Khẳng định, tôn vinh tôn vinh Huế Kinh đô áo dài
Nằm trong chuỗi sự kiện Festival Huế 2024, Lễ hội Áo dài với chủ đề “Linh Phụng” sẽ chính thức diễn ra vào tối ngày 23/9 tại Nhà hát Sông Hương (TP Huế), hứa hẹn mang đến một bữa tiệc nghệ thuật mãn nhãn, tôn vinh vẻ đẹp tà áo dài Việt Nam gắn liền với hình ảnh Cố đô Huế.
|
Một tiết mục trung đêm tổng duyệt Lễ hội Áo dài với chủ đề “Linh Phụng” - Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh |
Đây là lễ hội tiếp tục tôn vinh và khẳng định vị thế Huế Kinh đô áo dài và hướng đến sự kiện chính trị quan trọng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Lễ hội Áo dài Huế 2024 tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc.
Chương trình do Quang Tú viết kịch bản và tổng đạo diễn, với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ, vũ công cùng với các hoa hậu, người đẹp, người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước, hứa hẹn hấp dẫn, hút khách.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2024, khẳng định lễ hội Áo dài Huế 2024 là chương trình nghệ thuật độc đáo, với thời trang kết hợp loại hình múa, hát, nhạc, những giai điệu âm nhạc Huế truyền thống - hiện đại được hòa âm, phối khí mới; những vũ điệu được lấy tứ từ những điệu múa cung đình.
Chương trình quy tụ 12 nhà thiết kế tên tuổi trên cả nước, đặc biệt tập trung Hà Nội, Huế, TPHCM với những bộ sưu tập áo dài đặc biệt, lấy cảm hứng sáng tạo từ hình tượng “phụng - phượng hoàng” trong trang trí kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn kết hợp với vẻ đẹp trang phục áo dài Việt Nam hiện đại. Gắn với chuyện kể về chim phụng hoàng, biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, đức hạnh và hạnh phúc.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Áo dài Huế 2024 gồm 3 chương, chủ đề mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại con chim phượng, một trong tứ linh. Trong đó, chương một với chủ đề “Phụng vũ” để miêu tả phụng vươn cánh bay trong những áng mây lành, lướt trên sóng nước, về nhảy múa trên cây ngô đồng… Qua đó, thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an.
Với chủ đề “Linh phụng”, chương 2 của chương trình này như muốn gợi nhớ cho người xem về truyền thuyết phụng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị. Là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng…
Chương 3 với “bách phụng cát tường” kết thúc chương trình với hình tượng trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, gắn với chữ “Thọ - Phúc - Hỷ…”, được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình...
“Hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Tại kinh đô Huế, toàn bộ phần kiến trúc gỗ bên trên cổng chính Ngọ Môn của Hoàng thành có tên là lầu Ngũ Phụng. Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí này là phụng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Phụng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an”, ông Bình chia sẻ.
|
Bộ sưu tập Thủy Phụng Tề Phi - Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh |
Chương trình Áo dài “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu là một chuỗi những câu chuyện sống động về huyền thoại chim phụng gắn với áo dài Huế được thể hiện bằng ngôn ngữ của thời trang, âm nhạc, vũ khúc kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác… Chương trình diễn ra ở Nhà hát Sông Hương.
|
Trình diễn áo dài trong đêm tổng duyệt - Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh |
Người Huế đã “trồng cây ngô đồng, chờ phượng hoàng tới”- một ẩn dụ về sự chờ đợi những giấc mơ trở thành hiện thực… Và bây giờ Huế đang chuẩn bị cơ sở, cả vật chất và tinh thần để đón vận hội mới: Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí cung đình Huế là phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng.
Ngô đồng là giống cây quý, cũng là loài cây duy nhất mà phượng hoàng chọn để đậu. Phượng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an. Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật rồng - phượng đã đi vào mỹ thuật cung đình, được tối ưu hóa để mang hình ảnh của quyền lực tối cao của vương quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho sự khai mở, cho khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị.
|
Lễ hội Áo dài Huế 2024 vào tối nay dự kiến sẽ là một chương trình hấp dẫn |
Điểm nhấn của Lễ hội Mùa Thu
Lễ hội Áo dài là một trong những chương trình điểm nhấn tại Lễ hội Mùa Thu với chủ đề “Huế vào Thu” của Festival Huế 2024. Vào 20g ngày 24/9, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện với sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến cùng nhóm nhạc Du Ca cũng sẽ diễn ra tại Nhà hát Sông Hương.
Theo Ban tổ chức Festival Huế 2024, “Mùa thu cho em” sẽ lần lượt giới thiệu các ca khúc viết về mùa thu cũng như những ký ức âm nhạc của các tác giả Minh Kỳ - Nguyễn Hiền; Cung Tiến; Phạm Trọng Cầu; Dương Thiệu Tước; Trần Tiến; Trịnh Công Sơn; Phạm Mạnh Cương và Ngô Thụy Miên. Các ca khúc do nhạc sĩ Trần Tiến, các ca sĩ An Nhiên, Phong Thủy, Thanh Lan… biểu diễn..
|
Chương trình “Mùa thu cho em” sẽ có sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến |
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành, Lễ hội Mùa Thu của Festival Huế 2024 diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 với 14 chương trình đặc sắc. Đến nay, nhiều chương trình đã được triển khai như Lễ hội diều quốc tế, ngày hội “Hương xưa làng cổ”, lễ hội Điện Huệ Nam, đua thuyền truyền thống….
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2024, cho biết điểm nhấn Lễ hội Mùa Thu là dịp để cộng đồng cùng nhau hòa mình vào những giá trị truyền thống đặc sắc của Huế qua sự kết hợp của nhiều yếu tố, hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm vui tươi và thú vị cho người dân, du khách.
Thuận Hóa