Formosa chôn trăm tấn chất thải đầu nguồn nước: Ai chứng minh chất thải công nghiệp làm phân bón?

13/07/2016 - 12:46

PNO - Người anh ruột ngỏ lời xin, ông Hòa cho luôn 100 tấn chất thải công nghiệp từ Formosa về trồng cỏ và chuối. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định chưa có cơ sở khoa học nói chất thải công nghiệp tốt cho cây trồng.

Sai - ai chịu?

Sáng ngày 12/7, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, trong khoảng ngày 15/7 sẽ có kết quả phân tích mẫu chất thải lấy từ khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa, GĐ Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh.

Trước những phát ngôn của ông Hòa nói rằng, nếu kết quả phân tích hơn 100 tấn chất thải bùn chôn lấp tại trang trại có chứa chất nguy hại, thì lỗi không phải do công ty mà là lỗi do kết quả phân tích của Chi cục Môi trường Hà Tĩnh, ông Đinh tỏ ra không đồng tình.

Theo ông Đinh, việc lấy mẫu chất thải được Formosa mời Chi cục Môi trường Hà Tĩnh thực hiện vào tháng 12/2015, các mẫu gửi ra Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội kiểm nghiệm.

Văn bản của Chi cục Môi trường Hà Tĩnh dựa trên kết quả kiểm nghiệm từ Hà Nội gửi vào. Ông Đinh cho rằng, mẫu chất thải gửi đi đợt này cho ra kết quả kiểm nghiệm nguy hại thì chưa thể khẳng định có lỗi của Chi cục Môi trường.

Formosa chon tram tan chat thai dau nguon nuoc: Ai chung minh chat thai cong nghiep lam phan bon?
Chất thải mà ông Lê Quang Hòa lấy từ doanh nghiệp Formosa về đổ trong trang trại (Ảnh: Tri thức trực tuyến).

"Với mẫu lấy vào tháng 12/2015 cho kết quả là vậy, còn từ thời gian đó cho đến nay thì thế nào? Doanh nghiệp Formosa và cá nhân liên quan vận chuyển, xử lý trong thời gian từ năm 2015 đến nay ra sao thì chưa thể biết được" - ông Đinh nói.

Được biết, trong buổi kiểm tra chiều ngày 12/7, cơ quan liên ngành tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp xuống hiện trường khảo sát, lấy mẫu. Mùi hôi thối, nồng nặc bốc lên từ khu vực chôn chất thải khiến cho tất cả mọi người đều nhăn mặt khó chịu.

Điều nguy hiểm hơn, chất thải này lại được chôn đầu nguồn nước, cách hồ chứa nước của người dân phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh chỉ vài chục bước chân. Sự việc diễn ra gần 1 tháng nhưng chỉ đến khi người dân phản ánh với báo chí thì cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh mới phát hiện, vào cuộc kiểm tra.

Khoa học chưa chứng minh tốt cho nông nghiệp

Giải thích cho việc lấy gần 100 tấn chất thải bùn than cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc số 1 Formosa chôn lấp trong trang trại, ông Hòa bảo dùng làm phân bón trồng cỏ và chuối. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp thì chưa có cơ sở để chứng minh chất thải công nghiệp tốt cho đất.

TS. Đào Huy Đức - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết: "Từ trước đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về ứng dụng chất thải công nghiệp dùng làm phân bón trong nông nghiệp".

Ông Đức không hiểu dựa vào cơ sở nào mà ông Lê Quang Hòa đưa một khối lượng lớn chất thải đổ xuống đất dùng làm phân bón trồng cỏ và chuối.

Formosa chon tram tan chat thai dau nguon nuoc: Ai chung minh chat thai cong nghiep lam phan bon?
Chất thải bốc lên mùi hôi thối, nồng nặc (Ảnh: Vietnamnet).

Đồng quan điểm, TS. Đỗ Duy Thái - Trưởng phòng Kiểm định chất lượng phân bón, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho hay: "Chất thải trong luyện gang thép thì chỉ được chế biến dùng trong vật liệu xây dựng chứ chưa bao giờ thấy dùng làm phân bón nông nghiệp".

Còn TS. Hoàng Văn Tám - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học Đất (thuộc Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) chia sẻ: "Tôi có đi khảo sát một số khu công nghiệp ở Đồng Nai thấy, một số người cũng lấy chất thải của nhà máy giấy đem đi xử lý để làm phân bón. Nhưng họ phải biết rõ chất đầu vào, đầu ra của nhà máy đó là cái gì. Trong chất thải ấy có những chất gì, phải thêm các loại vi sinh vật nào để hóa nó thành phân bón chứ không thể dùng bừa bãi".

Ông Tám nói thêm: "Chất thải mà Formosa thải ra mình cũng chưa biết đích xác đó là chất gì, chứa hàm lượng như thế nào thì sẽ rất khó kết luận được chất thải đó có thể làm được phân bón hay không. Sợ nhất ở các khu công nghiệp là hàm lượng kim loại nặng, chứa nhiều độc tố nguy hại".

Ông Tám khẳng định, loại chất thải công nghiệp dù có lợi như thế cho nông nghiệp thì cũng phải đều qua một bước xử lý hóa học mới đến tay người dùng. Việc sử dụng bừa bãi sẽ khiến cho độc tố từ trong chất thải ngấm vào sâu vào lòng đất, mạch nước gây ra những hệ quả rất lớn đến đất, nước và người dân ở vùng đó.

Đoàn Văn


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI