Em từng có gia đình, rồi chính em phá tan nát...

05/08/2018 - 11:00

PNO - Em giả bộ hối hận khóc lóc hứa sẽ thay đổi. Em xin được uống một ly với anh rể lần này cũng là lần cuối cùng… Suốt đời em không quên khuôn mặt chị hai khi thấy em nằm trên giường với chồng của chị…

Trại có tên là Giáo dục lao động và những người ở đây được gọi một cách nhẹ nhàng là học viên. Tất cả đều là nữ.

Em tung co gia dinh, roi chinh em pha tan nat...
Em là người trẻ nhất trại. Hình minh họa.

Thấy tôi chú ý tới cô, người hướng dẫn nói đó là học viên thường nhận được nhiều quà nhất trong dịp lễ hoặc có đoàn đến thăm.

Cô trẻ nhất trong những người tôi nhìn thấy. Nói “tôi nhìn thấy” bởi vì chỉ những học viên đang làm việc tại trại như nấu nướng và thêu thùa, may vá thì mới có mặt, còn lại những tổ nhóm khác thì làm việc ở tận vườn điều hoặc vườn rau, ruộng lúa.

Học viên chăm chỉ thì được nhiều quà? Tôi hỏi người hướng dẫn. Ông lắc đầu “vô tới nơi này thì ai làm biếng cách mấy rồi cũng phải siêng. Con nhỏ đó được nhiều quà là vì không có người nhà thăm nuôi. Mà ai không có người nhà thì trại tặng thêm phần quà gọi là. Thành quy định luôn để học viên khỏi thắc mắc”.

Cô đang thêu. Tôi chú ý bởi vì cô cúi mặt quá sát khung thêu, đâm kim xuống thì không nói làm gì nhưng khi cô kéo cây kim lên thì sợi chỉ màu nâu sượt qua gò má cô như một vết xước. Cứ như vậy, vết trầy xước biến mất rồi lại hiện ra cho tới khi cô thay sợi chỉ khác, màu xanh lá…

Tôi đi đến gần, cô đang thêu bông hồng, màu nâu là cành cây, màu xanh là cái lá. Cô ngẩng đầu mấp máy môi như đáp lại lời chào của tôi rồi lại cúi sát khung thêu, những ngón tay thon dài sạm đen tiếp tục đâm kim.

Tôi chợt nhớ hồi còn học cấp III, mỗi khi con gái lên bục viết bài, tay này cầm viên phấn và bàn tay còn lại xòe áp lên bảng, bọn con trai dưới này xuýt xoa tay búp măng đẹp quá. Hẳn trước khi bị sạm đen vì hái điều và làm ruộng, những ngón tay thon dài này trắng trẻo mịn màng lắm.

Em tung co gia dinh, roi chinh em pha tan nat...
Em từng có gia đình, rồi chính em phá hết. Hình minh họa.

Cô ngừng thêu, quay quay cổ cho tới khi nghe khớp xương vang tiếng lắc rắc.

- Tại em cúi mặt sát quá nên dễ mỏi cổ. Tôi nói. 

Cô cười mím miệng như định nói ra một bí mật mà kịp ngừng lại. Rồi cô đưa tay vô hộp đựng những tép chỉ đủ màu sắc và cầm lên tép màu hồng, rút ra một sợi. Cô xỏ chỉ thật khổ sở. Dù có dụng cụ giúp cho việc xỏ chỉ dễ dàng, hai con mắt cô vẫn phải nheo tít lại, gí sát lỗ kim.

- Chắc là em bị cận thị rồi - tôi nói.

- Dạ em bị cận hai độ. 

- Sao em không đeo kính? - Tôi hỏi.

- Em vẫn nhìn thấy mà. Cô nói và chìa khung vải có bông hồng đang thêu ra trước mặt tôi như một vật chứng hùng hồn.

Tôi lại hỏi:

- Sao em biết mình cận hai độ?

- Hôm bữa có đoàn bác sĩ vô đây khám.

- Chị sẽ tặng em cặp kính cận hai độ.

Những ngón tay cầm kim khựng lại, thật lâu, rồi cô ngẩng nhìn tôi với đôi mắt dâng 
đầy nước:

- Chị không khinh em hả?

Tôi nín lặng. Cô quệt mắt qua ống tay áo. Chị giống chị của em ghê, cứ tự nhiên mà cho thôi. 

Em tung co gia dinh, roi chinh em pha tan nat...
Giá mà có thể nói với ngoại rằng chị em con sống ổn. Hình minh họa

Ba má em ly hôn, người lấy chồng, người lấy vợ. Hai chị em ở với bà ngoại. Bà ngoại thương mà cậu mợ thì không, tiếng nặng tiếng nhẹ hoài cho nên chị hai nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền để khỏi mang tiếng ăn không của người ta.

Đến hồi bà ngoại chết thì chị hai thuê phòng trọ, chị đi làm nuôi em ăn học. Mà em ngu lắm chị ơi. Em ham chơi, học hành bết bát rồi lấy cớ không muốn ăn bám chị, em bỏ học luôn. Bồ bịch yêu đương, em nghe lời ngon ngọt... Đưa em vô bệnh viện phá thai, chị hai xin hình hài ấy đem chôn cất rồi tới chùa cầu kinh cho đứa nhỏ đừng oán hận em. Vậy mà em vẫn không bớt ngu được.

Có người thương chị hai lắm, muốn hỏi cưới mà chị hai nói đợi khi nào em khôn ra thì chị mới yên tâm đi lấy chồng. Cuối cùng, cũng có một người thương chị nhiều đến nỗi chịu đón em về ở chung và lo cho em luôn.

Anh rể cho đi học nghề may, được hai tuần thì em chuyển qua học cắt tóc, tốn bao nhiêu tiền rồi cũng bỏ. La mắng thì em bịt tai lại, nói nhiều nữa thì em ra khỏi nhà luôn.

Có lần anh rể giáng cho em một cái tát ngay giữa quán bar. Lũ bạn cười nhạo có phải ba mày đâu mà có quyền bạt tai. Em hận. Em tìm cách trả thù. Em muốn anh rể phải mang nhục.

Em giả bộ hối hận khóc lóc hứa sẽ thay đổi. Em xin được uống một ly với anh lần này cũng là lần cuối cùng… Chị à, suốt đời em không quên khuôn mặt chị hai khi thấy em nằm trên giường với chồng của chị…

Hồi bị hốt về đây, ban giám đốc nói khai địa chỉ gia đình để họ gửi giấy báo về. Nhìn người ta có người nhà lui tới thăm nuôi, em cũng tủi lắm. Nhưng mà thôi, em làm khổ chị hai vô cùng tận rồi. Thêm cái giấy báo đóng dấu địa chỉ trại này, chắc chị chết mất.

Nhớ có lần ngày giỗ bà ngoại, chị ước được nói một câu “từ khi ngoại đi, chị em con vẫn sống tươm tất, ngoại đừng lo” mà chẳng biết tới khi nào chị mới nói được.  

Cô hít mũi rồi cố mỉm cười: bây giờ, em cố học thêu, mai mốt ra ngoài làm thợ thêu. Em không thích cái nghề tỉ mỉ này lắm đâu, nhưng mà em muốn nghe chị hai nói với bà ngoại câu đó. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI