FBI nhờ mở khóa iPhone: Chiêu cao của Apple

26/02/2016 - 07:42

PNO - FBI và Apple đang tạo cuộc chiến gây xôn xao giữa giới công nghệ và người tiêu dùng về việc mở khóa chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố.

Cuộc chiến chia thành 2 phe, gây bàn tán xôn xao giữa giới công nghệ và người tiêu dùng. Theo đó, hãng nghiên cứu Pew đã tiến hành khảo sát từ ngày 18/2 đến 21/2 và nhận thấy có tới 51% những người tham gia cho rằng Apple nên hỗ trợ FBI mở khóa, 38% đứng về phía của Apple và 11% không chọn phe nào.

Bill Gates là một trong những người sáng lập ra Microsoft đã ủng hộ FBI, khuyên Apple nên giúp FBI mở khóa chiếc điện thoại Iphone 5c của một tên khủng bố Syed Farook trong vụ xả súng đẫm máu tại San Bernadino, khiến 14 người thiệt mạng vào tháng 12/2015. Gates phân tích với Financial Times rằng: "Chính phủ yêu cầu truy cập thông tin một chiếc điện thoại cụ thể. Họ không đòi hỏi công cụ để mở khóa bất cứ thiết bị nào. Họ đang đề cập một trường hợp cụ thể".

FBI muốn truy cập chiếc iPhone của tên khủng bố, tuy nhiên, công nghệ mã hóa của Apple sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trong máy sau 10 lần nhập sai mã. Cho nên, FBI và quan chức quận San Bernadino đã tìm cách truy cập vào tài khoản iCloud của Farook, nhưng dữ liệu trong iPhone của tên khủng bố đã ngừng đồng bộ lên đó từ ngày 19/10/2015. Do đó, FBI vẫn trắng tay, chưa thể có bất cứ thông tin gì về tên khủng bố.

FBI nho mo khoa iPhone: Chieu cao cua Apple
Bill Gates khuyên Apple nên giúp FBI mở khóa chiếc điện thoại Iphone 5c của tên khủng bố. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức FBI phải "bó tay" với việc bảo mật của chiếc điện thoại iPhone. Điều này chứng tỏ rằng, vấn đề bảo mật của Apple rất cao, hãng này càng khẳng định thương hiệu, đẳng cấp của mình trong giới công nghệ.

Tòa án California đòi tiếp cận chiếc iPhone 5c của bọn khủng bố, yêu cầu Apple trợ giúp FBI mở khóa, nhưng Apple đã kiên quyết từ chối. Bởi, CEO Apple Tim Cook cho rằng, tạo công cụ giúp FBI truy cập chiếc iPhone 5c của tên khủng bố Syed Farook sẽ tạo tiền lệ xấu.

"Chính phủ nói công cụ bẻ khóa chỉ được sử dụng một lần trên một chiếc điện thoại. Nhưng một khi được tạo ra, kỹ thuật đó có thể áp dụng nhiều lần trên bất cứ thiết bị nào", Cook cho hay. "Vụ việc này không chỉ đơn thuần là về một chiếc điện thoại hay một cuộc điều tra. Khi nhận phán quyết của tòa án, ta cần phải lên tiếng. Phán quyết đó đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm chưa từng có, đe dọa nghiêm trọng bảo mật thông tin của hàng trăm triệu khách hàng".

Vả lại, trong khi Apple đang phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ khác như Samsung... thì Apple càng muốn khẳng định mức độ bảo mật, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. “Với tất cả những người muốn có một tiếng nói, nhưng họ quá sợ để nói, chúng tôi đang đứng lên, và chúng tôi đang đứng lên vì khách hàng của mình bởi vì chúng tôi xem việc bảo vệ họ là công việc của chúng tôi”, CEO Apple ông Timothy D. Cook đã nói vậy vào thứ Tư vừa qua trong một cuộc phỏng vấn với tờ ABC News.

Trước những bàn luận xoay quanh vấn đề nên hay không nên mở khóa giúp FBI, để bảo vệ ý kiến, Apple đang âm thầm cải tiến bức tường bảo mật cho thiết bị của mình tới mức, chính họ cũng không thể hack nổi. Ông Cook đã viết cho khách hàng một bức thư có nội dung: “Thậm chí chúng tôi đã đặt dữ liệu ngoài tầm với của chính chúng tôi, bởi chúng tôi tin rằng nội dung trên chiếc iPhone của các bạn không phải việc của mình”.

Và lẽ dĩ nhiên, trong tương lai, nếu FBI muốn xâm nhập vào chiếc iPhone này, họ sẽ cần một cách tiếp cận mới. Điều này dường như sẽ lại tạo ra một chu kỳ mới giữa các trận chiến tại tòa án và những sửa chữa kỹ thuật của Apple.

Đề cao vấn đề bảo mật để tạo lòng tin cho khách hàng được coi là chiêu bán hàng cao tay của Apple.

Trang Ngọc (Tổng hợp) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI