|
“Like” vài bài đăng trên mạng xã hội liệu có thể dẫn chúng ta đến một cuộc đối đầu? Ảnh: Metro |
Theo thống kê từ tuần báo kinh tế uy tín The Economist, Facebook hiện nắm giữ kỷ lục về tổng số lượng người dùng: 2,7 tỷ. Có sức bành trướng không thể chối cãi, mạng xã hội lớn nhất thế giới thực chất đang ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến đời sống?
Câu hỏi trên là tiền đề cho nhiều bài viết, báo cáo, công trình nghiên cứu quy mô đương đại. Trong mắt đa số công chúng, mối ngờ vực nghiêm túc chỉ dần nảy sinh sau hàng loạt cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội gần đây, mới nhất là đại dịch COVID-19.
Tạo dựng một không gian tin tức, bài đăng, quảng cáo, hoạt động hội nhóm rộng lớn đến choáng ngợp, Facebook đơn thuần khuyến khích chúng ta chia sẻ thông tin để kết nối hay ngầm điều khiển hành vi kết nối của mỗi người? Ra đời với châm ngôn “tiến nhanh và phá vỡ mọi vật” (move fast and break things), chúng ta có nên lo ngại rằng Facebook đang thật sự “phá vỡ” những giá trị xã hội quan trọng?
Tháng 9/2006, tính năng News Feed (cập nhật tin mới) bắt đầu xuất hiện trên Facebook, trở thành “cột mốc” làm thay đổi vĩnh viễn ý niệm về mạng xã hội. Người dùng được tạo điều kiện tốt hơn để tiếp cận nhiều nội dung nổi bật. Khi ấy, Facebook có khoảng 12 triệu người sử dụng. Và chỉ qua một năm, mạng xã hội non trẻ đã thu hút 20 triệu tài khoản đăng ký, chính thức “soán ngôi” MySpace, mạng xã hội đông đảo nhất lúc bấy giờ.
Năm 2007, Facebook ra mắt nút Like - giúp kích thích tương tác cá nhân, cũng như áp dụng thuật toán hoàn thiện News Feed (hiển thị chắt lọc nội dung bài đăng dựa trên việc nghiên cứu hành vi sử dụng trang mạng của từng thành viên). Càng tập trung tăng khả năng kết nối, Facebook càng lôi cuốn người dùng.
Chiến thuật này nhanh chóng phát huy hiệu quả vượt trội. Chỉ trong vòng hai năm tiếp theo, số tài khoản Facebook tăng đến 350 triệu. Đến năm 2012, mạng xã hội này đón chào kỷ lục 1 tỷ thành viên.
Thực tế, Facebook đã “tiến nhanh” như phương châm ban đầu. Thế nhưng, “gã khổng lồ” của thế giới mạng điện tử không thể tăng tốc dẫn đầu mà không “va chạm” thứ gì đó.
Khi kết nối trở nên độc hại
Trung tuần tháng Chín năm ngoái, nhân cuộc họp tại Tiểu ban Thương mại nội địa Mỹ thảo luận về thực trạng phát tán nội dung tiêu cực trên những diễn đàn điện tử, Tim Kendall - cựu giám đốc bộ phận thương mại của Facebook - đã đưa ra loạt chỉ trích gây shock về trang mạng xã hội. Kendall cho rằng, không ngừng tối đa hóa mục tiêu liên kết người dùng, Facebook đang phớt lờ nhiều hệ lụy tiềm ẩn: “Dịch vụ mạng xã hội mà tôi và những đồng nghiệp khác cùng tạo lập suốt 15 năm qua giờ đây lại đang chia rẽ chúng ta một cách nhanh chóng và tàn nhẫn. Tôi e mọi người sẽ đánh mất niềm tin để thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng viễn cảnh tồi tệ nhất, nếu Facebook không hóa giải vấn đề tiềm tàng của nó, là một cuộc chiến mà mỗi chúng ta đều có thể bị cuốn vào”.
Sự cố từng gây xôn xao dư luận Myanmar năm 2014 là ví dụ đơn cử nói lên những xung đột ngầm bên trong “chủ nghĩa kết nối” đặc thù của Facebook.
Một bài đăng sai sự thật trên Facebook, tố cáo chủ một doanh nghiệp tại thành phố Mandalay từng cưỡng bức một nữ nhân viên, bất ngờ nhận về rất nhiều sự quan tâm. Trước khi được kiểm chứng, nó đã dẫn tới hệ quả nặng nề, không chỉ với người trong cuộc. Nghiêm trọng hơn, vụ việc kéo theo sự xuất hiện của một băng nhóm tội phạm, gây rối loạn trị an tại địa phương.
Lời tố cáo dù vô căn cứ lại được tích cực phát tán đến mục News Feed của vô số người dùng trong khu vực. Là mạng xã hội phổ biến hàng đầu Myanmar, tiện ích “tự do lên tiếng” dành cho mọi thành viên, trong trường hợp này đã khiến Facebook tạo nên những tác động tiêu cực.
Tình trạng thông tin thiếu minh bạch hay dễ bị hiểu sai nhưng vẫn được lan truyền rộng rãi quả thật không hiếm gặp trên Facebook. Tại Mỹ, trào lưu phản khoa học “bài trừ vắc-xin ngừa bệnh” (anti-vax), chẳng hạn, đang gây tranh cãi đặc biệt.
Trên Google, khoảng một thập niên qua, cụm từ “anti-vax” được tìm kiếm ngày càng nhiều. Bên trong Facebook, mục tiêu tối đa hóa tương tác, thảo luận giữa những người dùng đã vô hình trung giúp lan tỏa ý tưởng về anti-vax.
Ở giai đoạn nhân loại đang đối mặt cơn đại dịch toàn cầu, tình trạng thông tin chính thống đáng tin cậy vẫn “chìm nổi” giữa vô vàn nội dung sai lệch, tồn tại nhiễu nhương trên Facebook - khiến việc bài trừ trào lưu tư duy nguy hiểm như anti-vax trở nên khó khăn gấp bội.
“Lỗ hổng” của sự lạc quan
Về thực trạng nhiễu loạn thông tin, Kendall lý giải: “Lúc đầu, chúng tôi tin, tăng cường tương tác sẽ đem lợi ích cho người dùng. Nhưng dần dần, quyền lợi ấy vượt khỏi tầm kiểm soát khi nó “hút” thành viên vào trang mạng theo cách tai hại. Nhưng những hệ lụy, dù đã phát sinh, chưa thể tạo ra sức ép để Facebook thay đổi”.
Cùng với hàng loạt “ông lớn” trong thị trường internet như YouTube và Twitter, Facebook đang chú tâm hơn đến hoạt động dọn dẹp nội dung. Ghi nhận từ The Economist cho thấy hai năm trở lại đây, trang mạng đã xóa hơn 22 triệu bài đăng có nội dung tiêu cực - tăng gấp mười lần so với thống kê tương tự trước đó. Có gần 17 triệu tài khoản ảo bị xóa mỗi ngày, nhiều hơn gấp đôi so với ba năm trước.
Dẫu vậy, cố gắng này có quá muộn trước phần lớn sự cố liên quan đến chia sẻ nội dung? Nhìn lại lịch sử những trào lưu độc hại như anti-vax, những vụ kiện về xâm phạm thông tin hay nhiều mâu thuẫn đời tư được phát tán vô tội vạ qua không gian ảo nhưng gây hậu quả thật, dường như câu trả lời đã sẵn có.
Khi lợi ích thương mại được đặt lên trên hết, Facebook - một “đế chế” kinh doanh khổng lồ - không xem tính bất cập trong quản lý nội dung là mối nguy đúng nghĩa. Khi mục tiêu tối đa hóa sự kết nối vẫn được ưu ái, trang mạng tiếp tục hưởng lợi từ những dòng bình luận, tương tác của người dùng.
Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Facebook - đã bày tỏ tiêu chí không can thiệp: “Tôi hiểu quan ngại về việc diễn đàn mạng đang trao quyền quá nhiều cho người dùng. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, tôi tin chúng ta nên trao quyền lợi kết nối để khuyến khích nhiều tiếng nói cá nhân trên nhiều lĩnh vực”.
Điều Zuckerberg đề cập có thể chính là “lỗ hổng” lớn nhất ở Facebook. Một công ty công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu đang giữ tâm thế quá lạc quan trước những ẩn họa từ hoạt động kết nối. Zuckerberg chọn cách tin tưởng vào nền tảng cuộc sống tốt đẹp. Thế nhưng, trên thực tế, một số “tiếng nói” nổi bật không phải luôn đáng lan tỏa.
Vậy đâu là giới hạn của kết nối? Khi nào chúng ta nên thoát ly mạng xã hội? Câu trả lời, suy cho cùng, tùy thuộc vào nhìn nhận của mỗi người. Dù vậy, chờ đến khi Facebook thể hiện nỗ lực “chuyển mình” phù hợp hơn trước hiện thực xã hội, lời khuyên chung luôn là: hãy tiếp nhận và chia sẻ ở mức vừa phải, có chọn lọc thông tin trong thế giới ảo.
Những thông báo màu đỏ xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều, cố gắng thu hút sự chú ý của người dùng đến các bài đăng trong nhóm, trang cộng đồng, trang mua sắm hoặc video trực tuyến. Tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất: quảng cáo. Thậm chí với những tài khoản sử dụng Facebook như một kênh làm việc, nền tảng này sẽ trực tiếp gợi ý các lời mời như mua quảng cáo, sử dụng dịch vụ, mua hàng…
Tại Việt Nam, sau thời gian bị làm phiền bởi các lời mời chơi game, nhận tin nhắn thông báo trúng thưởng giá trị cao nhưng thực chất chỉ là chiêu trò lừa đảo, người dùng Facebook lại tiếp tục chịu “tra tấn” bởi hàng loạt tin nhắn quảng cáo. Khác với hình thức trước đây, tin nhắn spam kiểu mới được gửi từ những người không phải là bạn bè và hiện chưa có hình thức khắc phục triệt để.
Thậm chí, một số đơn vị trong nước còn phát triển cả phần mềm phục vụ việc spam tin nhắn quảng cáo trên Facebook. Tìm kiếm trên Google với từ khóa “phần mềm spam Facebook”, có hàng ngàn kết quả trả về giới thiệu những ứng dụng hỗ trợ người dùng tự động gửi tin nhắn, tự động thêm bạn bè vào nhóm, tự động đăng tin và kết bạn.
Như Ý