EU đứng về phía Cuba chống trừng phạt từ Mỹ

03/05/2019 - 09:42

PNO - Việc Mỹ tuyên bố cấm vận đầy đủ đối với Cuba đang nhận lấy những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).

Đi ngược lại luật pháp quốc tế

Ngày 2/5, Đại diện Ngoại giao cấp cao Liên minh châu Âu Federica Mogherini cam kết sẽ dùng các biện pháp thuế quan để thể hiện quan điểm của châu Âu đối với việc Mỹ tuyên bố cấm vận đầy đủ Cuba. 

Tháng 3/2016, Cuba và EU đã ký thỏa thuận về Đối thoại chính trị và Hợp tác - khung pháp lý mới để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai. Đây chính là Hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương mà ở đó, châu Âu nhìn thấy được những tiềm năng hợp tác cùng Cuba.

EU dung ve phia Cuba chong trung phat tu My
Bà Federica Mogherini ngày 2/5 khẳng định tuyên bố trên từ phía Mỹ là trái với luật pháp quốc tế.

Bà Federica Mogherini khẳng định tuyên bố lần này của Nhà Trắng đi ngược lại những cam kết mà Mỹ và EU đã ký với nhau. Vì vậy, EU sẽ dùng mọi biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền lợi của mình. Thậm chí, theo bà Federica Mogherini, khả năng EU kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Hoặc các quốc gia thuộc EU có thể sử dụng Quy chế Ngăn chặn, cho phép các công ty của các quốc gia thuộc EU bị kiện tại Mỹ đòi bồi thường thiệt hại từ phía nguyên đơn của Mỹ tại các tòa án ở EU.

Chính phủ Mỹ đã quyết định kích hoạt Điều 3 của đạo luật Helms-Burton từ ngày 2/5 và không miễn trừ cho các quốc gia châu Âu. Theo đó, các công dân Mỹ gốc Cuba, cũng như các doanh nghiệp Mỹ, có thể khởi kiện các công ty nước ngoài hoạt động tại các cơ sở và những tài sản vốn bị quốc hữu hóa trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba. Trước đây, các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng Điều 3 theo thời hạn 6 tháng/lần.

Chính quyết định này của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến các công ty châu Âu. Tháng trước, bà Federica Mogherini và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã gửi một bức thư đến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Trong đó, họ cảnh báo việc EU có thể khởi kiện Washington lên WTO vì những quyết định của Washington gây ảnh hưởng đến thương mại châu Âu.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 2/5, Đại diện Ngoại giao cấp cao Liên minh châu Âu Federica Mogherini đã nhấn mạnh việc kích hoạt Điều 3 của đạo luật Helms-Burton “sẽ gây ra va chạm không cần thiết và làm xói mòn lòng tin của đối tác xuyên Đại Tây Dương

Các quốc gia EU đã bắt dầu có những động thái bảo vệ các công ty của mình từ khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với Iran. Các quan chức cấp cao ở Bỉ, Anh, Pháp, Đức đều chỉ trích hành động của Mỹ và cam kết có những cơ chế mới để bảo vệ các công ty có quan hệ thương mại hợp pháp với Iran.

Quan hệ giữa EU và Washington gần đây đang có những căng thẳng sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối với một số mặt hàng của châu Âu. Tháng Tư vừa qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa công bố danh sách hàng hóa châu Âu họ muốn áp thuế nhập khẩu, từ máy bay thương mại cỡ lớn đến sản phẩm từ sữa.

Đây được xem là động thái trả dũa EU sau khi WTO kết luận EU trợ giá cho Airbus khiến Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Hơn một thập kỷ qua, EU và Mỹ luôn cáo buộc lẫn nhau về việc hỗ trợ bất hợp pháp cho hai hãng sản xuất máy bay là Airbus và Boeing để có lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu.

Thời gian qua, Mỹ cũng đã cố gây áp lực với Đức trong dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 xuyên biển Baltic, một dự án năng lượng quan trọng vơi Nga. Đức đã thẳng thừng phản đối những đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ và vẫn tiếp tục thực hiện dự án của mình.

Liên quan đến vấn đề Cuba, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha J.Borrell cảnh báo khả năng xảy ra nhiều vụ kiện giữa châu Âu và Mỹ sau khi Washington tuyên bố gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Cuba. Theo đó, EU và Mỹ có thể bước vào giai đoạn kiện tụng căng thẳng tại WTO. EU có thể xem xét những vụ kiện đã rút lại trước đây.

Lời nói dối trắng trợn

Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaidó là người kêu gọi một loạt các cuộc đình công leo thang để buộc Tổng thống Nicolás Maduro phải từ bỏ quyền lực.

Những nhân vật có quan hệ mật thiết với người này tại Mỹ chính là người cho rằng ở Venezuela còn có sự hiện diện của quân đội Cuba. Người tư vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói: “Tôi nghĩ là có khoảng 20.000 đến 25.000 người tham gia hoạt động hõ trợ an ninh ở Venezuela”.

Nhưng thực tế, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, ông Carlos Fernandez de Cossio khẳng định không có quân đội Cuba ở Venezuela. Những thông tin về sự hiện diện này chỉ là thông tin bịa đặt trắng trợn và đây chính là cái cớ để Mỹ tranh thủ ủng hộ của dư luận trước động thái mới nhất dành cho Cuba.

EU dung ve phia Cuba chong trung phat tu My
Đại diện Ngoại giao cấp cao Liên minh châu Âu Federica Mogherini và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla trong cuộc họp báo ở Havana vào tháng 3/2016.

Trên trang Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Trump cố tình ghi: “Mong là tất cả binh lính Cuba sẽ trở về an toàn” sau khi ông lên tiếng đe dọa cấm vận đầy đủ và trừng phạt ở mức cao đối với Cuba. Nguyên nhân đưa ra là vì có sự hiện diện quân đội Cuba ở Venezuela, điều mà Cuba phủ nhận và chính Nhà Trắng cũng không đưa ra được chứng cứ lúc này.

Đáp lại, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla phản đối thái độ từ Mỹ và gọi John Bolton – người tư vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng là kẻ nói dối trắng trợn vì đã thêu dệt câu chuyện.

Trên trang Twitter của mình, ông Bruno Rodríguez Parrilla đã viết: “Không có người Cuba tham gia và bất cứ lực lượng quân đội hay hoạt động an ninh nào ở Venezuela. Chỉ có duy nhất một đội y tế người Cuba hoạt động với sứ mệnh nhân đạo ở Venezuela mà thôi”.

Người Cuba ở Venezuela đều là dân thường và 94% đều làm việc trong các nhiệm vụ, hoạt động y tế.

Minh Khôi (Theo Forbes, Independent, RT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI