Fan Việt quyên tiền ủng hộ “sao” ngoại: Thanh xuân “đắt giá”

29/06/2020 - 07:47

PNO - Chuyện fan Việt nhắn tin, mua phiếu bầu bình chọn cho thần tượng chiến thắng một cuộc tranh tài, một lễ trao giải không phải là chuyện mới ở Việt Nam, nhưng giờ đây, sự ủng hộ đó còn mở rộng cả với đối tượng là ca sĩ, diễn viên nước ngoài, tạo thành một cuộc chiến “kim tiền” không biên giới giữa các fandom (cộng đồng người hâm mộ).

Thần tượng ai, ủng hộ ai là quyền cá nhân của người trẻ và cũng không nên dạy người khác cách tiêu tiền, nhưng việc ném một đống tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho những ngôi sao sống ở nước ngoài, chưa đóng góp gì nhiều cho nghệ thuật như trường hợp fandom tại Việt Nam quyên góp hơn 600 triệu đồng giúp một thực tập sinh của chương trình truyền hình thực tế Thanh xuân có bạn 2 (Trung Quốc) được nhiều bình chọn, thì sự hào phóng này thật đáng báo động, và câu chuyện yêu thích thần tượng cần được xới lại. 

Thanh xuân dành cho người lạ

Tối 30/5 vừa qua, sau ba tháng kể từ khi bắt đầu, mùa 2 Thanh xuân có bạn - chương trình truyền hình thực tế đang ăn khách ở làng giải trí Hoa ngữ, do iQIYI sản xuất - đã diễn ra đêm chung kết với kết quả là chín cô gái gồm Lưu Vũ Hân, Ngu Thư Hân, Hứa Gia Kỳ, Dụ Ngôn, Tạ Khả Dân, An Kỳ, Triệu Tiểu Đường, Khổng Tuyết Nhi, Lục Kha Nhiên được chọn để thành lập nhóm nhạc nữ mang tên The Nine. Trong chiến thắng của chín người đẹp này có “công lao” không nhỏ của các người hâm mộ Việt Nam.

“Công lao” này không chỉ đong đếm bằng thời gian, sức lực mà còn bằng cả tiền bạc khi cộng đồng hâm mộ của mỗi cô không ngần ngại chi “khủng” để giúp thần tượng có nhiều phiếu bình chọn. Ví như trang fanpage Triệu Tiểu Đường tại Việt Nam thông báo đã quyên hơn 600 triệu đồng gửi sang hội fan của nữ ca sĩ này tại Trung Quốc để ủng hộ, bình chọn cho cô tại cuộc thi Thanh xuân có bạn 2. Một số liệu tham khảo khác còn cho thấy, tổng số tiền quyên góp tại Việt Nam của các thực tập sinh show Thanh xuân có bạn 2 lên đến hơn 2 tỷ đồng, trong đó thực tập sinh có lượng tiền ủng hộ thấp nhất cũng đạt hơn 50 triệu đồng. 

Giá trị, ý nghĩa của một cuộc quyên góp không chỉ nằm ở con số vài chục đến hàng trăm triệu đồng, mà còn nằm ở đối tượng thụ hưởng. Nếu người thụ hưởng là những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn hoặc những đồng bào đang gặp hoạn nạn cần được giúp đỡ, thì tiền quyên góp dù ít hay nhiều cũng mang ý nghĩa to lớn. Nhưng khi sự ủng hộ vật chất chỉ nhằm để phân định thắng thua trong một cuộc chơi, và người hưởng lợi là những cô nàng ngoại quốc chưa nổi tiếng, mới chỉ là thực tập sinh, thì việc đua nhau chi tiền giúp họ - trong đó có cả những người từng chia sẻ hình ảnh đường lưỡi bò trên trang cá nhân như Ngu Thư Hân - bộc lộ sự đáng lo về nhận thức của giới trẻ.

Không thể phủ nhận rất nhiều người trẻ hiện nay có thể kiếm tiền từ rất sớm, và họ có quyền sử dụng nó theo ý muốn, nhưng cách thức tiêu tiền sẽ phản ánh phông văn hóa, giáo dục của mỗi người. Và hiện tượng fandom Việt hào phóng quá mức với các thực tập sinh Trung Quốc, bộc lộ một khoảng trống trong công tác định hướng cho thanh niên trên hành trình đi tìm chân giá trị cuộc sống.

“Con nghĩ, nếu những người này đóng góp số tiền mà bản thân kiếm được, chứ không phải lấy cắp hay gì thì họ cũng có quyền được làm điều mình muốn. Ta cũng không thể cấm họ, hay mắng chửi họ được. Mong là họ suy nghĩ kỹ với quyết định của mình để sau này không hối hận...Theo con tìm hiểu, một trong số những thần tượng Trung Quốc mà bài viết nêu có chia sẻ “đường lưỡi bò”. Con cũng không đồng ý ủng hộ cho những thần tượng như vậy, vì họ càng nổi tiếng, thì những bài chia sẻ về chính trị càng lan rộng và thiệt cho nước mình. Cá nhân con hay những người trong fandom của nhóm BTS thì đóng góp bằng cách mua album, mua nhạc để nghe, hay mua những đồ liên quan đến idol thì con thấy việc này sẽ giúp âm nhạc của idol có sức ảnh hưởng và lan tỏa hơn trong cộng đồng. Con thấy âm nhạc của BTS hay, ý nghĩa, và bọn con đóng góp để giúp họ có thể làm được nhiều việc ý nghĩa hơn”.

Linh (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)

Ai trách, trách ai?

Thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, một sự kiện văn hóa giải trí, một ngôi sao không chỉ đặt phạm vi ảnh hưởng trong nước mà còn có thể lan ra các nước lân cận trong khu vực, thậm chí vươn ra khắp thế giới. Không khó để bắt gặp những cuộc kêu gọi ủng hộ bình chọn cho sao ngoại của các fandom người Việt. Việc bình chọn có thể chỉ là những cú click để giúp thần tượng qua mặt đối thủ, nhưng cũng có thể biến thành những cuộc chiến sặc mùi vật chất khi sự yêu thích được quy đổi bằng tiền. Nhà tâm lý học Phạm Thị Thúy nêu quan điểm: “Các bạn trẻ có quyền ngưỡng mộ, yêu thích, ủng hộ ai đó. Không ai có quyền phán xét người khác được làm hay không được làm, nên thích hay không nên thích. Đó là quyền của họ về mặt cảm xúc, sử dụng đồng tiền, thời gian. Đó cũng là nhu cầu hết sức tự nhiên và bình thường của tuổi teen, tuổi thanh niên, không có điều đó mới bất thường”. 

Tất nhiên, sẽ rất cực đoan khi cản trở nhu cầu được thần tượng, yêu thích ai đó của giới trẻ, nhưng bày tỏ sự hâm mộ như thế nào để đừng bị đánh giá lố bịch, phản cảm là điều đáng bàn. Ranh giới giữa hành động đúng - sai không chỉ khác nhau ở góc nhìn, mà còn nằm ở khoảng cách thế hệ. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhà tâm lý học Phạm Thị Thúy cho rằng: “Chúng ta hay có kiểu áp đặt lên giới trẻ những chuẩn mực, đó là cái mà người lớn cho là đúng, nhưng chắc gì các bạn trẻ coi đúng. Chỉ khi nào chuẩn mực xã hội tạo thành giá trị của giới trẻ thì mới được chúng làm theo, bởi giá trị là cái ta lựa chọn, thôi thúc ta từ bên trong chứ không phải là cái bị áp đặt từ bên ngoài. Một khi cái bên trong không vững thì mọi chuẩn mực bên ngoài chả có ý nghĩa gì. Khủng hoảng giá trị là cái gốc, còn biểu hiện ra ngoài mà chúng ta đang lên tiếng là ngọn, là bề mặt. Không thể chối cãi, phê phán, chê bai hay chỉ trích, cái người lớn cần làm là tìm hướng đi mới cho thanh thiếu niên xây dựng hệ giá trị từ bên trong, và gốc là giáo dục từ phía gia đình, nhà trường, giúp cho các bạn trẻ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mục đích mà mình sinh ra, lớn lên và làm gì, đóng góp gì cho đời. Khi đó, những hoạt động nhảm nhí, xàm xí sẽ không thể đến gần họ nữa”. 

 

Nguyễn Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI