Fatma Samoura - “Kẻ ngoại đạo” đáng gờm

24/06/2016 - 15:22

PNO - Bà Fatma Samoura (54 tuổi) vừa chính thức tiếp quản chiếc “ghế nóng” Tổng thư ký (TTK) Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sau một tháng thông tin bà được bổ nhiệm làm dậy sóng làng thể thao quốc tế.

Bà Fatma Samoura đã lập một “cú hattrick” khi là người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò này, lại không đến từ một quốc gia châu Âu (vốn là lãnh địa của những nhân vật thường nắm giữ quyền uy của làng túc cầu thế giới), cũng không có chuyên môn liên quan đến trái bóng. Tuy nhiên, kinh nghiệm quản lý, khả năng kết nối, tính trung thực, thẳng thắn là ưu điểm giúp bà được tín nhiệm, sau hàng loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến những nhân vật đầu não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của FIFA.

Bà Fatma Samoura có bằng thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha của ĐH Lyon (Pháp), sau đó học chuyên sâu ngành quan hệ quốc tế và thương mại quốc tế tại trường Institut d’Etudes Supérieures Spécialisées. Hồ sơ ấn tượng cùng việc thông thạo bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia đã tạo lợi thế lớn cho bà ngay từ lúc khởi nghiệp.

Fatma Samoura - “Ke ngoai dao” dang gom
Bà Fatma Samoura - Ảnh: Guardian

Năm 1995, bà Fatma bắt đầu làm việc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở vị trí nhân viên hậu cần cấp cao của Tổ chức Lương thực Thế giới (WFP). Sau đó, bà là đại diện của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Nigeria, quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Phi; là người trực tiếp điều phối ngân sách, nguồn nhân sự 2.000 người, quán xuyến về an ninh, chính trị, xử lý các tình huống kinh tế-xã hội cũng như các công việc không tên liên quan, bảo đảm cho hoạt động của UNDP tại đây thông suốt. Bà cũng là người phụ trách việc đại diện cho các quốc gia trong khu vực như Djibouti, Cameroon, Chad, Guinea, Madagascar.

Làm TTK FIFA không phải chỉ lo chuyện “quần đùi áo số” mà còn vô số chuyện hậu trường - những việc bà Fatma từng quá quen thuộc sau thời gian dài “chinh chiến” trong bộ máy LHQ. Sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup diễn ra năm 2022 tại Qatar là thử thách lớn đầu tiên với bà Fatma. Chính bà phải thuyết phục chính quyền địa phương cải thiện mức sống và điều kiện lao động cho người nhập cư (là nguồn nhân công chính xây dựng các công trình chuẩn bị phục vụ cho World Cup). Nhiều người không hình dung sức mạnh và trách nhiệm của TTK FIFA theo hướng này và cho rằng, một TTK của tổ chức nghề nghiệp như FIA chỉ cần nắm rõ chuyên môn mình quản lý.

Trong khi những hồ nghi liệu bà có làm được việc không vẫn còn râm ran thì bà đã vạch xong kế hoạch hành động cụ thể. Trong buổi họp báo ra mắt trên cương vị mới, bà Fatma Samoura cho biết nhiệm vụ ưu tiên là rà soát nhân sự và chọn những cá nhân nổi bật, phù hợp vào các vị trí trọng yếu càng sớm càng tốt. Hai vị trí bà phải cân nhắc thật kỹ là Giám đốc Tài chính và Giám đốc Điều hành, bên cạnh đó là những người đứng đầu mảng nhân sự, truyền thông, phát triển. Đây là các cộng sự sẽ gắn bó với bà trong suốt quá trình triển khai tầm nhìn, chiến lược từ nhóm nhân sự mới của FIFA.

Bà Fatma cũng cam kết mọi quyết định là tuyệt đối khách quan, công bằng. Nhiệm vụ khác không kém quan trọng là bà muốn xốc lại tinh thần nhân viên FIFA, những người đã ít nhiều lung lay niềm tin trong một năm qua, khi tai tiếng như “bóng ma” bủa vây tổ chức này. Nói như bà Fatma: “Tôi muốn cùng mọi người xây dựng lại quy chuẩn đạo đức và niềm tin. Tôi muốn chúng ta lại có lý tưởng cống hiến sau mọi chuyện không hay”.

Một ý quan trọng khác được bà Fatma nhắc đến là nỗ lực đa dạng hóa, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công khai, minh bạch trong giám sát hoạt động của FIFA. Bà Fatma tự tin ví công việc mới là được “đo ni đóng giày” cho bà, nhờ kỹ năng và kinh nghiệm hoạch định chiến lược, củng cố năng lực làm việc nhóm trong môi trường quốc tế. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (người Thụy Sĩ) đã bổ nhiệm bà Fatma vào vị trí TTK vì ông nhận ra kỹ năng lãnh đạo và tính chính trực nổi bật trong con người bà. Điều này vô cùng cần thiết để tái thiết lại niềm tin và sự phát triển bền vững cho FIFA.

Sự kiện bà Fatma nắm quyền TTK FIFA được coi là cột mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu vai trò của nữ giới trong quản lý thể thao, đặc biệt là bóng đá, lãnh địa nam giới luôn nhận lấy phần lớn đặc quyền. Nhiều người nghĩ bà Fatma là người “ngoại đạo” với trái bóng nhưng sâu thẳm trái tim bà là không phải vậy. Chỉ những người thân thiết mới biết chồng bà từng ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng năm 20 tuổi phải tạm gác ước mơ ấy sau tai nạn bị gãy chân. Bà hiểu, chồng mình luôn dành tình yêu đặc biệt với bóng đá, và bà dần dần thẩm thấu chung một tình yêu trái bóng cùng chồng.

Anh Thông (Theo Bustle, FIFA, Guardian, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI