Facebook sập, người bán hàng qua live stream chịu thiệt

08/03/2024 - 10:33

PNO - Bà Thái Trang - chủ sạp Thái Vân, chợ An Đông (quận 5, TPHCM) - cho biết, sạp thường live stream bán hàng trên Facebook và TikTok. Do phân khúc sản phẩm của sạp hướng tới khách hàng tuổi trung niên nên nguồn khách mua trên Facebook nhiều hơn. Sự cố Facebook “sập” (khoảng từ hơn 22g đến 24g ngày 5/3) khiến sạp mất cơ hội chốt đơn trong thời gian đó.

Chị Vũ Thị Bích Hồng - một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) - cho biết, rất nhiều người chọn live stream (phát trực tiếp) bán hàng từ 21 - 23g đến sáng hôm sau vì đối tượng khách mua phần lớn là khách hàng trẻ có thói quen ngủ rất trễ, thậm chí là thức xuyên đêm. Khi phiên live stream đang diễn ra, Facebook dừng đột ngột không chỉ làm mất cơ hội chốt các đơn hàng mới mà người bán hàng còn thiệt hại khác vì live stream phải thực hiện theo ê kíp, chặt chẽ từ kịch bản, chương trình khuyến mãi, phải thuê nhân sự, thiết kế, đạo cụ, truyền thông… 

Các nền tảng Facebook, tin nhắn Messenger, Instagram bị tê liệt từ hơn 22g đến 24g ngày 5/3)
Các nền tảng Facebook, tin nhắn Messenger, Instagram bị tê liệt từ hơn 22g đến 24g hôm 5/3. Ảnh minh họa

Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty Xuất khẩu thời trang Veco, nơi tự đào tạo cách live stream bán hàng cho các nhà phân phối - thông tin: vào đêm Facebook “sập”, một số nhà phân phối của công ty cũng đang thực hiện live stream bán hàng. “Xưa nay tỉ lệ hủy đơn sau live stream có thể lên tới 40% là chuyện bình thường. Thông thường, người mua thường quyết định chốt đơn do cảm xúc hào hứng khi đang xem live stream. Sau đó, ngẫm lại thấy món hàng đó không cần thiết hoặc thấy sản phẩm chỗ khác có giá thấp hơn, nhiều ưu đãi hơn sẽ hủy đơn. Nhưng nếu đang xem live stream nhưng bị kết thúc đột ngột do cúp điện hoặc sự cố “sập” Facebook thì khách vẫn có thể “mất hứng” và hủy đơn” - ông Hồ Đình Viên nói. 

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS) - sự cố cho thấy sự phụ thuộc quá lớn vào nền tảng nước ngoài. Việc phụ thuộc này khiến quyền lợi của người dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với một số người dùng chỉ sử dụng mạng xã hội với mục đích chia sẻ thông tin thì mức độ ảnh hưởng có thể ít, nhưng với những tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để kinh doanh thương mại điện tử thì các sự cố như vậy sẽ ảnh hưởng tương đối lớn.

“Những ảnh hưởng này không đo đếm, được đền bù hay bảo vệ. Trong khi nếu dùng các dịch vụ do công ty trong nước cung cấp thì mọi việc sẽ ngược lại. Tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay là chưa có nền tảng kinh doanh thương mại điện tử nào của riêng Việt Nam. Vì vậy cũng cần các cơ quan hoạch định chính sách sẽ có những khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước phát triển các nền tảng để dần thay thế cho nền tảng nước ngoài” - ông Vũ Ngọc Sơn nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong