F5 cuộc tình đã mất lửa

26/02/2022 - 09:00

PNO - Hôn nhân như chiếc áo, cần “giặt ủi” để luôn mới mẻ, tinh tươm. Nếu việc khám phá những vùng đất xa xôi là “điệp vụ” bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến thì du lịch TP.HCM là lựa chọn của nhiều cặp đôi cần “lửa” để hâm nóng cuộc tình.

 

Cả một trời yêu trở lại

Chị Vũ Huệ C., nhà ở đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM, “bật mí” kết quả mỹ mãn sau kỳ “hấp hôn” như sau:

Vợ chồng chị về chung nhà được gần tám năm, trước đó, bằng ngần ấy năm anh ấy đeo đuổi, “cưa cẩm” chị. Kết quả là họ có hai cục vàng nếp tẻ, thông minh, xinh xắn, ngoan ngoãn. Bạn bè có chút ghen tỵ với chị C., nhưng sâu thẳm trong lòng, chị C. hơi buồn vì theo thời gian, tình yêu có vẻ dần nguội lạnh. Bộn bề công việc, chăm sóc con cái, cùng hàng núi việc không tên khác dường như đã cuốn trôi sự lãng mạn của anh dành cho chị. Nhiều khi chị C. tự hỏi không biết anh D. còn mê mình như thuở nào không? Chị không biết liệu anh còn nhớ lời hứa năm nào khi gật đầu đồng ý lên “xe bông”, anh đã nói: “Anh xin thề sẽ yêu em trọn đời, không sai nửa câu, không lìa nửa bước”… 

Thời sinh viên, chị C. là hoa khôi của trường, biết bao chàng trai… theo đuổi chỉ để được cùng chị đi ăn kem hay xem phim. Đám con trai cùng trường còn đánh cược với nhau ai “cưa” đổ C. và “về đích” sẽ được tặng một chiếc đồng hồ Rado. Chị C. cũng không biết có phải vì giá trị chiếc Rado thời đó mà anh D. kiên quyết “đầu tư” vào kế hoạch lấy lòng từ bố mẹ, anh chị của C. để rồi “đánh gục” trái tim chị.

Thuở yêu nhau, biết bao kỷ niệm đẹp anh dành cho chị: chở chị trên chiếc xe đạp sườn ngang vượt hết các dốc cầu Sài Gòn để đi cắm trại cùng nhóm bạn; theo thầy học vẽ để họa hình chị, rồi lặng lẽ học đàn để “đàn mỗi lúc chị hát”… 
“Cả một trời yêu bao giờ trở lại?”, nhìn lại quá khứ, chị C. lại thấy buồn và thoáng chút tủi thân vì sự “mất giá” của mình trong mắt chồng, dù năm nào gia đình cũng có vài chuyến du lịch với nhau. 

Những lần đó, chỗ lạ, cảnh đẹp, lại được “bung xõa” hết mình nên cả hai hạnh phúc lắm. Nhưng rồi khi trở về nhà, nhịp sống thường ngày lại diễn ra đều đều, một năm cứ 365 ngày, một ngày 24 giờ… khiến chị C.  thấy nhàm chán. Năm qua, đại dịch đã “cướp” mất những giây phút lãng mạn hiếm có của chị. Một thời gian dài nằm nhà trong lo lắng, hoảng loạn, nhan sắc của chị C. có phần kém 
mặn mà. 

Nhưng vốn là một cô gái thông minh, lại được các bà chị sắc sảo chỉ bảo, dịp tết này chị C. gửi hai con nhỏ về ngủ tại nhà chị ruột, chị cùng ông xã đặt phòng nghỉ đêm tại khách sạn năm sao ngay trung tâm đại lộ Đồng Khởi, nơi chỉ cách nhà vài cây số. Vợ chồng chị tay trong tay đi bộ xuống phố, hòa cùng các bạn trẻ đón tết, nhấm nháp kẹo bông gòn, tản bộ qua các con đường trung tâm nhộn nhịp. Trở về phòng nghỉ trong khung cảnh lãng mạn nhìn xuống phố lấp lánh ánh đèn, hai vợ chồng có một đêm không ngủ để ôn lại kỷ niệm xưa. Chị C. tin chồng còn rất yêu mình khi anh thốt lên: “Hôm nay em đẹp lắm!”.

Buổi sáng, cả hai không muốn ngủ vùi vì sợ mất đi những giây phút lãng mạn nên vội xuống phố thuê xe đạp chạy quanh trung tâm thành phố. Chị C. đạp trước, anh vượt lên, bắt kịp để “làm quen”: “Hôm nay lớp C. học mấy tiết? Lát nữa về D. đợi C. nhe!”. Rồi: “Cuối tuần này rạp Thăng Long chiếu bộ phim “người cá” hay lắm, D. mời C. đi xem với D. nhé!”... Ôi, đúng những câu chữ ngày xưa vụng dại giờ trở về đầy ắp trong tim khiến chị C. bồi hồi vì dường như anh đã không quên gì cả. Quan trọng là mình khơi lại cho anh lúc nào mà thôi!

Ngồi dùng điểm tâm ở sân vườn, anh chọn bàn dưới cây sứ 150 tuổi - cổ nhất Sài Gòn. Rồi anh nói thêm: Phòng mình ở là “hàng xóm” với phòng nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn vẫn trú ngụ trong thời gian hoạt động cách mạng đó em. Anh nói, anh tìm trên mạng những thông tin này trong lúc chị C. chợp mắt ban đêm. Anh còn nhắc: “Anh chọn bàn dưới giàn hoa sứ vì biết C. mê bài hát Hoa sứ nhà nàng dù nhà nàng không gần bên, nhưng anh vẫn “đêm đêm ngửi mùi hương” mà “nhìn sang trộm nhớ thương thầm. Mơ ngày mai lứa đôi”. 

Chị C. nhấp từng ngụm trà hoa sứ mà thấm từng câu nói của chồng và nghĩ chắc chắn sẽ quay lại nơi đây. Sau ngày “hấp hôn” thơ mộng ấy, trở về nhà, chị C. thấy thương chồng hơn, chăm sóc chồng nhiều hơn. 

Bà hoàng một đêm

Vợ chồng chị Lê Hồng Minh T. (ngụ tại đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tuy không lãng mạn bằng vợ chồng chị C., nhưng cũng nhờ chuyến “du lịch Sài Gòn” ngắn ngủi mà giúp vợ chồng chị hiểu nhau hơn. Chị T. về nhà anh làm dâu, vì anh là “quý tử” con một nên mẹ chồng nói: “Trước sau gì cơ ngơi này cũng của tụi con. Thôi thì ở đây cho quen lề quen thói. 

Dù hết sức cưng chiều vợ, nhưng chồng chị T. luôn phải “nhìn trước ngó sau”. Đôi khi anh muốn ga-lăng gắp miếng ngon cho vợ nhưng sợ bà mẹ chạnh lòng lại “tiếng bấc tiếng chì” nên đôi đũa đành hướng về chén của mẹ. 

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu lắm lúc cũng bất hòa, nhưng chị T. thường nhịn. Chuyện dạy con khi có sự can thiệp thái quá của ông bà nội cũng khiến vợ chồng bao phen tưởng phải gãy gánh… Chị T. mệt mỏi, nên mỗi năm vợ chồng luôn tổ chức đi chơi xa để thoát khỏi cảnh “dòm ngó” của mẹ chồng. Khi ấy chị T. như được tiếp thêm sức sống. Anh M. - chồng chị T. - cũng cảm nhận sự bất công của mẹ với vợ nhưng thân làm con trai một, anh chỉ biết lặng lẽ bù đắp cho vợ. Năm vừa rồi, vì đại dịch với nhiều tháng giãn cách xã hội là dịp anh chứng kiến vợ phải chịu đựng bà mẹ chồng không dễ tính, hay bắt ne bắt nét. 

Khi thành phố “mở cửa” trở lại, tranh thủ lúc ông bà nội nhớ bà dì Út ở Bến Tre nên một hai “đem thằng nhỏ về quê chơi cho biết”, anh chồng như “tháo cũi sổ lồng”, chở ngay chị T. “ra ngoài một chuyến nhe em”. 

Chẳng cần đi đâu xa, anh đưa vợ trải nghiệm trên sông Sài Gòn bằng đường thủy, cho vợ “giải ngố” bằng bao tấm ảnh đẹp qua những phong cảnh hào nhoáng ánh đèn màu. Chị cùng anh thưởng thức bao món ngon trên tàu, lung linh huyền ảo trên boong tàu tựa phim Titanic… Chị T. vui hết nấc trước anh chồng dí dỏm, ga lăng. Chưa hết, đêm ấy anh M. không đưa vợ về nhà mà đặt phòng nghỉ trên đường Sương Nguyệt Anh, Q.1 - nơi sở hữu những căn phòng mang thiết kế của những ca-bin gỗ với ô cửa rộng mở thoáng đãng. 

Lúc đầu, chị T. giãy nảy đòi về vì “mình là vợ chồng đàng hoàng, nhà ngay thành phố, tự nhiên điên hay sao mà đâm đầu thuê phòng khách sạn để qua đêm”. Anh chồng kiên trì thuyết phục: “Đi đổi gió mà em. Anh muốn em hạnh phúc “làm bà hoàng một đêm”. 

Chồng nài nỉ mãi, chị T. đành theo chồng “xem anh giở trò gì đây?”. Đến khi nhận phòng, chị T. phải òa lên vì ngạc nhiên. Ở trong phòng, chị T. có thể thu gọn vào tầm mắt một Sài Gòn xanh tươi. Tất cả phòng đều sử dụng nội thất gỗ tinh giản, ấm áp; độc đáo nhất là bồn tắm “lơ lửng” lãng mạn đặt gần cửa sổ. Chị T. vừa ngâm mình trong bồn tắm dưới dòng nước nóng, vừa thư giãn nhìn ngắm cảnh trời đầy sao, quả là một trải nghiệm đáng giá đầy bất ngờ. 

Khi bước vào phòng tắm, chị T. chợt ngẫm lại: phải chăng đây là thông điệp anh ấy gửi cho mình về sự khác biệt giữa nhà ở và khách sạn? Sạch sẽ, ngăn nắp, thơm tho thế này… thì đàn ông nào chẳng muốn về nhà? Phải chăng cũng đến lúc mình cần nhìn lại cách ăn ở của mình? 

Tiếp tục chuyện trò trên chiếc giường êm ái mà không sợ bị ngắt quãng bởi câu gọi của con, lời hỏi thăm bất chợt của mẹ chồng, đêm ấy, vợ chồng chị T. đã sống lại hồi ức như thuở mới yêu. Có những chuyện không nói được ở nhà, nhưng đến đây T. lại mạnh dạn mở lời, trao đổi nũng nịu với chồng mà anh cũng dễ dàng chiều lòng chị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sống chậm

Những ngày tết âm lịch, cặp đôi Minh N. - Kiều T. nhà ngay Q.1, TP.HCM đã chọn khu vực Bình Quới - Thanh Đa để hưởng cảm giác “nhà quê” do nhiều điểm check-in thiết kế theo phong cách sân vườn; từ nhà hàng, quán cà phê, nơi 
nghỉ dưỡng. 

Trong năm, vào dịp cuối tuần, vợ chồng thường tạm rời công việc, ôm con đi thư giãn, làm mới bản thân. Đây là lúc cặp đôi cam kết tắt điện thoại và máy tính để dành trọn vẹn thời gian cho nhau. Do không tốn chi phí cho việc đi lại nên N. và T. thỏa thích chọn những món ngon mình thích, hào phóng tự thưởng cho mình những khu lưu trú sang chảnh để tái tạo năng lượng sau một tuần làm việc.

Thông thường, những chuyến du lịch tại thành phố thường kéo dài 1 - 2 ngày, nhưng cặp đôi này vẫn mang khá nhiều trang phục cho cả nhà để thỏa thích chụp ảnh. Cách Sài Gòn không xa, có những khu nghỉ dưỡng rất quê nhưng nội thất hiện đại cùng khung cảnh đẹp, không gian yên tĩnh với các dịch vụ giải trí, thư giãn đủ giúp các cặp đôi “sống chậm” lại và nạp năng lượng cho cả thể chất lẫn 
tinh thần. 

 

Xuân Hòa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI