Fanpage, website… của nhiều ngành hàng bị làm giả để lừa đảo

18/02/2025 - 06:27

PNO - Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết, các fanpage Co.opmart và Co.op Food của Saigon Co.op trên mạng xã hội đã không ít lần bị mạo danh để lừa đảo, đặc biệt là từ sau tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện những trang như Co.opmart Việt Nam, tuyển dụng Co.opmart Sài Gòn… Các đối tượng thường giả danh siêu thị để lừa đảo bằng cách rao tuyển cộng tác viên bán sản phẩm, nhận hoa hồng cao; lừa đảo tuyển dụng; tặng quà tri ân khách hàng, kỷ niệm thành lập; vòng quay may mắn, tặng phiếu mua hàng hay quà tặng bất kỳ; dụ dỗ tham gia hội nhóm kinh doanh…

“Các đối tượng lợi dụng việc Saigon Co.op có mạng lưới khắp cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động cao. Chẳng hạn chỉ riêng vào dịp tết Nguyên đán 2025, Saigon Co.op cần tuyển tới 3.500 nhân sự cho nhiều vị trí. Do vậy, nhiều đối tượng một mặt đăng tải các thông tin tuyển dụng trên Facebook hoặc các sàn giao dịch việc làm online miễn phí. Mặt khác, các đối tượng liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email nhằm dẫn dụ ứng viên đến trụ sở đóng tiền ký quỹ, đồng phục, thế chân, mua hàng... sau đó chiếm đoạt tiền” - ông Nguyễn Ngọc Thắng nói.

Một trong những fanpage mạo danh siêu thị Co.opmart từng được nhà bán lẻ này cảnh báo đến người tiêu dùng
Một trong những fanpage mạo danh siêu thị Co.opmart từng được nhà bán lẻ này cảnh báo đến người tiêu dùng

Nhiều khách hàng khi nhận được các thông báo chào mời tặng quà, tuyển dụng… đã gọi tới số hotline (đường dây nóng) của Saigon Co.op để xác nhận lại, lúc đó mới biết là giả mạo.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - cho biết, ngành điện lực cũng thường xuyên bị các đối tượng mạo danh nhắm tới. Có 3 cách thức các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng. Thứ nhất, đối tượng thông báo khách hàng đang nợ tiền điện với số tiền lớn, yêu cầu thanh toán ngay lập tức để tránh bị cắt điện hoặc thông báo khách hàng ghi sai tên, sai số tài khoản. Thứ hai là thông tin hệ thống điện đang gặp sự cố, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác chuyển tiền để khắc phục. Thứ ba là thông báo, giới thiệu các chương trình khuyến mãi giả mạo, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link lạ hoặc tải ứng dụng độc hại để nhận ưu đãi.

Để không bị lừa đảo, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thanh toán tiền điện đúng hạn qua các kênh thanh toán điện tử như: ứng dụng EVNHCMC, ví điện tử, internet/SMS/mobile banking, website/ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng). Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tiếp tại các điểm giao dịch ngân hàng, các điểm thu cửa hàng tiện lợi 24/7, siêu thị điện máy, siêu thị…

Theo ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Security) - những vụ lừa đảo vừa qua liên quan đến các trang Facebook giả mạo người nổi tiếng hay doanh nghiệp không phải là mới nhưng giá trị lừa đảo ngày càng cao. Hầu hết vụ lừa đảo là do nạn nhân tự chuyển thông tin OTP và chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Rất ít trường hợp xảy ra do lỗi của hệ thống ngân hàng.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI