Facebook đối mặt cuộc tẩy chay lớn nhất

08/07/2020 - 07:40

PNO - Chỉ trong 3 ngày đầu tháng Bảy, 800 công ty trên toàn thế giới đã rút hàng triệu USD quảng cáo khỏi mạng xã hội Facebook.

Các thương hiệu từ Coca-Cola, Ford, Adidas đến tập đoàn toàn cầu Unilever đều yêu cầu Facebook giám sát mạnh mẽ những thông điệp thù địch trên mạng xã hội.

Cuộc tẩy chay quảng cáo nhắm vào Facebook không giống bất cứ điều gì mà gã khổng lồ truyền thông xã hội từng đối mặt trong lịch sử 16 năm của mình.

Sự việc nổi lên như một thử thách quan trọng đối với công ty truyền thông đóng vai trò chủ chốt trong chính trị Mỹ, đồng thời cũng là chiến thắng cho một liên minh mới của các nhóm dân quyền và các tổ chức vận động khác - đối thủ đáng gờm nhất của Facebook.

Nơi nuôi dưỡng sự thù ghét

Tuy cuộc tẩy chay chỉ vừa mới nổi lên, nguồn gốc của nó bắt đầu từ cuộc bầu cử năm 2016, giữa cáo buộc Facebook khai thác vấn đề chủng tộc của Mỹ vì mục đích chính trị. Làn sóng phẫn nộ cho rằng Facebook không chỉ khuếch đại căng thẳng, mà còn nuôi dưỡng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử thông qua những bài đăng thù địch. Với lý do đảm bảo quyền tự do ngôn luận, Facebook đã không coi trọng vấn đề kiểm duyệt trong nhiều năm.

Facebook và tỷ phú Mark Zuckerberg đang đứng giữa cuộc tẩy chay chưa từng có, với sức ép từ các khách hàng nắm giữ 1,7 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu
Facebook và tỷ phú Mark Zuckerberg đang đứng giữa cuộc tẩy chay chưa từng có, với sức ép từ các khách hàng nắm giữ 1,7 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu

Đến năm 2018, Facebook tuyên bố thực hiện kiểm toán để hiểu rõ hơn về cách nền tảng ảnh hưởng đến các cộng đồng da màu và những nhóm xã hội thiểu số khác. Nhưng vào cuối tháng 9/2019, người đứng đầu chính sách và truyền thông của Facebook tiết lộ công ty không bao gồm phát ngôn của các chính trị gia vào quy trình kiểm tra của mình.

Đây chắc chắn là một sai lầm, bởi sau cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát ở thành phố Minneapolis vào nửa cuối tháng Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng - trên cả Twitter và Facebook - một lưu ý: “Dù bất cứ điều gì xảy ra, nó cũng sẽ nằm trong sự kiểm soát, nhưng khi việc cướp bóc bắt đầu, chính quyền sẽ nổ súng”. Ngay lập tức, Twitter gắn nhãn cảnh báo cho bài đăng của tổng thống vì vi phạm các quy tắc của trang mạng chống lại bạo lực và cổ xúy bạo lực.

Ngược lại, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố bài đăng của tổng thống không vi phạm các chính sách trên trang web về phát ngôn bạo lực và từ chối gỡ bỏ. Từ đỉnh điểm này, một số nhóm và tổ chức vận động xã hội quyết định hành động chống lại Facebook.

Chiến dịch của liên minh tổ chức xã hội - doanh nghiệp có tên gọi #StopHateForProfit ra đời vào giữa tháng Sáu, và tại một sự kiện trực tuyến ngày 16/6, người phát ngôn Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi khẳng định: “Nhà quảng cáo nắm giữ sức mạnh đối với công ty truyền thông, và theo tôi, họ cần thể hiện chúng”.

Phản ứng của Facebook

Cho đến nay, số quảng cáo mất đi chỉ chiếm một phần doanh thu của Facebook. Các nhà phân tích dự đoán công ty vẫn thu về khoảng 17 tỷ USD trong quý II/2020 - nhưng niềm tin ngày càng lan rộng về việc nền tảng mang tính độc hại đối với xã hội chắc chắn là vấn đề cần giải quyết.
Các nhà tổ chức cuộc tẩy chay hy vọng rằng, phong trào - dự kiến diễn ra trong một tháng từ 17/6 - sẽ thúc đẩy Facebook thực hiện các thay đổi nhanh chóng. Liên minh đưa ra 10 yêu cầu cụ thể, trong đó bao gồm tuyển dụng giám đốc điều hành cấp cao có chuyên môn về quyền công dân, thực hiện kiểm tra tính chân thực đối với phát biểu từ các chính trị gia, và bảo vệ người dùng bị quấy rối dựa trên danh tính.

Sau khi chiến dịch tẩy chay được phát động, Facebook đã có cuộc họp với nhiều đội ngũ, bao gồm nhánh tiếp thị, chính sách và pháp lý để thảo luận về những việc cần làm.

Ngày 26/6, Mark Zuckerberg phát trực tiếp cuộc họp nhân viên để thông báo một số thay đổi nhỏ đối với việc xử lý nội dung chính trị, như cấm các bài đăng sai lệch rằng các quan chức di trú sẽ đến kiểm tra địa điểm bỏ phiếu, dán nhãn cảnh báo một số bài viết của các chính trị gia và xóa hàng trăm tài khoản liên quan đến cái gọi là Boogaloo Boys - một phong trào cực hữu ủng hộ nội chiến xuất hiện xung quanh các cuộc biểu tình “Black Lives Matter”. Công ty cũng tuyên bố rằng, họ sẽ thực hiện cuộc kiểm toán nhằm kiểm tra độ an toàn của nền tảng đối với các nhà quảng cáo, và công bố danh sách chi tiết cách giải quyết một số điều mà phong trào tẩy chay yêu cầu.

Dù vậy, các nhà tổ chức tẩy chay nói rằng động thái của Facebook vẫn chưa đủ, những thay đổi quá nhỏ và lời giải thích từ Facebook còn mơ hồ. Những người ủng hộ #StopHateForProfit yêu cầu tỷ phú Mark Zuckerberg phải đích thân lên tiếng và vào ngày 1/7, Facebook cho biết họ đồng ý. Cuộc trò chuyện diễn ra sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh 4/7, hứa hẹn tạo ra một thay đổi lớn cho không gian mạng xã hội, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020. 

Tấn Vĩ (theo Politico, ABC News, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI