Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và tỉnh Hà Tĩnh xác nhận Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã khắc phục được 45/53 hạng mục vi phạm (khoảng gần 85%). Qua thời gian khắc phục cho thấy, công ty này cơ bản đã thực hiện đúng tiến độ như đã cam kết.
Trong 8 lỗi còn lại, có 6 lỗi có nội dung về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Còn lại hai nội dung, trong đó có việc chuyển đổi từ công nghệ luyện cốc ướt sang luyện cốc khô và một lỗi ứng phó với sự cố tràn dầu thì Formosa sẽ khẩn trương hoàn thành.
Ngoài khắc phục các lỗi vi phạm, để thực hiện việc xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, Công ty Formosa còn phải xây dựng các công trình bổ sung thêm cho hệ thống xử lý nước thải sinh hóa, hay xây dựng thêm hồ sinh học theo yêu cầu của Bộ TN-MT với tác dụng kiểm soát nghiêm ngặt xử lý nước thải.
|
Hệ thống xử lý nước thải tại Formosa. Ảnh: TPO |
Quá nhanh
Trước thông tin này, ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) khẳng định đã nắm được thông tin trên.
Ông Đáp cho rằng, nếu con số trên là đúng thì đây là nỗ lực đáng mừng từ phía các cơ quan nhà nước cũng như đối với phía Formosa. Tuy nhiên, điều ông Đáp lo ngại, đó là Formosa khắc phục sự cố trong thời gian quá nhanh.
''Nói thật, tôi thì chưa thật tin lắm. Việc thay đổi 1 vài hạng mục công trình trong nhà máy phải diễn ra hàng năm, người ta đập phá đi, thiết kế rồi xây mới. Nếu 3 tháng mà đã khắc phục được 85% thì nhanh quá'', ông Đáp đặt nghi vấn.
Ông nhấn mạnh, việc chuyển đổi công nghệ từ luyện cốc ướt sang luyện cốc khô được đánh giá là thân thiện với môi trường rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới Formosa cần phải làm nghiêm túc việc này.
''Đường ống xả thải ngầm dưới biển là hệ thống lọc của Formosa vốn đã thiết kế từ trước như vậy. Cho nên bây giờ chúng ta chỉ có cách kiểm tra nước thải trước khi đưa vào ống thải ra ngoài. Formosa cần kiểm tra và thông báo cho đơn vị kiểm tra mẫu nước trước khi thải'', ông Đáp lưu ý.
Cùng bàn luận về vấn đề này, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định, dù Formosa có chuyển đổi được công nghệ xử lý cốc thì nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn rất cao.
Ông phân tích: ''Công nghiệp thép là công nghệ gây ô nhiễm, có tác động rất lớn đến môi trường. Các nước phát triển đã thấy nguy cơ đó và tìm cách chuyển sang các nước lạc hậu, trong đó có Việt Nam. Chúng ta nghèo nên phải chấp nhận, phải chịu việc những việc như thế này.
Trong khi đó, vấn đề sản xuất thép hiện nay còn lúng túng. Chưa có 1 công nghệ nào hoàn chỉnh để tránh được hiệu ứng nhà kính, tránh tác động môi trường. Do đó không có 1 công nghệ nào có thể khắc phục được việc này, cho dù là công nghệ xử lý cốc ướt hay khô''.
Ngoài ra TSKH Nguyễn Tác An cũng lưu ý đến hệ thống xả thải ngầm của Formosa dưới biển. Theo ông nỗi lo của người dân về nguy cơ ô nhiễm môi trường là có cơ sở khi trước đó Formosa đã gây ra những hậu quả nặng nề cho các tỉnh miềm Trung.
Ông so sánh: ''Hệ thống xả thải ngầm người ta lo ngại là rất đúng. Cũng như con người bị bệnh kinh niên, đã ung thư thì rất khó có cách để chữa khỏi. Họ sinh tồn với một cách lay lắt như vậy. Tuy nhiên, để khẳng định thế nào thì cần phải chờ đợi thêm khi họ đi vào hoạt động chính thức''.
Điều quan trọng là
Đánh giá cao việc Formosa khắc phục các vi phạm, nhưng ông Vũ Đình Đáp cho rằng, đó chỉ là những bước ban đầu. Vấn đề giám sát, kiểm tra khi Formosa chính thức đi vào hoạt động mới là điều đáng phải lưu tâm vào thời điểm này.
''Hiện nay cần giám sát quá trình chuyển đổi công nghệ, giám sát quá trình hoạt động của Formosa để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra là, người đứng ra giám sát có đảm bảo khách quan và đảm bảo năng lực không? Có khi quyết tâm nhưng lại cử những người không đủ năng lực về cả chuyên môn, tâm huyết thì vẫn có thể xảy ra những sự cố'', ông Đáp nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông Đáp đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm cá nhân của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Theo vị chuyên gia, các vi phạm của Formosa thời gian qua là hết sức nghiêm trọng, nhưng việc kiểm điểm vẫn còn chung chung, chưa tới nơi tới chốn, chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm chính.
''Bộ TN-MT quản lý nhưng tôi cho rằng địa phương phải tổ chức giám sát. Cụ thể là Sở TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh phải cử các cơ quan chuyên môn, các cục của địa phương có chuyên môn làm việc này.
Trách nhiệm cá nhân cũng cần đề cao hơn. Ở cấp Bộ là Bộ trưởng, Thứ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp về mảng đó. Còn dưới tỉnh là Sở TN-MT, UBND tỉnh và các cơ quan có chuyên môn'', ông Đáp lưu ý thêm.
Đồng quan điểm, PGS.TSKH Nguyễn Tác An khẳng định, Việt Nam cần tăng cường quản lý, nếu như Formosa có những dấu hiệu vi phạm môi trường thì cần xử phạt và dùng tiền đó để khắc phục.
''Tuy nhiên chúng ta xử lý rất yếu. Những sự cố vừa qua chúng ta thấy trình độ quản lý rất yếu kém. Trong tương lai như thế nào thì tôi cho rằng cần phải chờ thêm'', ông An nhấn mạnh.
Hà Lan