Flappy Bird và bài học bay ra biển

10/02/2014 - 09:37

PNO - PN - Trong khi cộng đồng mạng vẫn phát cuồng vì không thể vượt qua được các đường ống nước trong trò chơi Flappy Bird thì chủ nhân của nó - Nguyễn Hà Đông dường như cũng không thể vượt qua được các chướng ngại trên hành trình...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trên Twitter rạng sáng 9/2, Đông cho biết anh sẽ gỡ bỏ Flappy Bird khỏi kho ứng dụng App Store của Apple, dành riêng cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS và Google Play của Google dành cho các thiết bị Android. Đông viết, anh sẽ gỡ Flappy Bird trong vòng 22 giờ kể từ sau khi đăng thông báo. Vẫn theo lời anh, việc anh gỡ bỏ ứng dụng của mình hoàn toàn không phải vì các vấn đề pháp lý mà chỉ vì anh không thể chịu nổi. Đông đồng thời cũng “than phiền” báo chí đã đánh giá quá cao sự thành công của Flappy Bird và đó là điều anh không muốn. Anh đề nghị hãy để anh được yên. Cho đến thời điểm này, Flappy Bird đã bị gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng.

Sự thành công bất ngờ của chú chim môi dày, một cách nào đó, cũng tương tự vinh quang mà Susan Boyle đạt được tại Britain’s got talent khi một chú vịt xấu xí bỗng chốc hóa thiên nga. Ai có thể ngờ một trò chơi đơn giản, cách chơi đơn giản, đồ họa đơn giản… như Flappy Bird do một lập trình viên Việt Nam thực hiện lại có thể gây sốt toàn cầu, đứng đầu trên bảng xếp hạng những trò chơi được tải về nhiều nhất. Người ta càng ngỡ ngàng hơn khi chính Đông tiết lộ, doanh thu từ quảng cáo của Flappy Bird đạt mức 50.000 USD/ngày, tương đương một tỷ đồng.

Có thể không ai để ý đến chú vịt xấu xí, nhưng thiên nga lộng lẫy thì có. Con số doanh thu 50.000 USD/ngày từ quảng cáo mà Hà Đông tiết lộ với trang công nghệ The Verge đã lập tức lọt vào tầm ngắm của Tổng cục thuế. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục thuế rà soát, kiểm tra để tránh thất thu thuế.

Flappy Bird va bai hoc bay ra bien

Thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp và am hiểu về luật chơi thế giới, chú chim môi dày sẽ khó lòng vượt qua chướng ngại để thành công

Ở một góc độ khác, từ Anh Quốc, báo Telegraph đăng bài Flappy Bird: too good to be true? đặt nghi vấn về việc đã có những lượt tải ảo, bình luận ảo để giúp trò chơi thăng hạng. Giới game thủ cũng không khó khăn khi nhận ra những chiếc ống nước chướng ngại và ảnh phông nền vốn đã rất quen thuộc trong trò chơi Super Mario (hái nấm) của hãng Nintendo (Nhật Bản). Có ý kiến còn cho rằng, nếu bị Nintendo kiện, Đông có thể phải đối mặt với mức bồi thường lên đến sáu tỷ USD.

Vẫn xoay quanh các nghi án đạo ý tưởng của Đông, một nhà phát triển game tại Pháp - Kek - đã cáo buộc Đông sao chép ý tưởng trò chơi Piou Piou của ông. Trong Piou Piou, người chơi phải nhấp chuột để chú chim bay vượt qua các cây xương rồng, trong khi người chơi Flappy Bird phải chạm màn hình để chú chim môi dày bay vượt qua đường ống nước. Trên trang Pocketgamer, Kek cho biết, ông đã liên lạc với Đông và được Đông trả lời là anh không hề biết đến game Piou Piou. Tuy nhiên, Kek cũng cho biết, ông sẽ không kiện Nguyễn Hà Đông vì đó là việc làm mất thời gian và tiền bạc.

Tạm gác lại những ồn ào, về cuộc chiến pháp lý có thể có hoặc không, cả chuyện thu thuế, điều có thể rút ra từ câu chuyện chú chim môi dày là sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp của nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu hóa thời hậu WTO. Đã nhiều năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta vẫn chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cho các vấn đề có thể phát sinh.

Năm 2000, cà phê Trung Nguyên ngỡ ngàng khi biết thương hiệu của mình đã bị Rice Field tại Mỹ đăng ký. Mất hai năm thương thảo và tiêu tốn hàng trăm ngàn đô la, Trung Nguyên mới lấy lại được tên của mình. Thế nhưng ngay khi đã có bài học xương máu đó, Trung Nguyên vẫn tiếp tục mất thương hiệu khi trungnguyen.com.au tại Úc đã bị đăng ký. Câu chuyện thương hiệu nước mắm Phú Quốc rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nguyên giá trị.

Có lẽ khi viết ra Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông đã không hề nghĩ đến việc mình có thể bị kiện - kiện từ chiếc ống nước đến cách chim bay. Có lẽ trong lúc hào hứng công bố con số doanh thu, anh cũng không nghĩ có thể bị Tổng cục Thuế sờ gáy. Và khi cả thế giới lẫn Việt Nam vào cuộc tìm hiểu bí ẩn đằng sau chú chim môi dày thì Đông mỏi mệt, khai tử trò chơi của mình.

Anh đã quên những chia sẻ về chuyện được các quỹ đầu tư mời gọi, các hãng quảng cáo chào mời. Anh đã quên cả những chia sẻ về “phong cách” mà anh đã tạo ra trong việc làm game. Buông xuôi thì dễ nhưng liệu có thể thay đổi? Liệu có thể chiến thắng được các tranh chấp pháp lý nếu có? Liệu có thể tiếp tục phát triển Flappy Bird qua sự giúp sức của các đơn vị nhiều kinh nghiệm hơn? Hay đơn giản, liệu có thể bán Flappy Bird như cách Youtube về với Google hay Instagram về với Facebook? Trên hết, liệu ngành công nghệ thông tin mới mẻ tại Việt Nam có thể ghi danh được vào bản đồ thế giới mà không phải chịu những điều tiếng sao chép hay chỉ thuần túy gia công?

Những câu hỏi cần sự hợp tác từ nhiều phía và trên hết là chính người trong cuộc. Flappy Bird chỉ có thể bay ra biển lớn khi nó được đầu tư đúng mức và đúng luật.

PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI