Facebook không phải chốn để lăng mạ người khác!

09/01/2018 - 17:50

PNO - Cuối cùng thì nhà báo Đào Tuấn cũng có lời xin lỗi hoa hậu H’Hen Niê. Có lẽ đây là lời xin lỗi đầu tiên về việc miệt thị hình thể người khác trên mạng xã hội - chốn ảo mà không ảo này.

Câu chữ như… ngọn dao

Viết và đọc là những kĩ năng căn bản của con người từ thuở lên 5 lên 6. Thế nhưng để viết mà không làm tổn thương ai thì không chắc những người trưởng thành lại rành rẽ hơn những đứa trẻ lên 5 lên 6. Càng trưởng thành, sự phong phú về câu chữ cùng sự trải nghiệm đời sống đầy ngọt đắng ít nhiều làm cho con người càng biến những câu chữ của mình thành vũ khí có độ sát thương không kém bất cứ thứ vũ khí nào.

Facebook khong phai chon de lang ma nguoi khac!
Nhà báo Đào Tuấn đã so sánh màu da của H'Hen Niê với... bộ phận giới tính của đàn ông

So sánh nhan sắc của một cô gái với bộ phận sinh dục đã là đáng khinh, đáng bị lên án chứ đừng nói là ám chỉ cô như một loài thú rừng. Vậy mà những lời lẽ đó đã được viết ra từ một nhà báo – một người lẽ ra nên sử dụng câu chữ, từ ngữ để giúp xã hội giảm đi cái xấu, phát huy cái tốt. Những câu chữ đó đã làm phát lộ một tâm hồn hẹp hòi, một tư duỳ kì thị, một kiến văn đầy sỉ nhục tất cả những gì đã được học, được đào tạo.

Trước H’Hen Niê, cô người mẫu gầy gò Cao Ngân cũng phải nhận lấy những lời miệt thị: bên cạnh những câu chữ chê bai về nhan sắc, không ít người (đàn ông) còn xúc xiểm cô ở khía cạnh về giới tính. Hoặc, ngay trong đêm Lê Âu Ngân Anh đăng quang cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017, hình ảnh gương mặt của cô được nhiều người ghép cùng… cá lau kính và đính kèm những từ ngữ nặng nề rồi cùng nhau chia sẻ trên mạng.

Đánh giá cái đẹp là phạm trù cảm tính, một nhan sắc không thể hợp nhãn với tất cả, và bất kỳ ai cũng có thể nói lên nhận xét của mình. Nhưng, lời nhận xét rất khác với lời miệt thị, lăng mạ.

Bất kỳ ai cũng có thể chê Cao Ngân không đẹp, bất kỳ ai cũng có thể thẳng thắn nói nhan sắc Ngân Anh không hợp nhãn mình… Nhưng một khi ví von nhan sắc một người như cá lau kính hay mang những yếu tố về giới ra để diễn đạt ý, việc đó đã không đơn thuần là dừng ở khen/chê nữa. 

Facebook cá nhân không phải là “nhà riêng”!

Trước khi Cục Báo chí vào cuộc đề nghị các cơ quan liên quan xử lý nhà báo Đào Tuấn và rồi nhà báo này có lời xin lỗi (thông qua Facebook bạn bè vì trang cá nhân đang bị khoá do có báo cáo sai phạm), Đào Tuấn từng cho rằng những lời thoá mạ của mình rằng không sai. Và vì đã là hoa hậu thì phải chấp nhận lời bình phẩm đến từ một cá nhân, rằng những từ ngữ ấy chỉ vô văn hoá nếu dành cho một người khác mà không phải hoa hậu...

Facebook khong phai chon de lang ma nguoi khac!
Trước H'Hen Niê, Cao Ngân và Lê Âu Ngân Anh cũng bị miệt thị vô cớ với từ ngữ, hành vi vô văn hoá

Thực tế, không không chỉ có nhà báo Đào Tuấn, rất nhiều người từng cho rằng trang Facebook cá nhân cũng giống như “nhà riêng” mà ở đó, “chủ nhà” có thể thoải mái buông bất kỳ từ ngữ nào, dành cho ai. Vì là “nhà riêng” nên những câu chữ vô văn hoá được thoải mái sử dụng.

Vì là “nhà riêng” nên “chủ nhà” có thể miệt thị ai tuỳ thích mà không cần phải chịu trách nhiệm. Nhưng, liệu có phải ai cũng có quyền bày biện những thứ rác rưởi ở căn-nhà-không-đóng-cửa-và-nằm-tơ-hơ-giữa-đường này?

Trang cá nhân, nhưng một khi đã chia sẻ với một số đông bạn bè hoặc để chế độ công khai (nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể xem-thấy), đó không còn là một phát ngôn mang tính riêng tư nữa. Đó đã là chốn công cộng, và một không gian công cộng bao giờ cũng có những quy chuẩn ứng xử và yêu cầu về văn hoá của nó.

Đó là lý do cho việc pháp luật đã có những biện pháp chế tài cho những thông tin mang tính bịa đặt hay xúc phạm, bôi nhọ danh dự cá nhân lẫn tập thể trên không gian mạng và nhiều người đã bị xử phạt vừa qua.

Như nhà báo Đào Tuấn, phải giải trình với các cơ quan chức năng và có thể như anh nói trong lời xin lỗi, có thể bị xử lý nặng.

Quyền tự do phát ngôn, tự do nhận định rất khác với lăng mạ người khác.

Du Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI