Em ơi, về với chị...

26/07/2019 - 08:29

PNO - Phải 30 năm sau ngày hy sinh, cậu Sáu mới được tìm thấy. Ngày đưa hài cốt cậu Sáu về quy tập tại Nghĩa trang thành phố, có cả cô Sáu, tức chiến sĩ biệt động thành Võ Thị Sáu...

Ngày mai, 27/7, nhà bà Tư có giỗ, giỗ cậu Sáu, tức liệt sĩ Lê Văn Xê, hy sinh năm 1965 tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Phải 30 năm sau ngày hy sinh, cậu Sáu mới được tìm thấy. Ngày đưa hài cốt cậu Sáu về quy tập tại Nghĩa trang thành phố, có cả cô Sáu, tức chiến sĩ biệt động thành Võ Thị Sáu, cựu tù chính trị, người yêu của cậu Sáu ngày trước.

Là giao liên, cô Sáu dẫn người yêu vào rừng, chỉ kịp gửi lại lời hò hẹn. Càng biệt tăm cô Sáu càng chờ, chờ cho tới ngày đón được người yêu trở về. Cô mang theo nào lược, nào gương, cả mấy bộ đồ mà ngày trước cô biết anh rất thích mặc. Bà Tư nheo mắt nhìn cô em dâu, dù chưa kịp cúi lạy bàn thờ gia tiên, bà nghĩ thằng Sáu chắc vui lắm vì được dịp ăn diện, hồi nhỏ, nó thích nhứt là được mặc đồ đẹp đặng chụp hình…

Em oi,  ve voi chi...
Họ hy sinh ngay giữa thời bình, xác thân đã vùi vào biển cả, trong những ngày bão tố của thiên tai, địch họa

Hôm tôi ghé thăm nhà bà Tư, vừa qua khỏi bến phà An Phú Đông là bắt gặp mấy con đường xanh mát. Tiếng động cơ máy bay lên xuống cứ rào rạt qua từng khúc chuyện, tiếng bà Tư có lúc như khuất lẫn giữa hư thực, hồi trước cả nhà làm đám giỗ cho cậu Sáu nó theo ngày ghi trong giấy báo tử. Nhưng rồi em dâu thứ năm tui nằm mơ, thằng Sáu cứ về nói làm giỗ cho nó ngày 27/7 để đồng đội cùng được chung vui, ấm áp. 

Và hằng năm, cứ dịp tết, ngày 27/7, cô Sáu lại ghé qua nhà, thắp nhang lên bàn thờ người bạn đời, cô vẫn ở vậy cho đến giờ. 

Đêm xuống, trời bất ngờ đổ mưa lớn, một mình bà Tám (gọi theo thứ của chồng, tức bà Nguyễn Thị Điều, chiến sĩ của Đội quân Tóc Dài năm xưa) khoác cái áo tơi, đội nón lá chèo con thuyền độc mộc. Ai nấy đều lo lắng. Còn bà, cứ trầm tĩnh, khoan thai đẩy mái. Bà nói với tôi, có gì đâu con ơi, ngày xưa bà Tám cùng đồng đội lội khắp bưng biền. Chỉ có điều, đêm nay, tụi con làm Tám nhớ quá...

Tiếng bà cồn cào trong gió, nhớ cái đêm bà lẳng lặng dắt tay hai thằng em trai đi làm cách mạng,  không dặn dò gì nhưng tất cả đều hiểu, phải đi để đánh giặc trả thù cho cha. Cậu Bảy, nhập ngũ tháng 1/1964, cậu Tám, là em nhưng lanh lẹ hơn nên tháng 10/1962 đã trở thành bộ đội. 

Vậy mà, tháng 5/1968, cậu Bảy hy sinh, đến tháng 12/1968, cậu Tám cũng ngã xuống. Từ bấy đến nay, qua bao bận lần dò, tìm kiếm, hỏi han, bà vẫn chưa tìm được hài cốt của hai anh em. Nghe đâu tỉnh đội đã tìm đến nơi khu vực hai người hy sinh, đã quy tập về nghĩa trang tỉnh Bến Tre nhưng chưa thể xác định danh tính. Tám ơi, Bảy ơi, em ở đâu giữa hàng bia vô danh…

Tôi đã lên Dĩ An, khi hay tin quân đoàn IV vừa tìm được một nấm mồ tập thể nhưng không dễ dàng xác nhận được nhân thân. Tôi đã về Bình Mỹ, tận mắt nhìn những hài cốt vừa được khai quật sau mấy mươi năm. Nhìn qua bên kia Rạch Xẻo, có tiếng ai đó nói, vẫn còn nhiều đồng đội nằm ở dưới ấy lắm. 

Và một ngày, đứng giữa đảo chìm trong quần thể đảo Trường Sa, tôi đọc thấy những cái tên viết vội: Lâm Sơ Đệ, quê quán Tuy Hòa; Trần Kim Ánh, quê quán Nha Trang; Trương Văn Vĩ, quê quán Thủ Đức… họ hy sinh ngay giữa thời bình, xác thân đã vùi vào biển cả, trong những ngày bão tố của thiên tai, địch họa. 

Để thấy rằng, chỉ một ngày 27/7 thôi là chưa đủ, là không đủ bởi trong từng thớ đất, mạch nước, trong mỗi thời khắc của ngày lẫn đêm, vẫn còn đó, vẫn quanh đây những linh hồn, những xác thân còn lẫn trong cỏ cây hoang lạnh. Để hiểu rằng, đâu chỉ ngày 27/7, dân tộc này mới ghi nhớ đức hy sinh nên cũng đâu chỉ mỗi ngày này, người còn sống mới chắp tay nguyện cầu cho người đã chết… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI