Trong một clip trên mạng, nhân vật nam dắt theo bạn gái đi nhậu với bạn bè và cho đó là "cao kiến" khi đến lượt mình uống, anh lén đổ chung rượu của mình vào lon nước ngọt của bạn gái ngồi cạnh để không phải uống chung rượu kia. Clip mang tính hài hước nhưng tôi lại liên tưởng đến dụng ý mà người quay clip muốn lồng vào đó: có nên ép nhau uống rượu (hoặc bia) khi người ta không thể uống quá nhiều?
|
Nhiều người đánh giá sự "chuẩn men" dựa trên tửu lượng của người đàn ông (ảnh minh hoạ) |
Bên dưới clip có nhiều bình luận đại ý: "Chuyện (ép nhau uống) chỉ có ở Việt Nam!" Quả thực, tôi chưa từng thấy người nước ngoài nào ép nhau (hoặc ép người Việt mình) uống bia hay rượu, kể cả trong những bữa đại tiệc như đám cưới, liên hoan cuối năm, ăn mừng dịp gì đó...
Ngược lại, trong nhiều buổi tiệc có dùng bia, rượu của người Việt, tôi thấy người ta ép nhau uống một cách vô tội vạ, kể cả khi người bị ép không biết thức uống có cồn hoặc đã say tuý luý. Nếu người ép là chủ tiệc, người chi trả (hay đồng chi trả) bữa tiệc hôm ấy thì không có gì đáng nói, kỳ cục ở chỗ lắm khi người ép chỉ là khách mời. Trong nhiều buổi tiệc cưới, giỗ, chiêu đãi... nhiều người ra sức ép người khác uống, vừa uống vừa đổ tung toé vì quá say, hoặc vừa uống vừa lén đổ bỏ, nhờ ai khác uống giùm hoặc nôn thốc nôn tháo sau khi uống vì quá mệt khiến chủ tiệc phải dốc hầu bao chi trả lãng xẹt.
Đàn ông ta hay vịn vào câu "nam vô tửu như kỳ vô phong" để biện minh cho thói quen thích nhậu và lấy tửu lượng của mỗi người làm thước đo sự nam tính, bản lĩnh đàn ông. Trong khi với phụ nữ, đàn ông có nhiều cách khác nhau để trở thành "nam thần" chứ không chỉ khi họ uống bia hay rượu. Chưa kể theo y học, việc dung nạp các loại thức uống có cồn nhiều còn khiến cơ thể suy giảm khả năng sinh lý đàn ông chứ chẳng ích lợi gì. Mà đàn ông "nam tính, chuẩn men" là để cho ai ngắm mà lại so kè nhau về tửu lượng?
Có lẽ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc hàng "có số má" so với đàn ông các nước khác. Họ uống bất kể dịp gì, lý do gì. Buồn thì uống giải sầu, vui thì uống để ăn mừng. Giàu uống không nói, nghèo cũng uống theo kiểu nghèo. Chưa kể nhiều người còn xem uống rượu như một kỹ năng quyết định thành công trong kinh doanh, giao tiếp, giải quyết công việc...
|
Uống rượu được xem như một kỹ năng quyết định thành công trong kinh doanh, giao tiếp, giải quyết công việc... (ảnh minh hoạ) |
Uống ít chưa đủ, nhiều người không chỉ uống nhiều mà còn ép người khác uống khiến việc gặp gỡ lắm lúc trở nên gượng gạo, mất vui. Có khi việc từ chối bị ép uống còn là nguyên nhân gây mếch lòng, cãi cọ, thậm chí ẩu đả. Bản thân tôi nhiều lần từng là nạn nhân của vụ ép uống. Do cơ thể khó chịu ngay cả khi uống một lượng ít các loại nước có cồn, tôi dần đâm sợ tham dự các buổi tiệc tùng có uống bia hay rượu.
Thói quen "ép uống" không chỉ có hại cho sức khoẻ của cá nhân mà còn gây lãng phí trong bối cảnh cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, người nghèo hoặc có mức sống dưới trung bình vẫn chiếm đại đa số. Xét về mặt xã hội, việc uống rượu bia thiếu kiểm soát còn gây ảnh hưởng trật tự công cộng, làm giảm sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của cộng đồng. Đừng để như một câu nói vui mà tôi được nghe ở đâu đó: "uống ít là người uống rượu, uống nhiều là rượu uống người" Nên chăng chỉ xem rượu bia như "chất phụ gia" giúp vui cho buổi gặp gỡ thay vì là nỗi ám ảnh đáng sợ, là nguyên nhân của biết bao thảm cảnh gia đình, tai nạn giao thông, bệnh tật do tác hại của rượu.
Vĩnh Thuỵ