F0 khỏi bệnh và những lưu ý về sang chấn tâm lý

07/09/2021 - 06:19

PNO - Tính đến ngày 3/9, tại TPHCM, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 109.728 người, trong đó có 84.138 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 25.590 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 23.819 người.

COVID-19 quét qua TPHCM trong bốn tháng qua đã khiến số lượng người nhiễm tăng cao, số người khỏi bệnh cũng rất nhiều. Nhiều F0 khỏi bệnh quay lại hỗ trợ ngành y chống dịch là hành động đầy ý nghĩa và kịp thời để giúp đỡ nhiều người. Tuy nhiên, không phải F0 nào cũng đủ sức khỏe để đối mặt trở lại với SARS-CoV-2. Dù đã khỏi bệnh, F0 vẫn cần sự chăm sóc y tế hoặc theo dõi sức khỏe.  

Xung trận sau khi chiến thắng COVID-19

Chỉ năm ngày sau lần cuối kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính, anh Vũ Thế Năng, 30 tuổi, ở Q.4 (TPHCM), hăng hái tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin trên địa bàn Q.8. Sau hai tuần khỏi bệnh, anh cho biết cơ thể vẫn khỏe mạnh như lúc bình thường. Lý giải điều này, anh cho rằng có thể bản thân tập hít thở, vận động điều độ và hợp lý trong hơn 20 ngày nhiễm bệnh. 

Thời điểm anh phát hiện dương tính với COVID-19 là cuối tháng 7/2021, lúc các cơ sở y tế đang quá tải. Không được đưa vào bệnh viện, anh tự mình điều trị tại nhà với sự hỗ trợ của một bác sĩ tư vấn từ xa. Vào ngày thứ chín của bệnh, những cơn sốt cao ập đến kéo theo nhiều hoang mang, sợ hãi. Cố gắng trấn tĩnh, anh gắng gượng uống thuốc, tập hít thở và duy trì ăn uống dù đã mất khứu giác lẫn vị giác.

Những ngày sau đó, tinh thần bớt lo lắng, những triệu chứng cũng giảm dần. Anh Vũ Thế Năng chia sẻ, ngoài tinh thần cộng đồng sẵn có, việc nhanh chóng tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu còn là nguyện vọng của cá nhân muốn đền đáp ơn cứu mạng của lực lượng y tế. 

Anh Vũ Thế Năng (đứng) đang tham gia hỗ trợ tiêm vắc-xin tại Q.8, TP.HCM
Anh Vũ Thế Năng (đứng) đang tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin tại Q.8, TPHCM

Cô Phạm Thị Phi Yến, giảng viên Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại tham gia hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người mắc COVID-19. Bởi bản thân cô đã trải qua những thời điểm khủng hoảng tâm lý như sự lo lắng đến bủn rủn, cuống cuồng và thất thần khi biết mình mắc COVID-19.

Cô chia sẻ: “Vào giai đoạn mình bị tức ngực, cảm giác như có hòn đá đè lên ngực và chặn lại khiến hơi thở khó; mỗi lần thở lại cảm thấy đau hơn bình thường. Mình nghĩ, nếu ngay giai đoạn này sợ hãi, lo lắng sẽ càng khiến cơ thể khó tập trung cho việc thở, hơi thở sẽ ngắn và đứt quãng dễ gây tình trạng khó thở, thiếu oxy ngay lập tức. Vì vậy tâm lý ổn định, bình tĩnh trong lúc này thực sự quan trọng”. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều F0 sau khi khỏi bệnh, vẫn xuất hiện những triệu chứng dai dẳng. Sau khi được xuất viện, anh C.V.T., 32 tuổi, ở Q.Bình Thạnh (TPHCM), đang ở ngày thứ 12 cách ly tại nhà. Anh T. cho hay mình chỉ bị nhẹ nên ngày thứ sáu mới được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 6 (P. An Khánh, TP. Thủ Đức). Sau 14 ngày ở đây, với kết quả xét nghiệm âm tính, anh được cho về nhà, tiếp tục cách ly thêm 14 ngày. 

Hiện tại, ở ngày thứ 12, các triệu chứng của COVID-19 đã giảm dần. Dù vậy, anh T. vẫn còn ho. Những cơn ho kéo dài từ lúc bị nhiễm virus cho đến tận bây giờ, có ngày ho nhiều ngày ho ít. Nếu dùng điện thoại hay laptop trên 30 phút, anh cảm thấy chóng mặt và đuối sức. Dù vậy, anh T. cho biết có thể khi khỏi bệnh, vẫn tiếp tục công việc thiện nguyện như trước. Anh rất ủng hộ việc những F0 khỏi bệnh trở lại giúp những F0 đang điều trị. 

Không phải ai cũng đủ sức “đối mặt lần hai”

Bác sĩ Từ Quốc Thanh, Trưởng khoa D dã chiến, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương (TPHCM), cho hay đại dịch mới xảy ra hai năm nên các nghiên cứu trên thế giới về sức khỏe của người bình phục sau khi mắc bệnh vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, đã có ghi nhận trên thực tế cho thấy mỗi người có sự hồi phục khác nhau, có người sau 14 ngày nhưng cũng có người phải sau vài tháng hoặc vài năm. Đặc biệt, ở người bị bệnh nặng, phải thở oxy kéo dài, phổi tổn thương như bị xơ phổi - di chứng có thể để lại suốt đời. Hoặc người phải nằm viện lâu, dùng thuốc kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng, tay chân yếu hoặc bị teo cơ. 

Vì vậy, bác sĩ Từ Quốc Thanh cho rằng, nếu nhìn tổng quát, phải có nơi nào đó để tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, trị liệu hô hấp cho những trường hợp đã âm tính với SARS-CoV-2. Với những người đã khỏi bệnh, tinh thần tình nguyện chống dịch là rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, phải có sự đánh giá kỹ tình hình sức khỏe trước khi tham gia chống dịch. Chẳng hạn, phải xét nghiệm đo nồng độ kháng thể để biết được họ đã có đủ kháng thể để chống lại virus hay chưa. Thậm chí, nên chụp phim phổi với những người đã từng bị nặng để đánh giá tình hình tổn thương phổi. Một số người sau khi khỏi bệnh, tay chân có thể bị yếu hơn lúc bình thường, phải cân nhắc liệu có đủ sức khỏe để mặc đồ bảo vệ PPE suốt ngày không. 

Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Đăng Trí, giảng viên bộ môn Nhi, Khoa Y, Trường đại học Y Dược TPHCM, là một trong những người tham gia chương trình quản lý F0 tại nhà tại Q.10. Bác sĩ Đỗ Đăng Trí cho biết: nếu bệnh nhân may mắn qua khỏi đợt bệnh cấp tính thì hầu hết sau đó sẽ hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp, bệnh nhân cứ than còn triệu chứng hoài không khỏe hẳn, kéo rê suốt nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi đã qua giai đoạn cấp tính của bệnh. Đây gọi là tình trạng hậu COVID-19.  

Theo định nghĩa của CDC Mỹ, tình trạng hậu COVID-19 là những hậu quả sức khỏe về mặt thể chất cũng như tâm thần, kéo dài từ bốn tuần trở lên sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Còn theo Viện Sức khỏe Quốc gia của Anh, mốc thời gian này là từ 12 tuần trở lên. Hậu quả sức khỏe của tình trạng này gồm hai tình huống: các triệu chứng kéo dài, không thể phục hồi lại thể trạng bình thường như trước đây sau đợt bệnh cấp tính và xuất hiện các triệu chứng mới hoặc tái phát các triệu chứng. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân trải qua một đợt bệnh COVID-19 cấp tính, cùng với tình trạng cách ly nghiêm ngặt, thường phát sinh các triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc thay đổi tâm trạng. 

Các nghiên cứu cũng ghi nhận có từ 9 - 15% F0 khỏi bệnh phải tái nhập viện trong vòng hai tháng sau xuất viện; gần 30% tái nhập viện trong vòng sáu tháng sau xuất viện. Như vậy, phải có sự theo dõi chặt chẽ trong những tháng đầu sau khi xuất viện, cho dù là vì tình trạng hậu COVID-19 hay vì các vấn đề sức khỏe khác. Lý do tái nhập viện gồm: suy hô hấp, viêm phổi, suy tim, các đợt huyết khối, các vấn đề liên quan tâm thần và té ngã…

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về tình trạng này. Những triệu chứng dai dẳng thường gặp ở tình trạng hậu COVID-19 gồm: mệt mỏi, giảm thể lực, giảm khả năng gắng sức; khó thở; “brain fog”: sương mù não (giảm trí nhớ, giảm tập trung, giảm nhận thức); ho; đau ngực. 

Từ những kết quả nghiên cứu này, bác sĩ Đỗ Đăng Trí nhận định trong vòng một năm sau đợt nhiễm cấp tính, hầu hết những bệnh nhân sống sót rồi xuất viện sẽ hồi phục tốt dần dần theo thời gian, có thể quay trở lại cuộc sống và công việc như xưa. Nhưng thể trạng sức khỏe thì vẫn yếu hơn so với dân số chung. Tổn thương phổi lan tỏa và bất thường trên phim CT Scan vẫn còn thường gặp tại thời điểm 12 tháng ở những bệnh nhân đã trải qua đợt bệnh cấp nặng phải hồi sức cấp cứu. Song song đó, các dữ liệu cũng cho thấy rằng vẫn có một số bệnh nhân không thể phục hồi hoàn toàn sau một năm. Những bệnh nhân này sẽ cần phải mất nhiều thời gian hơn nữa để có thể lấy lại thể trạng như ban đầu. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mang tên “Vắc xin tinh thần” bắt đầu thực hiện vào ngày 5/9 và kéo dài đến cuối năm 2022. Chương trình do các chuyên gia tâm lý có nhiều kinh nghiệm lâm sàng của trường đảm nhiệm. 

Đây là hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân tại TPHCM bị ảnh hưởng về tâm lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Trong thời gian qua, một số chuyên gia tâm lý đã tham gia hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 đang cách ly điều trị tại một số bệnh viện dã chiến và đạt được kết quả ban đầu khả quan. Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, người dân có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý cũng rất cao.

Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI