|
Đối tượng cướp manh động dùng dao khống chế chị H. (ngụ Q.10) để cướp điện thoại (ảnh camera an ninh) |
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày gần đây tại TP. HCM đã xảy ra nhiều vụ trộm tinh vi, các đối tượng “nhập vai” thành người bán vé số, bán báo dạo… biến những người muốn giúp đỡ chúng thành nạn nhân.
Trộm “nhập vai” hoạt động mạnh
Ngày 9/6, gọi điện tới Đường dây khẩn báo Phụ Nữ, chị Tuyền (chủ shop thời trang trên đường số 15, P.Tân Kiểng, Q.7) ấm ức cho biết cửa hàng của chị vừa xảy ra một vụ trộm mà kẻ trộm là hai khách V.I.P đi xế hộp và mặc áo hiệu Burberry. Chị Tuyền kể, sáng hôm đó, một đôi nam nữ (khoảng 40 tuổi) ăn mặc sang trọng đến shop của chị yêu cầu xem hàng. Trong lúc người khách nữ xem hàng thì người khách nam đợi sẵn ở xe. Sau một lúc lựa chọn, người phụ nữ vẫn chưa đồng ý bộ quần áo nào. Cuối cùng, người phụ nữ chỉ vào chiếc váy chị Tuyền đang mặc khen đẹp và muốn mua một chiếc tương tự. Do cửa hàng không có sẵn chiếc váy kiểu này nên chị Tuyền lấy điện thoại ra gọi người mang tới.
|
Hiện trưởng một vụ trộm phá két sắt nhà dân ở Q.7 |
“Lúc tôi đang gọi điện thì người phụ nữ này lại gần chiếc giỏ của tôi, nhưng thấy khách ăn mặc sang trọng nên tôi không đề phòng. Sau đó, người phụ nữ xem thêm vài chiếc váy khác rồi để tiền cọc đặt mua chiếc váy, nói lát nữa sẽ quay lại lấy rồi ra xe đi mất. Một lúc sau, thấy nghi ngờ nên tôi kiểm tra giỏ thì phát hiện bị mất năm triệu đồng, một nhẫn hột xoàn trị giá 3.500 USD và hai nhẫn vàng trị giá gần 100 triệu đồng…” - chị Tuyền tức tối.
Ngược với sự “sang chảnh” khiến bà chủ shop thời trang mất cảnh giác, nhiều đạo chích đã giả dạng những người lao động nghèo để diễn các kịch bản “thó đồ” ngoạn mục. Ngày 6/6, anh N.Q.Việt (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) bức xúc kể về một tên “siêu trộm” đã đóng vai người bán báo dạo “cuỗm” hai chiếc điện thoại trong công ty của anh ngay trước mắt các nhân viên và camera an ninh.
Khoảng 10g55, một thanh niên đến công ty anh Việt rao bán báo. Dù nhiều nhân viên trong công ty đã ra hiệu từ chối nhưng thanh niên này vẫn cố tiếp cận mọi người. Anh ta liên tục đặt báo lên bàn một nữ nhân viên để chào mời và lợi dụng lúc nhân viên này sơ hở đã nhanh chóng luồn tay lấy hai điện thoại đang đặt trên bàn rồi bỏ đi. Anh Việt cho biết: “Lúc đó có đến hàng chục nhân viên của tôi làm việc ở tầng dưới nhưng không ai cảnh giác vì nghĩ anh ta chỉ vào mời mua báo chứ không phải trộm cắp. Khi mở camera an ninh xem lại, chúng tôi mới thấy toàn bộ thủ thuật của tên trộm này”.
|
Tên trộm giả làm người bán báo dạo để tiếp cận nhân viên công ty của anh Việt (ảnh trích từ camera an ninh) |
Mới đây, anh X.T. (24 tuổi, làm việc tại một tờ báo ở TP.HCM) đã đến công an P.7, Q.Phú Nhuận trình báo mất trộm tài sản trị giá hơn 60 triệu đồng. Ngày 26/5, anh X.T. về quê để giải quyết việc gia đình, khi đi đã khóa cửa phòng trọ cẩn thận bằng hai lớp khóa. Ngày 29/5, quay lại phòng trọ anh thấy cửa có dấu hiệu bị bẻ khóa, kiểm tra lại thì phát hiện mất nhiều tài sản có giá trị như máy quay phim, điện thoại… Theo tìm hiểu từ một số người dân gần nơi anh X.T. sống thì những ngày anh về quê đã có một số thanh niên lạ mặt bán vé số lai vãng quanh khu vực phòng trọ. Sau vụ phòng trọ của anh X.T. bị mất tài sản, những thanh niên bán vé số này cũng… biến mất.
Không chỉ “nhập vai” những người lao động để dễ tiếp cận nhà dân, nhiều đối tượng trộm cắp còn đóng giả người nuôi bệnh tiếp cận những người nuôi bệnh khác để trộm cắp tài sản.
Trộm cướp tăng cao mùa bóng đá
Chị V.T.H. (SN 1993) làm nghề bán hàng online, ở đường Tô Hiến Thành (P.14, Q.10) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lúc bị hai tên cướp dùng dao khống chế để cướp điện thoại. Chị kể, chiều ngày 17/5, có một thanh niên đến nhà chị để mua mắt kính. Thấy người này mang ba lô phía sau, mặc quần jeans, áo thun trắng có vẻ lịch sự nên chị H. không đề phòng, đưa vào xem hàng bình thường. Trong lúc xem hàng, người này đã dùng tay trái bịt miệng, tay phải cầm sẵn dao dí vào chị H. để khống chế, cướp đi chiếc điện thoại iPhone 6S rồi lên xe đồng bọn tẩu thoát.
Chị H. chia sẻ: “Do tôi mất cảnh giác nên đã dễ dàng bị tên cướp dùng dao khống chế. Nếu tôi đề phòng ngay từ đầu thì sự việc đã không đến nỗi tệ như vậy”. Theo xác minh của Công an Q.10, hai đối tượng gây nên vụ cướp tại nhà chị H. là hai tên cướp rất táo tợn, từng gây ra nhiều vụ cướp giật trước đó. Cụ thể, trước khi gây án tại nhà chị H. chỉ vài giờ, hai đối tượng này đã thực hiện thành công một vụ cướp xe máy trên đường Thành Thái, Q.10. Ngoài ra, cơ quan công an còn tình nghi hai đối tượng này có dính dáng đến hàng loạt vụ án trộm cướp nguy hiểm khác trên địa bàn TP.HCM.
Chia sẻ với chúng tôi về nạn cướp giật ở TP.HCM, một cán bộ thuộc Đội trinh sát hình sự Công an Q.9 nhận định: “Gần đây tội phạm cướp giật có dấu hiệu gia tăng với nhiều chiêu thức biến tướng và manh động hơn. Chúng thường mang theo hung khí và sẵn sàng chống trả nếu bị truy đuổi. Trong quá trình tẩu thoát, chúng bất chấp tính mạng của mọi người xung quanh nên rất nguy hiểm”.
|
Nhóm “hiệp sĩ” Q.Tân Bình đang khống chế một tên cướp trên địa bàn (ảnh “hiệp sĩ” Nguyễn Trọng Nghĩa cung cấp) |
Mới đây, Công an Q.9 đã bắt giữ hai tên trộm manh động, dùng dao chống trả lại lực lượng chức năng. Đó là đối tượng Lê Hoàng Minh (38 tuổi, sống lang thang) và Thái Tống Thanh Hòa (21 tuổi, ngụ Q.1), lúc đang tìm cách đột nhập vào một căn nhà ở P.Tăng Nhơn Phú (Q.9) để trộm tài sản thì bị phát hiện. Lúc các trinh sát áp sát khống chế, đối tượng Minh đã dùng dao bấm chống trả để tẩu thoát. Các trinh sát đã phải nổ nhiều phát súng chỉ thiên, rượt đuổi qua nhiều tuyến đường mới bắt được chúng.
Nhận định về tệ nạn trộm cướp trong một số mùa Euro, World Cup, một cán bộ thuộc Đội 4 - Cảnh sát phản ứng nhanh 113 (Công an TP.HCM) cho biết, các mùa bóng đá như World Cup, Euro là lú c những đối tượng trộm cắp có xu hướng lộng hành hơn để kiếm tiền cá độ, nên hàng năm số vụ trộm cướp trong mùa bóng đá thường tăng cao. Các đối tượng cá độ thua, mắc nợ cũng manh động hơn.
“Trong mùa Euro trước chúng tôi bắt được rất nhiều đối tượng là dân nghiện cá cược bóng đá. Tôi nhớ nhất là đối tượng Nguyễn Hữu Tuấn (ngụ Q.Bình Tân), sau khi thua độ đã dạo quanh nhiều tuyến đường để “săn hàng”. Không săn được gì, thấy một chiếc ô tô đang đậu bên đường, chủ xe đang say mê xem bóng đá, hắn đã chạy đến bẻ kính xe, bị lực lượng chức năng đi tuần phát hiện và bắt giữ”, cán bộ này nhớ lại.
Trấn áp tội phạm mùa Euro 2016 Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho hay, Euro 2016 là sự kiện thể thao lớn nên dễ phát sinh các loại tội phạm. Công an TP.HCM đã có kế hoạch chuyên đề đấu tranh phòng, chố ng ngay từ đầu, đặc biệt là tệ nạn cá độ bóng đá. Bên cạnh đó, Công an TP sẽ phối hợp với công an các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở cầm đồ, băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi… để kéo giảm tội phạm. “Người dân hãy thể hiện sự đam mê bóng đá bằng cách thưởng thức những trận đấu, đừ ng sa vào tệ nạn cá độ. Trong thời điểm diễn ra ngày hội thể thao lớn này, người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước tình trạng trộm cắp, cướp giật… vì những đối tượng tham gia cá độ bóng đá, khi nhẵn túi rất dễ phạm tội”, đại tá Quang khuyến cáo. Lam Hồng |
Sơn Vinh