Trong dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã đề nghị bổ sung thẩm quyền tăng giá cho EVN và mở rộng quyền tăng giá cho bộ này.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất cho phép EVN được tăng giá tối thiểu 3 tháng/lần nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi, với mức tăng mỗi lần 3% đến 5%. Mức tăng tối đa mỗi năm cho giá bán lẻ điện trong thẩm quyền của EVN là 20%.
Bộ Công Thương thì có quyền điều chỉnh giá điện từ 5% đến 10%/lần, nhưng thời gian giữa các lần điều chỉnh được phép rút ngắn xuống còn 3 tháng. Mức tăng tối đa hàng năm bộ được quyền quyết định là 40%.
Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định điều chỉnh các mức tăng trên 10%, thời gian giữa các lần điều chỉnh là 3 tháng/lần, với mức tăng không giới hạn.
|
EVN được phép tăng giá điện 20%/năm. Ảnh minh họa |
Cần xem lại
Trao đổi về vấn đề này GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, trước đây Chính phủ cũng đã giao quyền cho Bộ Công thương và điện lực Việt Nam EVN trong việc tăng giá điện. Tuy nhiên EVN chỉ là anh đề xuất còn người quyết định việc này nếu không phải Chính phủ thì là Bộ Công thương.
''Theo tôi, giới hạn đó có thể đã được nới rộng ra theo đề xuất mới nhất này. Việc tăng quyền của EVN và Bộ Công thương tôi thấy cũng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên tôi cho rằng mọi đề xuất thay đổi giá điện đều phải được chứng minh từ thay đổi các yếu tố đầu vào, ví dụ như: giá than tăng 30%, giá dầu tăng 50% so với thời điểm trước đó chẳng hạn.
Với đề xuất này, tôi nghĩ để nên đưa ra công chúng để các nhà chuyên môn, Bộ ngành, người dân cùng có ý kiến'', GS Long nêu quan điểm.
Về đề nghị điều chỉnh thời gian tăng giá điện tối thiểu từ 6 tháng (Theo Quyết định 69 đang có hiệu lực) xuống 3 tháng/lần theo dự thảo mới của Bộ Công thương, vị chuyên gia lưu ý, cần phải tính toán thận trọng hơn, tránh thay đổi nhiều lần dẫn đến nhiều tác động không tốt cho thị trường.
''Điều chỉnh giá điện nếu thường xuyên quá thì cũng không nên vì nó gây biến động về giá cả trên thị trường đối với người dân và các doanh nghiệp. Thứ hai là biên độ điều chỉnh phải được luận chứng trên cơ sở vì sao. Do đó, việc EVN hay Bộ Công thương tăng 2, 3 hay 5% thì cũng phải tính toán'', GS Long nói.
Ông Long cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tăng quyền tăng giá điện cho EVN lên 20%/năm, cho Bộ Công thương lên tới 40% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn.
Theo ông, trong một năm nếu điều chỉnh giá điện tăng đến 40% thì cũng cần xem xét lại. Bởi lẽ thực tế từ năm 1995 đến nay, Việt Nam chưa năm nào lạm phát vượt quá 20%. Ngoài ra, việc tăng giá điện lên quá cao có thể trở thành tiền lệ xấu đối với các ngành khác, gây khó khăn hơn đối với người tiêu dùng.
''Tôi thấy tăng giá điện đến 40%/năm thì cũng nên xem lại. Nếu việc này xảy ra thì các ngành nghề khác thấy biên độ cho phép như vậy cũng có thể áp dụng được và cuối cùng dẫn đến tình trạng lạm phát kéo theo. Vì vậy phải rất thận trọng xây dựng biên độ dao động của bất cứ ngành nào, không chỉ riêng ngành điện.
Yếu tố thị trường luôn biến động, cho nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn tần suất bao nhiêu lần, biên độ tăng, giảm như thế nào cho hợp lý. Chúng ta điều chỉnh để vừa theo kịp biến đổi của thị trường, người sử dụng cũng như nền kinh tế chung chịu được. Đó mới là vấn đề quan trọng'', GS. Long nhấn mạnh.
Phải lên tiếng
Trả lời về những băn khoăn của người dân về việc nếu trao quyền tăng giá điện cho EVN thì có thể dẫn đến những tiêu cực khi doanh nghiệp này đang độc quyền thị trường điện ở nước ta, ông Long cho rằng dù trong trường hợp nào thì nhà nước vẫn phải nắm vai trò quyết định.
''Trong Luật điện lực đã quy định là người đề xuất thay đổi giá điện phải là đơn vị sản xuất. Cụ thể ở đây là cơ sở điện lực. Còn việc phê duyệt, thẩm định là phía quản lý nhà nước. Với trường hợp lần này cũng vậy. EVN dù được trao quyền nhưng theo tôi bất kỳ kế hoạch nào cũng phải báo cáo với nhà nước.
Không thể một đơn vị ngày hôm nay giá điện thế này còn ngày mai bỗng dưng tăng giá lên mà quản lý hoàn toàn không biết. Nhà nước phải giám sát, nếu tăng đúng thì chấp nhận còn nếu sai theo quy định thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật'', vị chuyên gia phân tích.
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, các nhà chuyên môn, nhà phân tích, các ban ngành, người dân cần phải cùng nêu tiếng nói phản biện để xây dựng được mức giá bán lẻ điện bình quân phù hợp nhất.
''Tôi nghĩ cơ quan nhà nước khi đề xuất một cái gì đó thì đều có bộ phận tham mưu, đầu tư, tư vấn cho lãnh đạo của Bộ. Vì thế các hiệp hội, trong đó có hội bảo vệ người tiêu dùng, quần chúng nếu thấy điều gì chưa hợp lý thì được quyền phát biểu.
Kể cả Bộ Tài chính, phòng thương mại công nghiệp Việt Nam cũng cần phải đưa ra ý kiến. Đây là vấn đề liên quan đến phản biện xã hội nên tất cả mọi người đều phải trình bày quan điểm của mình. Tôi nghĩ, căn cứ từ những ý kiến đấy phía quản lý nhà nước họ sẽ lưu ý tới và có sự điều chỉnh phù hợp'', ông Long thẳng thắn nói.
Lâm An