Nghệ nhân Lương Thanh Hiền với công đoạn làm gốm
Làng gốm Phước Tích hồi sinh
Các lò nung gốm tại làng gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) đã đỏ lửa lại sau một thời gian vắng bóng. Kỳ Festival năm nay, Lễ hội “Hương xưa làng cổ” đã tái hiện không gian văn hóa của ngôi làng cổ với các hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của một làng di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của JICA Nhật Bản, nghề nung gốm cổ và nét văn hóa ẩm thực làng quê đã được nâng giá trị nhằm thu hút du khách về ngôi làng cổ trên 500 tuổi này.
Tái hiện khung cảnh chợ quê
Bà Lương Thị Bé (75 tuổi, làng Phước Tích) nhớ lại: “Mấy chục năm trước, gốm Phước Tích nổi tiếng lắm. Nghề làm gốm đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ bà con trong làng. Cứ chiều chiều, bên dòng Ô lâu, hàng chục lò gốm nổi lửa, thương lái nhiều nơi theo ghe thuyền tìm đến làng mua gốm, rồi tỏa đi bán khắp nơi. Gốm Phước Tích chất lượng tốt, mẫu đẹp, được làm từ bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Đến những năm 90-91, làng gốm lụi tàn dần, chỉ còn vài hộ đỏ lửa, làm hàng cầm chừng. Nay nhờ làng gốm được đưa vào chương trình Festival, được tài trợ nên gốm Phước Tích lại được bạn bè gần xa biết đến.”
Tháng 5/2006, những người dân ở Phước Tích hết sức vui mừng khi tín hiệu đầu tiên cho sự phục hồi làng gốm là hình thành tour du lịch “Hương xưa làng cổ” trong mùa Festival. Trong nỗ lực nhằm giới thiệu, quảng bá nét hương xưa ở ngôi làng cổ độc đáo này, tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích”.
Gian hàng nông cụ
Dự án đã giúp cho những nghệ nhân làng gốm biết sáng tác, thiết kế và thử nghiệm các mẫu mã sản phẩm gốm mới; đồng thời chuyển đổi công năng sử dụng từ dòng sản phẩm gốm dân dụng sang dòng gốm trang trí ứng dụng có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao. Bên cạnh đó, Tổ chức JICA đã phối hợp hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người thợ ở Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống. Sản phẩm của họ đã được giới thiệu tại kỳ Festial Huế 2014.
Nông dân vào “vai diễn”
Lễ hội “Chợ quê ngày hội” diễn ra từ ngày 13/4 đến hết ngày 16/4 bên cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) là một điểm nhấn trong Festival Huế 2014.
“Chợ quê ngày hội” đã tạo không gian, hoạt cảnh chợ quê với các hoạt động đua ghe truyền thống, tham quan các di tích lịch sử, nhà trưng bày nông cụ, và dự các hội thi như: chằm nón, làng vui chơi làng ca hát, các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống đậm chất quê do chính người nông dân ở Thủy Thanh làm…diễn viên. Bà Trần Thị Loan (68 tuổi, làng Vân Thê, xã Thủy Thanh), “diễn viên” tái hiện lại khung cảnh người nông dân tất bật bên cối gạo, cho biết: “Ngày xưa làm ruộng chưa có máy móc hiện đại như bây chừ, tất cả các công đoạn từ khi làm đất, gieo cấy, gặt rồi xay ra gạo đều hoàn toàn thủ công. Tui làm ruộng từ nhỏ đến lớn, lúc mười mấy tuổi đầu đã biết sàng, xay, dên lúa gạo một cách thuần thục rồi. Giờ tuổi đã cao, đã nghỉ việc đồng áng nhưng miềng vẫn nhớ như in những khổ cực của bà con khi làm nên hạt gạo”.
Người nông dân trong vai tái hiện khung cảnh xay lúa, hò giã gạo phục vụ du khách
Đôi tay thuần thục đổ lúa vào cối xay, xay rồi dên, chốc chốc bà Loan lại cất tiếng hò giã gạo:
“Vô đây, mời bạn vô đây
Vô đây bàn đặt ghế xây sẳn sàng
Tội chi đứng xá ngồi đàng
Sương sa muỗi cắn, cảm thương hàn ai nuôi?”…
Tại Chợ quê ngày hội, nhiều bạn trẻ, du khách phương Tây tỏ ra thích thú trước một “diễn viên” là nông dân “đóng đạt” như bà Loan. Bên khung cảnh giã gạo của người nông dân là cảnh chị em say sưa chằm nón. Nghề chằm nón vốn nổi tiếng ở Thủy Thanh từ xưa, nay làng nghề này vẫn duy trì được sản phẩm nổi tiếng một thời của mình. Dưới bàn tay của các mẹ, các chị là những “diễn viên” của làng nghề chằm nón Phan Thê, khung cảnh của một làng nghề với sản phẩm đã theo người nông dân đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh mấy chục năm qua dường như được tái hiện lại một cách sinh động.
Bà Nguyễn Thị Mùi (53 tuổi, làng Vân Thê) chia sẻ: “Tui biết làm nón khi còn là con gái, nghề này do mẹ ở nhà truyền lại. Làng nón Phan Thê năm xưa có cả trăm hộ làm, giờ chỉ còn lại một nửa, làm nón chỉ lấy công làm lãi. Tuy thế bà con trong làng vẫn quyết tâm giữ lấy nghề. Cứ đến kỳ Festival, tui đều bảo con cháu ai biết làm nón xin đăng ký tham gia. Vì đây cũng là cách để thu hút du khách về với lễ hội, biết đến nghề truyền thống của làng.”
Bên cạnh những “diễn viên” là nông dân, tại lễ hội “Chợ quê ngày hội”, du khách còn được chiêm ngưỡng ký ức ruộng đồng thông qua nhà trưng bày các sản phẩm nông cụ đa dạng, gắn với người nông dân một thời.
Bài và ảnh: THUẬN HOÁ