EVFTA vẫn còn rào cản cuối cùng mới được thực thi

02/07/2019 - 07:00

PNO - Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, dù Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã được ký kết nhưng hiệp định này vẫn còn rào cản cuối cùng.

Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) được ký kết chiều ngày 30/6. Không lâu sau đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) dẫn lời ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhắc đến rào cản cuối cùng Hiệp định này mới được thực thi. Rào cản đó chính là cuộc bỏ phiếu quyết định của Nghị viện châu Âu.

Sự kiện ký kết hôm 30/6 theo ông Nicolas thực ra mới đẩy EVFTA tiến một bước gần hơn tới việc phê chuẩn và kỳ bỏ phiếu quan trọng trong Nghị viện châu Âu.

EVFTA còn nâng cao các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo vệ môi trường. Đại diện Eurocham cho hay, đây là những yếu tố quan trọng được cân nhắc trong kỳ bỏ phiếu của Nghị viện Châu âu.

EVFTA van con rao can cuoi cung moi duoc thuc thi
EVFTA vẫn còn phải trải qua cuộc bỏ phiếu quyết định của Nghị viện châu Âu

Việc quan trọng nhất bây giờ, theo ông Nicolas là tăng cường nỗ lực nêu bật những lợi ích của Hiệp định này để đảm bảo rằng Hiệp định sẽ được phê chuẩn và thực thi sớm nhất có thể.

Về lợi ích, ông này cho rằng những lợi ích mà EVFTA mang lại là không thể bàn cãi. Hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, loại bỏ thuế quan và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai phía. EVFTA là Hiệp định thương mại thứ hai (sau Singapore) mà Liên minh châu Âu kí kết với một quốc gia thành viên trong khối ASEAN.

Vì thế EuroCham sẽ tiếp tục nhấn mạnh cải cách tích cực của Chính phủ trong những lĩnh vực này, đặc biệt là quyết định thông qua Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể.

Theo đánh giá của EuroCham, thỏa thuận một khi có hiệu lực sẽ hiện thực hóa việc lần lượt loại bỏ gần như tất cả thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa EU và Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng ở cả hai bên.

Các nhà đầu tư EU sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, trong khi đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ tiếp cận sâu hơn 500 triệu người tiêu dùng của thị trường châu Âu. Thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong tất cả ngành nghề và ở tất cả quy mô, riêng lĩnh vực dệt may, giày dép, nội thất, đồ da và nông sản sẽ được lợi ích trước vượt trội từ việc loại bỏ thuế quan và mở rộng thị trường.

Theo các tính toán của chuyên gia Việt Nam, nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện ngay có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và từ 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn năm 2029 đến 2033.

Song song với tăng trưởng kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm.

Về phía EU, theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%. Đó là chưa kể các lợi ích khác đến từ các lĩnh vực dịch vụ, mua sắm của Chính phủ...

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI