F0 khỏi bệnh “trốn nhà” quay lại bệnh viện làm tình nguyện viên

31/08/2021 - 06:22

PNO - Sau khi được điều trị khỏi về nhà, nhiều F0 canh cánh trong lòng khi nhớ lại hình ảnh y, bác sĩ bị quá tải và các cụ già neo đơn không có người thân chăm sóc. Thế là, nhiều người đã quay lại nơi mình được cứu để làm tình nguyện viên, nhằm giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế, từ đó sẽ cứu được nhiều người hơn nữa.

“Bà ơi, bà để con thay tã cho bà nhé, bà đừng đi lại nữa, kẻo lại mệt và khó thở”, một nam tình nguyện viên cứ vậy dỗ dành một cụ bà ở Bệnh viện thu dung Dã chiến số 3. Đó là anh N.M.Q., 33 tuổi, làm nghề trang trí nội thất, ở Q.Bình Tân, TPHCM. Anh là một trong sáu F0 sau khi khỏi bệnh đã tự nguyện quay trở lại bệnh viện làm việc. 

 

Anh N.M.Q. sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại làm  tình nguyện viên chăm sóc người mắc COVID-19  tại Bệnh viện thu dung Dã chiến số 3
Anh N.M.Q sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại làm tình nguyện viên chăm sóc người mắc COVID-19 tại Bệnh viện thu dung dã chiến số 3

Ngày 2/8, anh bắt đầu vào Bệnh viện thu dung dã chiến số 3, đến ngày 7/8 thì khỏi bệnh và được xuất viện. Sau khi về nhà, anh luôn canh cánh trong lòng mỗi khi nhớ lại những hình ảnh y, bác sĩ bị quá tải và nhiều cụ già neo đơn không có người thân chăm sóc.

Thế là ngày 24/8, anh Q. giấu cha mẹ và người yêu quay trở lại bệnh viện làm tình nguyện viên chăm sóc F0. Sau đó, anh mới gọi điện thoại về thông báo cho gia đình. Người thân rất sửng sốt và lo lắng, thậm chí còn phản đối, bởi cho rằng khó khăn lắm anh mới từ “cửa tử” trở về, sao lại dại dột quay lại đó. Qua điện thoại, anh Q. giải thích cho gia đình hiểu rằng, sau khi hồi phục mình đã có kháng thể, bệnh viện đang quá tải, rất nhiều bệnh nhân không có người chăm sóc nên mình không thể làm ngơ được. Cuối cùng, gia đình đành tôn trọng quyết định của anh.

Các tình nguyện viên của Bệnh viện thu dung dã chiến số 3 được bố trí ăn và ở lại tại bệnh viện. Khi hết ca làm việc, anh Q. được sắp xếp ở chung phòng với ba người khác. Bệnh nhân và bác sĩ ăn gì thì các tình nguyện viên ăn như thế, mọi người gắn kết, đùm bọc nhau như một gia đình.

Anh Q. và các tình nguyện viên khác được một bác sĩ hướng dẫn và phân công đầu việc. Công việc của các tình nguyện viên là thay bình oxy, đưa thuốc, thậm chí là thay tã, làm vệ sinh cá nhân cho những bệnh nhân không có khả năng tự chăm sóc.

Anh Q. thường xuyên được phân công chăm sóc các cụ già neo đơn. Khi nói chuyện với chúng tôi, anh không nén nổi thương cảm, sụt sùi kể về trường hợp của một cụ bà. Anh không biết tên bà cụ, cụ cũng không biết mình tên gì vì bị lẫn rất nặng. Chính vì vậy, cụ chẳng có người thân.

Mỗi lần anh tới thay bình oxy hoặc đưa thuốc, thay tã cho cụ thì cụ lại đặt cho anh một cái tên khác. Lúc thì cụ gọi anh là Nam, lúc lại tên là Tuấn. Có lẽ, đó là tên của con cháu cụ. Khi mà cận kề sinh tử, không nhớ nổi tên mình nhưng cụ bà vẫn nhớ những cái tên của con cháu. Để cụ đồng ý cho lại gần, anh Q. phải nài nỉ, dỗ dành, tự nhận mình là con cháu của cụ. Hôm nay, anh Q. rất vui vì tình trạng cụ bà đã khá lên nhiều, cụ tự thở được nên được chuyển sang khu khác. 

Anh Q. cho biết sẽ làm tình nguyện viên tại Bệnh viện thu dung dã chiến số 3 cho tới khi TPHCM hết giãn cách. Anh hy vọng những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, còn trẻ, khỏe quay trở lại làm tình nguyện viên như anh, nhằm giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế, từ đó sẽ cứu được thêm nhiều người hơn nữa. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI