bù, chủ trương triển khai đền bù đến với người dân rất tích cực, cụ thể và chu đáo.

Báo cáo cũng buộc Formosa phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường trong  thời gian tới như: Với chất thải khô Formosa sẽ thuê công ty chuyên xử lý rác thải môi trường có đủ năng lực, đủ điều kiện để chôn cất, xử lý.

Với chất thải lỏng, Công ty Formosa còn phải xây dựng các công trình bổ sung thêm cho hệ thống xử lý nước thải sinh hóa, hay xây dựng thêm hồ sinh học theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tác dụng kiểm soát nghiêm ngặt xử lý nước thải, trong trường hợp không đảm bảo sẽ xử lý đến khi đạt chuẩn mới được thải ra môi trường.

Thế nhưng, báo cáo vẫn có những nội dung hạn chế chưa thỏa đáng với yêu cầu của đại biểu. Trong đó có vấn đề nổi cộm, gây bức xúc nhất là vấn đề xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thì báo cáo đã không hề đả động tới.

Cụ thể ông Phương nói: Thủ tướng đã có chỉ đạo, yêu cầu phải xử lý nghiêm những tổ chức, những cá nhân có sai phạm liên quan tới vụ việc trên. Ngay trong kỳ họp thứ I của Quốc hội, báo cáo của Bộ TN-MT cũng đã nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có vi phạm để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại Formosa.

"Nhưng, tại nội dung báo cáo lần này Bộ TN-MT đã không hề đề cập tới yêu cầu cũng như chỉ đạo của Thủ tướng. Báo cáo không hề đề cập tới việc đã xử lý những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan như thế nào? Đã xử lý ra sao và nếu chưa xử lý thì sẽ xử lý như thế nào?". Ông Phương nói và nhận định: "Chỉ đạo như thế này không khác nào Bộ đang bắn chỉ thiên?". ông Phương nhấn mạnh

Ông Phương nói tiếp, báo cáo cũng chưa chỉ rõ được giải pháp để quản lý vấn đề xả thải của Formosa trong thời gian tới như thế nào?. Do đó, không thể khẳng định chắc chắn rằng Formosa sẽ không tiếp tục xả thải gây ô nhiễm trong tương lai.

"Báo cáo có nêu Bộ TN-MT phải xây dựng bao nhiêu điểm kiểm soát, bao nhiêu trạm quan trắc để quản lý vấn đề xả thải của Formosa. Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT phải làm, còn hiệu quả thì chưa thể nói trước được", ông Phương nghi vấn.

Đặc biệt, vấn đề Formosa tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô (có nghĩa là công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải) cũng không được nhắc tới trong báo cáo này.

"Tôi cũng không thấy báo cáo nhắc tới yêu cầu buộc Formosa phải đổi lại công nghệ luyện cốc", ông Phương nói.

Vì vậy, vị đại biểu đoàn Quảng Bình cho biết sẽ tiếp tục chất vấn những vấn đề liên quan tại các phiên họp Quốc hội tới đây.

"Hiện tôi cũng đã có văn bản chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng làm rõ hai vấn đề sau:

Thứ nhất là, cử tri và nhân dân Quảng Bình quê tôi rất đồng tình với những giải pháp xử lý của Bộ TN-MT sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng tình với  việc xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân có liên quan tới vụ việc trên. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc này là gì? Nguyên nhân do đâu? Và trách nhiệm của Bộ TN-MT trong vụ việc trên thến thế nào? Hướng xử lý ra sao?

Thứ hai, chúng tôi đề nghị Bộ TN-MT trả lời rõ, Bộ có khẳng định được rằng Formosa sẽ không tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, để lấy lại lòng tin từ người dân không?". ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Cần một cam kết

Theo ông Phương, dù đã nhiều tháng trôi qua sau khi xảy ra sự cố, tới nay, người dân Quảng Bình vẫn chưa yên do gặp quá nhiều những vấn đề khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất.

Chính vì thế, để lấy lại được lòng tin trong nhân dân Bộ TN-MT cần có những câu trả lời rất rõ ràng về trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan. Đồng thời, người dân cần một lời cam kết sẽ không phải gánh chịu một sự cố nào tương tự trong tương lai.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Công Nhường - ĐBQH đoàn Bình Định cũng nhấn mạnh: "Ai sai người đó phải chịu".

Theo ông Nhường, kết luận thanh kiểm tra đã nói rõ Formosa là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, do đó, Formosa phải chịu trách nhiệm. 

"Nếu Formosa nghĩ rằng chỉ cần bồi thường xong 500 triệu USD nhưng vẫn vận hành, sử dụng công nghệ luyện cốc ướt thì chắc chắn không thể đạt được mục đích bảo vệ môi trường như mục tiêu ban đầu.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục yêu cầu Formosa phải đổi trở lại sử dụng công nghệ luyện cốc thô. Đồng thời, trong quá trình vận hành, các cơ quan chuyên môn phải giám sát chặt chẽ", ông Nhường nói.

Đáng chú ý, sau khi Formosa đã hoàn tất việc thay đổi công nghệ và đi vào hoạt động, ông Nhường yêu cầu không cho phép Formosa sử dụng báo cáo đánh giá tác động môi trường cũ trước đây mà phải yêu cầu Formosa thực hiện báo cáo đánh giá lại tác động về môi trường.

Đề từ đó, Hội đồng đánh giá tác động môi trường dưới sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tham gia của các nhà khoa học sẽ cùng tham gia phân tích, phản biện lại.

"Chúng ta phải giám sát chặt chẽ trong quá trình chạy thử nghiệm. Ví dụ, thời gian đầu chỉ cho phép Formosa xả thải 5-10 khối, sau đó mới nâng dần lên. Tuy nhiên, tôi vẫn phải lưu ý là công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình nhà máy này đi vào vận hành, xả thải là rất quan trọng. Không phải kiểm tra xong là xong", ông Nhường lưu ý.

Bên cạnh đó, ông Nhường cho rằng, Formosa cần thể hiện trách nhiệm của mình rõ ràng và cụ thể hơn nữa.

Thời gian vừa qua, vấn đề tìm kiếm chứng cứ, chứng minh sai phạm của Formosa và khiến họ phải nhận lỗi và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD chỉ là bước thực hiện ban đầu.

Để đánh giá toàn diện về tác động tới môi trường, kinh tế, đời sống xã hội của người dân thì cần phải có một báo cáo đánh giá sâu sát hơn nữa, toàn diện hơn nữa.

Bản thân ông Nhường hi vọng sẽ có câu trả lời cụ thể, rõ ràng từ trung ương trong thời gian sớm nhất.

Dương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI