Tiếp nối câu chuyện của phần 6 từ cái chết của Han, thành vên trong nhóm của Dom và Brian bởi sự trả thù của Deckard Shaw cho anh trai Owen Shaw. Không dừng lại ở đó, Deckard Shaw còn tấn công cả Hobbs - chàng cảnh sát to con và bặm trợn. Đứng trước tình thế nguy hiểm đang đe dọa sinh mạng của từng thành viên trong nhóm và cũng muốn báo thù cho Han, nhóm của Dom, Brian, Letty, Roman và Tej buộc phải cùng nhau trở lại đường đua để bảo vệ cho gia đình mà họ cùng nhau tạo dựng.
Bởi Deckard Shaw là một sát thủ chuyên nghiệp - một "bóng ma" thoắt ẩn thoắt hiện nên việc tìm ra hắn dường như là không thể. Vì vậy, Dom đã phải bắt tay với một quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ để tìm một thiết bị định vị tối tân có tên "Thần nhãn" giúp truy tìm Deckard Shaw. Rất tiếc "Thần nhãn" hiện đang bị cất giấu mà chỉ có người tạo ra nó - hacker Ramsey - mới biết ở đâu. Vấn đề càng khó khăn hơn khi Ramsey hiện đang bị một lực lượng hùng hậu với vũ trang tận răng bắt cóc nhằm chiếm đoạt "Thần nhãn", buộc nhóm của Dom phải giải cứu cô.
"Người vận chuyển" Jason Statham vốn nổi tiếng trên màn ảnh với tư cách là một tay đua cự phách và một tay súng lạnh lùng. Sự góp mặt của anh trong vai Deckard Shaw khiến các fan của loạt phim Fast & Furious thêm phần phấn khích. Bên cạnh Jason Statham, phim còn có sự góp mặt của ngôi sao võ thuật người Thái Lan - Tony Jaa - nổi tiếng với loạt phim Ong Bak.
Nếu nhân vật của Jason Staham sẽ đối đầu với Vin Diesel thì Tony Jaa sẽ là người luôn cản đường Paul Walker. Tuy Tony Jaa có những phân cảnh để phô diễn tài năng võ thuật ở đầu và cuối phim nhưng thực sự nó chưa thể thuyết phục được khán giả.
Nhân vật Dominic do Vin Denisel thủ diễn vẫn không giảm nhiệt trong những màn đua xe mạo hiểm và những cú đấm như trời giáng. Đặc biệt, trong phần 7, Dom của Vin Denisel có phần nội tâm và giằn xé hơn khi đứng trước sự run sợ của người tình sau nhiều phen chinh chiến mệt nhoài và trọng trách bảo vệ an nguy của em rể Brian vì cậu sắp lên chức cha lần nữa. Tất cả đẩy Dom đến nhiều tình thế khó xử và buộc phải đương đầu với chính mình để giúp người yêu vượt qua sợ hãi và mang lại an toàn cho cả nhóm.
Phim có phần tiếc vì Hobbs của John Wayne Jackson hầu như kém đất diễn trong suốt chiều dài bộ phim. Anh chỉ xuất hiện ở phân đoạn đầu và cuối. Những phân cảnh hành động làm nên ấn tượng về anh ở những phần trước cũng giảm đáng kể. Riêng nhân vật cảnh sát Brian của Paul Walker khiến khán giả hồi hộp mong chờ nhất đã không gây thất vọng.
Lần trở lại này, Fast & Furious 7 liên tục khiến khán giả thót tim. Từ những dốc núi dựng đứng hiểm trở, cho đến thành phố xa hoa Abu Dhabi và trở lại với đường đua quen thuộc của Los Angeles. Có lẽ, chỉ với Fast & Furious là đảm bảo những cảnh đua xe, những pha mạo hiểm luôn ngày càng tăng, ngày càng đẹp mắt ngày càng điên rồ - như cách các nhân vật trong phim đã nói: "Sự điên rồ phải được định nghĩa lại".
Các siêu xe trong Fast & Furious 7 không còn chỉ chạy mà còn biết bay. Mọi định luật vật lý đều bị bẻ cong và xóa nhòa. Khán giả chỉ có thể cảm nhận họ đang sống trong những trận chiến những cuộc đua nảy lửa và không ít lần giật mình với vô số lần mạo hiểm khi siêu xe bay xuyên ba tòa nhà cao chót vót hay cảnh đoàn xe lần lượt lao mình từ không trung đáp xuống mặt đất… Đây cũng là phần phim có kinh phí sản xuất cao nhất trong loạt Fast & Furious, được Universal đầu tư với mức kỉ lục 250 triệu USD.
Không chỉ thỏa mãn về hành động về kịch tính, Fast & Furious 7 còn mang đến sự mãn nhãn cho những ai đam mê siêu xe. Họ sẽ phát rồ và ồ lên thành tiếng khi chứng kiến tận mắt chiếc Lykan Hypersport - siêu xe đắt đỏ có tốc độ hàng đầu thế giới - tung hoành trên màn ảnh. Xe có giá đến 3,4 triệu USD và mỗi năm chỉ có 7 chiếc được sản xuất ra thị trường. Những chiếc siêu xe, tiếng rít gào của động cơ, những pha hành động tay đôi nghẹt thở… tất cả đều quy tụ trong Fast & urious 7.
Nếu kỹ xảo và hành động là một điểm cộng lớn của Fast & Furious 7 thì cốt truyện của phim là một điểm yếu. Mô típ của phim vẫn đơn giản và quen thuộc như những phần trước. Chưa kể, những nút thắt trong phim lại không hợp lý và bị xử lý một cách dễ dãi. Có thể thấy, ngay từ đầu sự xuất hiện của phần mềm "Thần nhãn" là yếu tố mấu chốt của phim. Mọi thứ đều xoay quanh nó nên mọi tình huống được viết ra để "hợp lý hóa" các cảnh hành động chứ không theo quy luật của tự nhiên.
Dù sao, điểm khiến khán giả không thể không xem Fast & Furious 7 vì đây là lần cuối họ được thấy Paul Walker trên màn ảnh.
Nếu ngoài đời Paul đã ra đi mãi mãi thì trong phần mới nhất của series phim biên kịch đã để Pau "sống mãi". Khó ai có thể nén lòng trước giây phút Brian chạy đua trên nóc xe; hình ảnh nụ cười của anh ở cuối phim khiến khán giả bật khóc khi nhớ về tài tử bạc mệnh. Việc hồi sinh Pau Walker là cả một nỗ lực của ê kíp làm phim khi anh chỉ mới hoàn thành hơn 70% các phân cảnh của mình.
Hơn 50 triệu USD ngân sách được huy động để nhờ đến các em trai của Paul là Cody và Caleb Walker cùng công nghệ CGI để tái hiện đầy đủ một Brian trên phim. Kịch bản cũng được viết lại cho phù hợp với việc Paul Walker không thể tiếp tục diễn xuất. Vì thế, khán giả vẫn cảm thấy Brian O'Conner vẫn sống, chân thực và đầy cảm xúc. Câu nói cuối cùng của Dom khi nhìn sự vui vẻ, hạnh phúc của gia đình Brian: "Không bao giờ nói giã từ" cùng nụ cười như tỏa nắng của Paul Walker trên nền nhạc "See you again" vang lên là lúc bất cứ ai trong phòng chiếu cũng có thể phải khóc nức nở.
Fast & Furious 7 hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc với các phiên bản 2D, 3D và 4DX. Đây cũng là bộ phim đầu tiên được chiếu theo chuẩn IMAX 3D tại TP.HCM từ ngày 19/4.
SƯƠNG LAM