Vào tháng 2/2019, không lâu trước cuộc tổng tuyển cử của Ấn Độ, 2 nhân viên của Facebook đã thiết lập một tài khoản giả - là hồ sơ của một phụ nữ 21 tuổi, đang sinh sống ở vùng Bắc Ấn Độ - trên ứng dụng này, để tìm hiểu về trải nghiệm của một người dùng mới tại thị trường lớn nhất của công ty.
|
Frances Haugen xuất hiện trong chương trình 60 Minutes để chia sẻ về những "bí mật khủng khiếp" của Facebook |
Lúc đầu, tài khoản này nhận được khá nhiều nội dung khiêu dâm ở mức độ nhẹ.
Sau đó, bạo lực nổi lên ở Kashmir, nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan. Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi, người đang vận động cho việc tái đắc cử với tư cách là một người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc - đã mở các cuộc không kích trả đũa, mà Ấn Độ cho rằng nhằm vào một trại huấn luyện của các nhóm khủng bố Hồi giáo.
Ngay sau đó, mặc dù không đưa ra bất cứ một “chỉ thị” nào, tài khoản Facebook nói trên đã tràn ngập những thông tin tuyên truyền ủng hộ ông Modi, và các bài phát biểu mang tính thù ghét, bài xích Hồi giáo.
Cùng thời điểm đó, trong một căn phòng ký túc xá ở miền bắc Ấn Độ, một sinh viên người Kashmir tên Junaid cho tờ The Washington Post (WP) biết trang Facebook thực của mình cũng đang tràn ngập những thông điệp thù hận, trong đó có tài khoản cho rằng người Kashmir là “những kẻ phản bội đáng bị xử bắn”.
“Sự thù hận lan truyền trên Facebook nhanh như cháy rừng. Nhưng không có tài khoản nào trong số các tài khoản đưa ra những lời nói căm thù này bị chặn cả”, Junaid lên tiếng.
Hôm 23/10, Facebook đã công bố các tài liệu nội bộ, cho biết đã nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức hoạt động của nền tảng này ở nước ngoài, và thừa nhận rằng việc kiểm duyệt nội dung chưa được chặt chẽ ở các quốc gia không nói tiếng Anh khiến Facebook dễ bị các phần tử xấu lạm dụng.
Trước đó, Frances Haugen - cựu nhân viên và cũng là người tố giác Facebook trong thời gian gần đây - đã cung cấp các tài liệu có tên Facebook Papers cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ, và tờ The Wall Street Journal, cho thấy trong khi đang phát triển và khai thác kinh doanh mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, Facebook lại không đầu tư thích đáng để thực hiện các biện pháp an ninh, an toàn mạng trên nền tảng của mình ở các nước này, mà chỉ chạy theo việc tăng trưởng số lượng người dùng nhằm thu hút quảng cáo và tăng lợi nhuận.
|
Nhân viên của Facebook ở Menlo Park, California đang theo dõi nội dung liên quan đến bầu cử Mỹ trên nền tảng này - Ảnh: AP |
Theo một báo cáo tóm tắt năm 2020, mặc dù Mỹ chỉ chiếm chưa đến 10% người dùng hàng ngày của Facebook, nhưng công ty đã dành phần lớn ngân sách (84%) cho việc ngăn chặn các thông tin sai lệch ở thị trường này, trong khi chỉ chi ra 16% cho “phần còn lại của thế giới”, trong đó có Ấn Độ, Pháp và Ý.
Trên thực tế, theo nhận định của AP, trong những năm gần đây, Facebook đang mất dần một lượng người dùng trẻ ở các thị trường phát triển. Nhóm người dùng này xem Facebook là một “mạng lỗi thời” với “nội dung không liên quan”, “nhàm chán, dễ gây hiểu lầm”, và “chỉ thích hợp cho những người già”. Và đây cũng chính là lý do khiến Facebook phải tăng cường mở rộng sang các thị trường mới, kém phát triển hơn.
Đối với hàng triệu người ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, Facebook đang trở thành kênh chính để trải nghiệm Internet. Facebook đã hợp tác với các nhà khai thác viễn thông địa phương ở các quốc gia như Myanmar, Ghana và Mexico để cấp quyền truy cập mạng Internet miễn phí khi người dùng đăng nhập vào ứng dụng này.
Nhưng vấn đề là trong quá trình mở rộng thị trường, theo những người tố giác, Facebook vẫn đang cố gắng tìm cách phủ nhận việc nền tảng này chưa thật sự quan tâm đến vấn đề an toàn. Chẳng hạn, tại Afghanistan và Myanmar, ngôn ngữ cực đoan đã lan nhanh trên nền tảng này do hệ thống thiếu tính năng hỗ trợ ngôn ngữ để kiểm duyệt nội dung.
Ở Ấn Độ và Indonesia, Facebook cũng không thể xác định và ngăn chặn các đường dẫn, có thể dẫn người dùng đến những thông tin sai lệch, được đăng trên ứng dụng này.
Tại Ethiopia, điều tra của nhân viên Facebook cũng cho thấy nền tảng này không có các thuật toán để “gắn cờ” cảnh báo những nội dung mang tính thù hận, thể hiện bằng 2 ngôn ngữ địa phương lớn nhất của nước này.
|
Nhiều người biểu tình trước văn phòng của Facebook ở Philippines để phản đối công ty này không hành động chống lại tin giả - Ảnh: AP |
Đáp lại, trong một tuyên bố vào ngày 22/10, Facebook đã viết: “Chúng tôi là một doanh nghiệp và chúng tôi tạo ra lợi nhuận, nhưng nếu cho rằng chúng tôi sẵn sàng đánh đổi sự an toàn hoặc sức khỏe của mọi người vì lợi nhuận thì đó là một sự hiểu lầm lớn. Sự thật là chúng tôi đã đầu tư 13 tỷ USD và có hơn 40.000 nhân sự chỉ để làm mỗi một việc, đó là tạo ra sự an toàn cho mọi người trên Facebook”.
Zuckerberg - người đứng đầu của Facebook - cũng khẳng định công ty đã chi 5 ra tỷ USD cho vấn đề an toàn và bảo mật trong năm 2021, “nhiều hơn bất cứ công ty nào trong cùng lĩnh vực, xét theo tỷ lệ quy mô hoạt động”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook - bà Dani Lever - cũng cho biết: “Facebook đã đạt được nhiều tiến bộ, và hiện có các nhóm chuyên trách để ngăn chặn các hành vi lạm dụng trên nền tảng của chúng tôi ở các quốc gia có nguy cơ xung đột và bạo lực cao.
Chúng tôi cũng có các đội ngũ nhân sự toàn cầu có khả năng sử dụng ngôn ngữ của các nước để kiểm duyệt nội dung với hơn 70 thứ tiếng, cùng với các chuyên gia trong các vấn đề nhân đạo và nhân quyền".
Giữa “tâm bão” của những lời tố giác, hôm 25/10, Facebook đã tiết lộ báo cáo thu nhập trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2021, cho thấy lượng người dùng đang hoạt động hàng ngày của nền tảng này đã tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, với doanh thu tăng 35% trong cùng giai đoạn, đạt hơn 29 tỷ USD, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của quảng cáo.
Nhân viên Facebook phản ảnh nhiều nội dung liên quan tội phạm ma túy và buôn người Trong những năm gần đây, nhiều nhân viên của Facbook đã “gắn cờ” lên những nội dung xấu, báo động tình trạng những kẻ buôn người ở Trung Đông đã sử dụng kênh truyền thông này để thu hút phụ nữ vào những công việc khiến họ dễ bị lạm dụng và bị đối xử như nô lệ, hoặc thậm chí bị ép buộc tham gia vào các hoạt động mại dâm. Năm 2018, khi rà soát các nội dung được đăng tải trên Facebook, nhóm các nhà điều tra tình trạng khai thác con người của công ty này đã phát hiện các mạng lưới tội phạm tuyển dụng người lao động từ các nước nghèo, sau đó đưa họ sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác thuộc vùng Vịnh Ba Tư, để làm nô lệ trong các gia đình hoặc bán cho các ổ mại dâm. Năm 2019, nhóm điều tra còn phát hiện một đường dây buôn người lớn hơn, đã sử dụng Facebook để tuyển dụng phụ nữ từ Thái Lan và các quốc gia khác, sau đó giam giữ họ và không cho ăn uống để ép họ phải quan hệ tình dục với khách trong các tiệm massage ở Dubai. Trong tháng Giêng năm nay, một băng đảng ma túy Mexico đã sử dụng Facebook để tuyển dụng, đào tạo và trả lương cho những kẻ chuyên gây án. Và không khó để tìm thấy các trang Facebook của các băng đảng, vốn được các quan chức thực thi pháp luật ở Mỹ cho là mối đe dọa lớn nhất về tội phạm ma túy đối với nước này, công khai quảng bá các bức ảnh về súng mạ vàng và các hiện trường gây án đẫm máu. Các trang Facebook này, được đăng dưới tên “CJNG” (viết tắt của Cartél Jalisco Nueva Generación), là “những tổ chức và cá nhân nguy hiểm” mà lẽ ra phải bị tự động xóa khỏi Facebook theo chính sách của công ty này, báo cáo nội bộ của Facebook cho biết. |
Nhất Nguyên (theo WSJ, The Washington Post, The Guardian, AP)