Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

F0 xuất viện về nhà thường mơ thấy ác mộng

22/10/2021 - 06:22

PNO - Không ít bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi rơi vào trạng thái rối loạn ám ảnh, nhất là những bệnh nhân nặng phải điều trị lâu dài.

Tôi mắc COVID-19 nặng nhưng đã may mắn qua khỏi. Sau khi xuất viện về nhà, tôi hay mơ thấy ác mộng, cảm giác bị thở máy, ngạt thở, ngưng tim… Càng ngày tôi gặp ác mộng càng nhiều, cả khi mệt quá ngủ trưa cũng thấy. Vậy tôi phải làm sao để khắc phục? 

T.T.K.L. (Q.Tân Bình, TPHCM) 

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể Bệnh viện TP.Thủ Đức TPHCM, trả lời:

Không ít bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi rơi vào trạng thái rối loạn ám ảnh, nhất là những bệnh nhân nặng phải điều trị lâu dài. Thêm phần, trước khi mắc bệnh, có lẽ ai nghe đến COVID-19 đều cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Chưa kể, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, việc đi xét nghiệm đã lo lắng, thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm càng căng thẳng hơn. Đến khi được thông báo dương tính, có người ngay lập tức rơi vào sang chấn tâm lý. Thời gian điều trị có người may mắn chỉ có một vài triệu chứng nhẹ, nhưng có người tiến triển nặng, kéo dài gây đau đớn, ám ảnh…

Ban đầu, các giấc ngủ bị rối loạn, ngủ không đúng giờ, không đủ giấc và không hẳn tất cả người bệnh đều gặp ác mộng liên quan đến bệnh tật, có người mơ thấy hình ảnh lộn xộn, rời rạc với nhiều tình huống gây nên các lo lắng khác nhau. Do đó, khi một người thường xuyên mơ thấy ác mộng lúc ngủ, giấc mơ có thể thấy bản thân mình đang còn phải thở máy, cảm nhận khó thở, đau ngực… như khi còn đang điều trị; thậm chí có người đột nhiên nghĩ về giai đoạn mắc bệnh, cứ im lặng nhìn về một hướng lại thấy chính mình trên giường bệnh. Nặng hơn, chỉ cần nghe nhắc tới: Bệnh viện dã chiến, bác sĩ mặc bảo hộ, thở máy… sẽ lập tức cảm thấy lo lắng, hồi hộp, sợ hãi thì có thể đã bị rối loạn ám ảnh.

Tùy theo mức độ rối loạn, có người một thời gian ngắn sẽ vượt qua, nhưng có khi những cảm giác ấy đeo bám người bệnh suốt tháng này qua tháng khác, gây nhiều rối loạn khác như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… mang đến suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, người bệnh có nguy cơ mắc các vấn đề về tâm thần, phải sử dụng thuốc. Chính vì vậy, nếu các giấc mơ, sự ám ảnh lặp đi lặp lại, người vừa khỏi COVID-19 nên tâm sự với người thân hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ sớm.

Phạm An (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn. 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI