Chờ Quốc hội Việt Nam thông qua
Chỉ ít phút sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định ở Strasbourg, bày tỏ quan điểm về hai hiệp định này với Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) gọi đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía.
Theo EuroCham, bước tiếp theo và cũng là bước cuối cùng trước khi EVFTA có hiệu lực là cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam. EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế giữa Việt Nam và EU. Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay khi hiệp định có hiệu lực; những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình 10 năm tới. EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham - cho rằng, các hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự, các công ty của châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam.
EVFTA - những dấu mốc hành trình
Đánh giá tác động của hiệp định đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, tại cuộc họp báo sau khi kết quả bỏ phiếu từ Nghị viện châu Âu được công bố, Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh - gọi đây là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu - thị trường có quy mô lên đến 18.000 tỷ USD - nhất là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút Corona mới gây ra).
Bộ Công thương đã trình văn bản để Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA. Nếu theo đúng lộ trình, Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước xem xét, sau đó trình Quốc hội tại kỳ họp trong tháng Năm tới. Nếu Quốc hội thông qua, hiệp định sẽ có hiệu lực vào khoảng tháng 7/2020. Khi đó, các nhóm hàng như nông sản, da giày, dệt may, máy vi tính, sản phẩm nhựa, hàng thủy sản... được cho là có cơ hội lớn xuất sang châu Âu. Ngoài những ưu đãi về thuế quan, Bộ Công thương còn đánh giá, hiệp định sẽ mở ra cơ hội thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ...
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, các hiệp định mới là cơ hội lớn nhưng tận dụng cơ hội và biến nó thành thực tế là cả một quãng thời gian dài với những thách thức rất lớn. Sau khi Quốc hội thông qua hiệp định, Chính phủ mới đưa ra nghị định hướng dẫn, sau đó các bộ mới ban hành thông tư hướng dẫn. Quá trình này có khi mất nhiều năm và đòi hỏi phải có sự đồng bộ về văn bản pháp luật giữa các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đây là một thách thức cực lớn. Có lẽ lúc đó, đại dịch Covid-19 đã qua, doanh nghiệp Việt phải loay hoay “dọn dẹp” đống hoang tàn do dịch Covid-19 để lại.
Nhiều thách thức chờ sẵn
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó không phải chỉ do dịch Covid-19 bùng phát mà đã có từ hai năm trở lại đây. Nguyên nhân là nông sản Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc. Thị trường EU còn khó gấp nhiều lần so với Trung Quốc, liệu nông sản Việt Nam có tiếp cận được thị trường EU như mong muốn trong thời gian ngắn?
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, vô số thách thức phía trước. Đầu tiên là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đây là hai nước mà Việt Nam có lượng xuất và nhập rất lớn. Với Trung Quốc, Việt Nam lệ thuộc cả đầu vào và ra. Đầu vào lệ thuộc vào nguyên liệu chính ngạch như vải, phụ liệu cho ngành dệt may. Khi Trung Quốc gặp khó khăn trong thương chiến Mỹ - Trung, doanh nghiệp Việt Nam quen lấy nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Về đầu ra, khi Trung Quốc không xuất thẳng được hàng sang Mỹ, nông sản của Trung Quốc bị dồn ứ lại thì hàng Việt Nam xuất qua Trung Quốc bị hạn chế phần nào, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và việc thực hiện EVFTA.
|
Việ c Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp dịnh thương mại tự do giữ a Liên minh châu Âu vớ i Việ t Nam (EVFTA) và Hiệp dịnh bảo hộ dầu tư (EVIPA) mang tớ i nhữ ng tí n hiệ u lạ c quan cho nề n kinh tế Việ t Nam giữ a lú c dang chị u tá c dộ ng tiêu cự c từ dạ i dị ch Covid-19. |
Kế đến, khi EVFTA có hiệu lực, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp EU hơn hẳn doanh nghiệp Việt Nam. Họ sẵn sàng trên ba mặt. Một là, hàng của họ đảm bảo tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật của Việt Nam; họ nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng người Việt Nam, sản phẩm của họ đổ bộ ồ ạt gây khó khăn cho doanh nghiệp cùng loại ở Việt Nam. Với cuộc cạnh tranh khốc liệt này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể bị giải thể, thanh lý để tồn tại bằng một ngành nghề khác, hoặc phải bắt tay để trở thành một trong những nhánh, chuỗi của các doanh nghiệp EU đổ bộ vào Việt Nam. Hai là, doanh nghiệp EU có thể lấy Việt Nam làm nơi đặt các nhà máy để sản xuất hàng hóa, bán cho người Việt và các nước láng giềng. Ba là, họ sẽ xuất khẩu lao động chất lượng cao từ nước họ sang Việt Nam.
Bỏ thuế quan, vẫn còn phi thuế quan
Một hiệp định lớn được đánh giá là cơ hội rộng mở cho nhiều ngành hàng của Việt Nam, nhưng một nghiên cứu được công bố trong diễn đàn TP.HCM hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 diễn ra cách đây hai tháng cho thấy, chỉ có hơn 1,5% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát có sự nghiên cứu sâu về EVFTA, hơn 65% số doanh nghiệp mới chỉ nghe qua nhưng chưa tìm hiểu gì về hiệp định này.
Rất nhiều đại diện doanh nghiệp, chuyên gia đã chỉ ra nhiều nhóm hàng có cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu vào châu Âu khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng khi không còn thuế quan thì hàng rào phi thuế quan là trở ngại không nhỏ. Đó là các tiêu chí cực kỳ nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, nhất là thực phẩm.
Nông sản được kỳ vọng lớn nhất bởi đây là nhóm hàng xưa nay quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và luôn trong tình trạng nơm nớp lo Trung Quốc không nhập hàng. Nhưng theo một chủ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại TP.HCM, phần lớn trái cây xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vì không đáp ứng yêu cầu chất lượng, kiểm dịch để đi chính ngạch. Liệu những mặt hàng này có thể vào được thị trường châu Âu? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường - từng thừa nhận, thách thức của nông sản khi vào châu Âu là các hàng rào phi thuế quan.
Ngoài ra, các sản phẩm chăn nuôi không hề lợi thế khi vào EVFTA do giá thành chăn nuôi của Việt Nam hiện vẫn cao hơn hẳn các nước châu Âu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường châu Âu dù thị trường này hiện đang chiếm 15-17% thị phần nông - lâm - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Theo thạc sĩ Phạm Thị Dự - Khoa Kinh tế luật, Trường đại học Thương mại - các doanh nghiệp có thể khó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Thông thường, hàng hóa muốn được ưu đãi thuế quan theo FTA (hiệp định thương mại tự do) thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN hoặc các nước không thuộc khối, không thuộc các đối tác có FTA với Việt Nam.
Các biện pháp về phòng vệ thương mại cũng là thách thức không nhỏ. Một khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa và EU cũng là một trong những thị trường có truyền thống sử dụng các công cụ này. “Muốn xuất khẩu sang các nước, phải hiểu về pháp luật, thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Việc hiểu được thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam đã khó, huống hồ EU. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa được thị trường EU biết đến và không phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao” - tiến sĩ Bùi Quang Tín nhận định.
Thanh Hoa - Thư Hùng