Em xấu, em vẫn có quyền

24/02/2017 - 06:30

PNO - Chị vốn thua kém chồng về ngoại hình và giọng hát, khi thành chồng vợ rồi sự tự ti đó chẳng những không tiêu tán mà ngày càng lớn thêm.

“Hôn nhân cũng giống sợi dây diều, người này căng thì người kia phải chùng”, biên kịch Phạm Hạ Thu chia sẻ. Chị tự nhận mình là người “khờ khờ” và cho rằng chính cái sự “khờ” đó đã giúp gia đình chị vượt qua những ngày sóng gió và giúp chị, một người phụ nữ xấu xí, gặp được bạn đời - anh Bùi Văn Hoàng - một người đẹp trai, tài hoa, giải ba , Ðài Truyền hình TP.HCM.

Anh thật sự là người đồng hành và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống lẫn trong nghề nghiệp của chị; luôn hiểu và thương yêu vợ. Anh đã hy sinh công việc phó trưởng phòng văn hóa một quận và niềm đam mê ca hát, chỉ để làm… xe ôm kiêm thư ký và biên tập các kịch bản phim chị viết. Nhờ điểm tựa yêu thương này, cái tên Phạm Hạ Thu đã tỏa sáng, được xem là “hiện tượng” của làng phim ảnh, khi chị liên tục có phim lên sóng của nhiều đài truyền hình.

Em xau, em van co quyen
Nhà biên kịch Phạm Hạ Thu và anh Bùi Văn Hoàng

Mười năm tình đơn phương...

Quê chị ở Tiền Giang, cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi đàn con dại nên nhà rất nghèo; cuộc sống của mấy mẹ con đều trông vào thùng thuốc lá ở góc đường của mẹ. Gia cảnh khó khăn nhưng mẹ chị vẫn muốn các con phải học hành tới nơi tới chốn nên năm 1987, chị khăn gói lên TP.HCM thi vào trường ĐH Văn hóa, Khoa Văn hóa quần chúng, và may mắn đậu... vớt. “Nhan sắc không, giọng hát cũng không, vốn liếng duy nhất của mình chỉ là khả năng viết lách. Vậy mà mình lại dám “yêu thầm” một người đẹp trai ngời ngời, hát hay, học giỏi, là thủ khoa của trường; còn bày ra lắm trò hổng giống ai để lôi kéo sự chú ý của người ta”, chị kể.

Thời đi học, chị mặc cảm vì dung mạo đã không đẹp, lại nghèo xác xơ, cả tuần lên lớp chỉ mặc một bộ đồ là chiếc áo sơ mi cháo lòng và cái quần lãnh đen má may cho lúc đậu ĐH. Con trai trong lớp chẳng ai ngó ngàng đến chị ngoài anh Hoàng. Anh quan tâm chăm sóc chị vì trách nhiệm của phó bí thư đoàn nhưng chị lại ngộ nhận đó là tình yêu, rồi sinh yêu thầm anh. Chị tự lên “kịch bản” cho chuyện tình của mình, rồi tự giận hờn, viết nhật ký, lại còn gặp anh để “nói chuyện phải quấy” khi thấy anh đi với người con gái khác. “Bà nội, tui có bồ rồi” - anh cười ngất. Chị giận mình quá, chạy thẳng về ký túc xá khóc hết mấy ngày. Chị cũng biết anh có bạn gái, vừa xinh đẹp vừa hát hay nhưng vẫn cứ yêu thầm anh.

Tình cảm đó theo chị suốt bốn năm ĐH, dù anh chẳng mảy may đáp lại. Để “gây sự chú ý với anh”, đêm khuya cả ký túc xá ngủ hết, chị ôm guitar, leo lên... cây mận trước phòng anh, hát như bò rống. Cả ký túc xá giật mình thức giấc, nhìn chị như người ngoài hành tinh. Chị mặc kệ, cứ hát. Có hôm, chị tự tưởng tượng chuyện anh đi lấy vợ, vậy là suốt đêm chị đứng trước phòng anh, đợi trời sáng để “nói lời chia tay”.

Sáng mở cửa, thấy chị tóc tai rũ rượi, mặt mũi phờ phạc như… bà điên, anh hỏi có chuyện gì, chị nói: “Giờ tui không thương anh nữa, tui quyết định chia tay, trả anh về cho người ấy”. Anh sờ trán chị, bật cười: “Bà nội, bà có khùng hông? Thương nhau hồi nào mà giờ bà đòi chia tay? Là tui thấy bà ngộ ngộ nên chọc ghẹo vậy thôi”.

Sau này, không ngờ chính những kỷ niệm đó đã kéo anh đến gần với chị, khi hai người tình cờ gặp lại nhau ở Sài Gòn. Anh bảo, những lúc buồn, nhớ thời sinh viên, anh lại nhớ đến cô gái xấu xấu, khờ khờ. Nỗi nhớ đó theo thời gian cứ đầy lên trong anh, để rồi khi gặp lại anh mới nhận ra mình cũng thương chị đến… muốn cưới. Chị dẫn anh về ra mắt má, má chị im im không nói gì, đợi anh về rồi mới tỉ tê với con gái: “Thằng đó sáng láng vậy nhưng mày thì xấu hoắc, con à. Lấy nó đời mày sẽ khổ thôi”. Rồi má lặng lẽ tìm cho chị những đám phù hợp, nhưng chị lì lợm, đám nào cũng lắc. Má biết chị đã quyết tâm theo anh, nên không nhắc chuyện chồng con với chị nữa.

Về quê, xin việc mãi chẳng nơi nào nhận, chị đành ở nhà phụ má bán thuốc lá, “khuếch trương” thùng thuốc lá lớn hơn. Tình cờ, một chú trong hội văn nghệ tỉnh ghé mua thuốc, gặp chị, đã “rủ rê” viết sách. Bởi trước đó thời sinh viên đi thực tập, chị từng viết và dựng vở cho Phòng Văn hóa TP.Mỹ Tho, vở diễn lại đoạt giải nhất tại Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc. Vậy là từ đó chị vừa ôm thùng thuốc lá, vừa thả hồn theo những nhân vật lịch sử, dã sử của mình.

Đầu những năm 1990 là thời điểm vàng son của sách kiếm hiệp “made in Vietnam”, và cái tên Phạm Hạ Thu dần được các đầu nậu sách ở TP.HCM chú ý, săn đón từ sau tác phẩm đầu tay của chị. Lúc đó, một cuốn tiểu thuyết in ra, chị được trả 10 triệu, cuộc sống má con chị đỡ vất vả hơn. Thời gian trôi, chị vẫn không nguôi nhớ anh bạn thủ khoa cùng lớp. “Tuy xấu xấu nhưng tui cũng có chút duyên ngầm nên dù có vài người để ý, nhưng tui vẫn không quên anh được. Má hiểu nên cũng không ngăn cản nữa”, chị cười nhớ lại.

“Hờn ghen, âu cũng người ta thường tình”

Chị bảo, chị yêu anh bắt đầu từ giọng hát, nhớ mãi anh vì giọng hát và cũng suýt đánh mất hạnh phúc của mình vì giọng hát đó. Chị vốn thua kém chồng về ngoại hình và giọng hát, khi thành chồng vợ rồi sự tự ti đó chẳng những không tiêu tán mà ngày càng lớn thêm. Sợ chồng đi hát sẽ bị mấy cô ca sĩ xinh đẹp “bắt mất hồn”, chị buộc anh hứa chỉ tập trung làm cán bộ phòng văn hóa thông tin, dẹp hẳn chuyện hát hò. Thương chị anh đồng ý.

Nhưng, thời điểm đó sách “kiếm hiệp” thoái trào, chị lại mới sinh con nhỏ nên tiền thuê nhà trọ, tiền sinh hoạt trong nhà, tiền sữa cho con… tất cả đều trông hết vào lương ba cọc ba đồng của anh. Nghèo khó chị chịu được nhưng để con gái khát sữa thì chị không chịu nổi, “bất đắc dĩ” chị phải để anh đi hát trở lại. Còn anh, sau khi đoạt giải nhất Tiếng hát phát thanh truyền hình toàn quốc đã trở nên đắt show.

Hiểu tâm tư của chị, anh từ chối hết những show đi tỉnh dù nhiều tiền, chỉ nhận những show gần nhà. Chị cũng biết vậy, nhưng đàn bà mà, “hờn ghen âu cũng người ta thường tình”, càng yêu chị càng hay ghen chồng. Là người hay tưởng tượng nên những tối ở nhà ôm con chờ anh đi hát về, chị cứ nghĩ lan man rồi tự hờn ghen, tự bức bối và khó chịu. Chị vốn hay đùa, nhưng cứ sau mỗi lần anh đi hát về là chị lại lặng lẽ khiến không khí gia đình ngột ngạt kéo dài.

Thấy quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng, chị nghiêm túc suy nghĩ lại và tự “giải thoát” bằng những trang viết. Chị ghi chép những giận hờn đàn bà của mình một cách tỉ mẩn và nhận ra, nếu cứ tiếp tục như vậy thì nguy cơ đổ vỡ là không tránh khỏi. Nhớ có lần giận anh “thấu tim gan”, chị không thèm nói gì chỉ im lặng ngồi uống nước, uống miết hết ly này đến ly khác, cho đến khi anh chịu không nổi, hét lên: “Uống chi mà uống nhiều dữ vậy!”. “Thì uống chừng nào bể bụng chết mới thôi” - chị trả treo.

Lúc đó, anh đã ôm lấy chị ngăn không cho uống nữa, hứa sẽ không bao giờ thương ai ngoài “cô vợ khờ” này. Nghĩ lại, chị thấy mình đúng là khờ, ai lại đi nói với chồng là lỡ thương ai bên ngoài thì cứ nói với em, đừng lừa dối. Đàn ông mà sinh lòng trăng hoa thì có chết cũng không khai với vợ. Lại nhớ cái lần bác sĩ thông báo chị “có bệnh nan y về máu”, nghĩ mình sắp chết, về nhà chị âm thầm viết nhật ký dặn dò anh đủ điều; còn mong anh phải lấy vợ để có người đỡ đần và chăm sóc con gái.

Anh đọc nhật ký, ôm chị khóc, hứa sẽ không bao giờ cưới vợ nữa. Rồi anh nghe theo người ta đi chùa, ăn chay cả năm trời để cầu cho chị khỏe. Sau này, kiểm tra sức khỏe lại thì chị… chẳng có bệnh gì. Nhưng nhờ cơn khủng hoảng giả đó, chị mới biết anh thương chị đến chừng nào.

Vẫn biết trong cuộc sống, chẳng thể nói trước được điều gì, nhưng giờ chị bảo, chị đã tin anh tuyệt đối - một niềm tin đã được chính chị kiểm chứng qua năm tháng. Những gì đã hứa với chị, anh luôn thực hiện cho bằng được. Như lời hứa không đi hát nữa, anh đã giữ suốt 15 năm, chỉ phá vỡ vì “con gái muốn nhìn thấy ba lên sân khấu hát” nên lén mẹ nộp đơn cho ba đi thi . Phải đến khi anh lọt vào chung kết chị mới hay và cũng từ chuyện đó, chị càng hiểu chồng thêm.

Vợ chồng đồng thuận nên những trang viết của chị cũng “lung linh” hơn. Kịch bản chị gửi đi được phản hồi tốt từ các hãng phim. Nhờ “vốn liếng” của những ngày viết tiểu thuyết kiếm hiệp, chị nhập cuộc vào làng phim ảnh khá dễ dàng. Chỉ trong 5 năm, chị đã có 12 bộ phim (mỗi bộ 30-40 tập) được sản xuất. Kịch bản của chị cũng tựa con người chị, nhẹ nhàng, bộc trực mà gai góc. Hiện anh là cánh tay trái của chị trong công việc. Thành công của hai bộ phim truyền hình và có sự góp phần không nhỏ của anh. Chị viết về vùng miền nào là anh lại tra cứu tài liệu, là người biên tập kịch bản cho chị.

“Đàn bà mình là chúa hay xét nét, cứ gặp chút thất bại là than vãn rồi so đo nào là sao chồng mình cũng giỏi giang mà không làm ra tiền như người ta. Có khi lại ngồi đó tự ti về bản thân, rồi hờn ghen vô lối, chỉ làm cho không khí gia đình nặng nề. Tôi cũng phải mất một thời gian dài mới nhận ra thực tế đó và hiểu, cuộc sống gia đình cũng như một con diều, bay lên hay rơi xuống là do người cầm dây. Trong gia đình, người vợ chính là người nắm dây diều, nên phải biết giữ cho đừng bao giờ căng quá. Mỗi lần thấy hơi căng là tôi lại chùng tay. Nắm sợi dây hạnh phúc nên mình phải khéo léo, nếu không sẽ đứt”, chị chia sẻ.

Thiên Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI