Eximbank, từ lòng tham đến lỗ hổng qui trình ưu ái khách hàng VIP

29/03/2018 - 16:41

PNO - Vụ án nguyên Phó giám đốc Eximbank TP.HCM – Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt của ngân hàng này 245 tỉ đồng từ tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình cho thấy một lỗ hổng lớn: Lỗ hổng quản lí khách hàng VIP.

Thời cạnh tranh quyết liệt như hiện nay thì ngân hàng nào cũng có chính sách ưu đãi đối với khách hàng gửi nhiều tiền hay còn gọi là khách hàng VIP, để thu hút tiền gửi. Nhưng, chính sách ưu đãi ở đây không có nghĩa là bỏ qua những bước trong qui trình kiểm soát nội bộ.

Trường hợp bà Chu Thị Bình, với bất cứ ngân hàng nào cũng có thể được xem là khách hàng VIP vì số tiền gửi đến vài trăm tỉ đồng. Nhưng không thể vì là khách hàng VIP mà ngân hàng bỏ qua những bước trong qui trình kiểm soát nội bộ, để cho cán bộ thao túng, qua mặt và chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.

Eximbank, tu long tham den lo hong qui trinh uu ai khach hang VIP
Eximbank chi nhánh TP.HCM - nơi xảy ra vụ nguyên Phó giám đốc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt của ngân hàng này 245 tỉ đồng từ tiền gửi của khách hàng.

Vấn đề ở đây không hẳn do cơ chế đối với khách hàng VIP, mà lỗ hổng là ngân hàng đã để cho cán bộ của mình lợi dụng sự ưu ái đối với khách hàng VIP trong qui trình thủ tục để chiếm đoạt tiền.

Nhưng đáng nói hơn, cái qui trình ấy hình như chỉ nhằm kiểm soát nhân viên chứ đối với những người có trọng trách, chức sắc thì lại đầy chủ quan và lơi lỏng. Cứ như trong ngân hàng, đã có hàm có chức thì sẽ 100% an toàn. Đó chính là cái sai lầm chết người của qui trình kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng hiện nay.

Qua hai vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng do chính cán bộ của mình gây ra tại Eximbank (tại TP.HCM và Nghệ An), thì kẻ biển thủ, chiếm đoạt đều là những người có chức sắc hoặc trọng trách, vì thế mới có thể chiếm đoạt được số tiền từ hàng chục cho đến hàng trăm tỉ đồng.

5 nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM bị khởi tố vì bị cho rằng “giúp sức” cho Lê Nguyễn Hưng, về bản chất họ cũng chính là nạn nhân của tay lừa đảo có chức sắc kia. Họ tin, và cũng nể sợ Hưng là sếp của họ, nên làm theo mệnh lệnh hoặc chỉ đạo mà bỏ qua những sơ hở về qui định về nghiệp vụ, qui trình thủ tục. Nếu kiểm soát chặt chẽ và an toàn tiền gửi vào, đối tượng Hưng khó mà rút ra đến 245 tỉ đồng. Hưng mới chỉ là cấp phó tại chi nhánh ngân hàng này, vậy còn cấp trưởng ở đâu?

Eximbank, tu long tham den lo hong qui trinh uu ai khach hang VIP
Ưu đãi đối với khách hàng gửi nhiều tiền - hay còn gọi là khách hàng VIP, để thu hút tiền gửi không có nghĩa là bỏ qua những bước trong qui trình kiểm soát nội bộ.

Đưa ra một chính sách hay cơ chế ưu đãi mà không bảo đảm được các qui định, qui trình kiểm soát an toàn tiền gửi, cũng có nghĩa là biến mặt tích cực thành tiêu cực. Mặt tích cực là thu hút được khách hàng lớn, nhưng mặt tiêu cực là bị chính nội bộ lợi dụng để chiếm đoạt tiền của khách hàng lớn đó làm ngân hàng mất uy tín.

Cán bộ, nhân viên ngân hàng thường ngày cứ… nhìn là thấy tiền song đó cũng là một thứ cạm bẫy và thách thức: cạm bẫy đối với lòng tham và thách thức đối với tư cách đạo đức. Nhìn thấy càng nhiều tiền thì nguy cơ lòng tham trỗi dậy càng lớn. Theo lôgic đó qui trình thủ tục đối với khách hàng lớn đòi hỏi phải chặt chẽ và an toàn tương ứng, nếu không thì hệ lụy lại càng lớn.

Đây đâu phải trường hợp đầu tiên về tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngân hàng. Vụ án Huyền Như vài năm nay được xử nhiều lần còn rành rành việc chiếm đoạt của ngân hàng hàng ngàn tỉ đồng tới bây giờ hậu quả vẫn chưa thể giải quyết được.

Khó tránh được trường hợp một số nhân viên, cán bộ ngân hàng trỗi lên lòng tham, nhưng nếu có qui trình, cơ chế kiểm soát tốt và chặt chẽ thì sẽ hạn chế được những vụ việc tương tự xảy ra.

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI