EU, Canada và các nước thúc đẩy kế hoạch thương mại giải quyết COVID-19

24/11/2020 - 07:03

PNO - Nhiều nước bày tỏ mong muốn thành viên WTO sẽ cam kết gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế vào đầu năm sau, để thuận tiện cho việc sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19.

EU, Canada và các nước thúc đẩy kế hoạch thương mại

Liên minh châu Âu, Canada và 11 quốc gia khác (Ottawa Group) đã đồng ý các biện pháp như loại bỏ hạn chế xuất khẩu mà họ tin rằng sẽ tạo cơ sở cho một thỏa thuận toàn cầu để giải quyết COVID-19 và các đại dịch trong tương lai.

Các thành viên khác của Ottawa Group bao gồm Úc, Brazil, Chile, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sĩ.

Nhóm Ottawa Group, không bao gồm Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, muốn các thành viên WTO cam kết gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế - khoảng 70 nước vẫn còn áp dụng - theo các quan chức EU.

EU, Canada và các nước thúc đẩy kế hoạch thương mại.
EU, Canada và các nước thúc đẩy kế hoạch thương mại

Một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết: “Nếu chúng ta áp dụng gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế vào đầu mùa xuân năm sau, chẳng hạn như tháng 3, thì đó vẫn là thời điểm có liên quan đến việc quản lý đại dịch”, ám chỉ thời kỳ bận rộn khi vắc-xin COVID-19 đang được sản xuất và phân phối.

Ottawa Group bày tỏ mong muốn các thành viên WTO thực hiện các bước để giảm bớt dòng chảy thương mại, chẳng hạn như hợp lý hóa hải quan, không áp đặt lên hàng hóa liên quan đến đại dịch trong cuộc khủng hoảng. Đồng thời, nhóm kêu gọi sự minh bạch hơn và tin tưởng rằng WTO, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Hải quan Thế giới có thể hợp tác chặt chẽ để sẵn sàng cho các đại dịch trong tương lai.

Indonesia vượt mốc nửa triệu ca mắc COVID-19

Indonesia đã báo cáo hơn nửa triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, khi số ca mắc mới trung bình hàng ngày đạt mức kỷ lục và nhiều bệnh viện tại một số địa phương đang trong tình trạng quá tải.

Indonesia hiện có 502.110 bệnh nhân dương tính COVID-19 và 16.002 ca tử vong, là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á, phải vật lộn để kiềm chế sự lây lan, kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào tháng 3.

Indonesia vật lộn với sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới SARS-CoV-2.
Indonesia vật lộn với sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Các chuyên gia y tế cho biết những thiếu sót trong xét nghiệm, truy tìm F1, F2 và tỷ lệ lây nhiễm cao cho thấy con số thực tế có khả năng còn cao hơn số liệu được báo cáo.

Trung bình mỗi ngày trong tháng 11 ở Indonesia báo cáo khoảng 4.000 ca mắc mới COVID-19, đặc biệt ở một số tỉnh trên đảo chính Java.

Tại Bandung, Tây Java, một tỉnh có quy mô gần 50 triệu dân, công suất tại 27 bệnh viện đã đạt mức 88,8%, lắp đầy 698 trên tổng số 786 giường bệnh cho người điều trị COVID-19.

Nhà dịch tễ học Tây Java Panji Fortuna Hadisoemarto cảnh báo các mô hình lây truyền tại địa phương và quốc gia cho thấy cuộc đấu tranh của Indonesia với đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Số ca tử vong tại Ý tăng mạnh

Ngày 23/11, Ý đã báo cáo 630 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 50.453, trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới vượt quá 50.000 người chết và thứ hai ở châu Âu sau Anh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng xác nhận 22.930 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, giảm so với 28.337 ngày trước đó. Tính đến nay, Ý đã báo cáo hơn 1,43 triệu ca mắc COVID-19, cao thứ tám trên toàn cầu.

Hiện, tỷ lệ tử vong hàng ngày của Ý liên quan đến COVID-19 đang dẫn đầu khu vực châu Âu trong những ngày gần đây, nhưng số người nhập viện và tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc đặc biệt đang có chiều hướng tăng chậm lại.

Khu vực phía bắc Lombardy tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, báo cáo 5.289 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 trong ngày 23/11. Trong khi đó, vùng Veneto lân cận chiếm số lượng ca mắc mới cao thứ hai với 2.540 người.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI