Sống sao với “soái ca” mong manh?

Em ơi, anh sợ…!

21/09/2021 - 06:00

PNO - Không chỉ mang nỗi lo lắng, yếu đuối trước nguy cơ bệnh tật, mà có những ông chồng vô cùng mong manh trước những điều hết sức bình thường

“Chồng các mẹ đòi xét nghiệm COVID-19 bao nhiêu lần rồi?” - đây là nội dung trong một group trên Facebook về gia đình với gần 1.000 thành viên. Câu hỏi vừa đăng chưa đầy năm phút, đã có bảy chị bình luận: “Không đếm nổi luôn, cứ đau họng, ấm đầu một tí là ổng nghĩ mình bị COVID-19 và đòi xét nghiệm”. 

Hóa ra, đây là một chủ đề chạm đúng nỗi chất chứa bấy lâu của các bà vợ. Các chị tuôn ra bao câu chuyện về các ông chồng “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, nhưng lại cực kỳ… mong manh, dễ vỡ. 

Anh bị “cô Vy” ám

Chị Ngọc Châm kể: “Chồng tôi rất nhiều lần rên rỉ: “Anh hâm hấp, anh đau họng” và tôi nói: “Anh cảm đó, anh viêm họng đó, mấy triệu chứng đó phổ biến mà”. Tối qua anh ấy cho biết đã chuyển sang khó thở. Gương mặt đầy lo âu, chồng lấy khẩu trang mang vào để không lây nhiễm cho người thân.

Anh nói mà mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước: “Chắc anh dính rồi!”. Tôi trấn an: “Hơn một tháng nay vợ chồng mình cố thủ trong nhà, làm sao nhiễm bệnh được”. Nhưng chồng tôi vẫn lo.

Thế là anh ngồi đọc lại triệu chứng khi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và phổ cập cho tôi rằng “triệu chứng đầu tiên của COVID-19 sẽ là khó thở”. Tôi đành im lặng đồng cảm (vì càng phản bác, chồng sẽ càng tìm cách chứng minh đã mắc bệnh).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chồng tôi nghiên cứu các câu chuyện của bệnh nhân COVID-19 và thủ tục khai báo y tế, xin xét nghiệm các kiểu… Trong lúc đó, tôi lẳng lặng lục tung hết kho tàng kiến thức y học của mình xem còn bệnh gì phổ biến mà có triệu chứng khó thở. Cuối cùng, tôi nhớ ra và hỏi chồng: “Anh có nghẹt mũi không?”.

Chồng hít rất yếu, trả lời: “Không biết, anh thấy hụt hơi”. Tôi lôi chồng đi rửa mũi, rửa xong, anh… chìm vô giấc ngủ, sáng dậy thì thở đều, không bị COVID-19 nữa. 

Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhất là đợt dịch lần thứ tư này, nhiều chị đã nhận ra thêm một góc khác của người đầu ấp tay gối: đối diện với nghịch cảnh, các ông chồng lộ rõ sự mong manh, yếu đuối.

Chị Ngọc Xuân kể: “Người đàn ông mạnh mẽ của tôi thì sợ cái que chọc vô mũi các mẹ ạ! Lão trốn những lần phường kêu gọi xét nghiệm tự nguyện. Rồi cho đến lúc bị bắt buộc, lão đã vào vai người đàn ông ga lăng, cứ cầm cái ghế nhựa mà lui ra sau, nhường cho mấy chị em xét nghiệm trước.

Ai cũng tưởng lão ga lăng, tốt bụng, nhưng thật ra là lão sợ bị que chọc mũi. Và khi đi xét nghiệm về thì nghênh mặt với vợ: “Sợ chi đâu, tại khó chịu thôi, chứ sợ gì”. 

“Chích vô chắc anh chết”

Sợ dịch COVID-19 là thế, nhưng khi được kêu đi chích ngừa thì nhiều ông chồng còn hãi hơn vì sợ chết do tai biến. Chị Mỹ Tiên kể ông chồng là nhân viên hành chính của một bệnh viện lớn khi được tiêm vắc-xin thì nhất định “không” vì sợ chết.

Đến khi chị tấn công bằng thuyết phục, năn nỉ, mắng nhiếc thì ông chồng đồng ý đi chích nhưng ra điều kiện với vợ: “Anh đợi đợt chích trong buổi sáng, chích đầu tuần và ngủ lại bệnh viện để có gì được cứu”.

Chưa hết, trước ngày chích, chị Mỹ Tiên kể: “Chồng em sợ vì ông dượng làm ở bệnh viện U. chích ngừa về sốt, nằm li bì, không húp cháo nổi. Chồng nhắn tin cho sếp xin nghỉ chích, nhưng bị sếp la và suốt đêm ổng lo không ngủ được.

Còn ông dượng của em thì cứ rên “chắc chết quá, không chích mũi 2 đâu”. Nói vậy thôi, chứ chồng em và ông dượng cũng chích xong hai mũi vắc-xin, nhưng nói thiệt những ngày đó em và bà cô phải chăm hai ông như hai đứa con nít”. 

Còn chị Phạm Ngọc kể về ông chồng kỹ sư: “Chồng tui yếu đuối nhất khi sốt. Khi ấy anh là con người to mập nằm đắp chăn run bần bật, luôn nghĩ mình không cầm nổi cái gì, dù là đôi đũa, cái muỗng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chồng rên: “Anh mệt, anh không làm được gì luôn á, không giữ nổi con luôn á”. Tui thấy cái con người 45 ký trơ xương của tui thiệt sự rất trâu: làm việc nhiều hơn, ngủ ít hơn, ăn ít hơn mà lại khỏe hơn. Một bên chồng sốt, một bên con nhỏ bỏ ăn, tui phải thật sự mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn này!

Chưa nói vụ chồng tiêm vắc-xin về sốt vật vờ một đêm 390C, hành tui chăm sóc tơi bời. Vài ngày sau tới lượt tui tiêm, ổng đang hí hửng chờ bà vợ lên cơn sốt, ai dè tui khỏe re. Ổng thốt lên: Sao lạ vậy? Chắc họ tiêm nước cất cho vợ rồi”. 

Sợ từ con gián đến con… ma

Không chỉ mang nỗi lo lắng, yếu đuối trước nguy cơ bệnh tật, mà có những ông chồng vô cùng mong manh trước những điều hết sức bình thường.

Chị Xuân Phương kể ông chồng chị rắn không sợ, chuột không sợ, nhưng lại cực kỳ sợ gián. Cứ mỗi lần gặp con gián thì chồng chị chạy biến và hét gọi vợ: “Phương ơi, con gián. Nó bay được”.

Khi bị vợ chọc quê, chồng chị khẳng định: “Không phải anh sợ con gián đâu. Mà do nó cứ bay bay. Nó không có cánh là chết với anh rồi”. Chị kết luận: “Chồng em đã yếu đuối mà còn sĩ diện nữa các mẹ ạ”. 

Chị Diệu Hiền thì kêu trời với ông chồng sợ ma. Mỗi lần chị đi công tác là chồng và cả chị… khỏi ngủ. Vì anh gọi điện thoại “tám” với vợ cho đỡ sợ ma. Đến tận khi anh chìm vào giấc ngủ, chị Hiền mới buông điện thoại. Chị viết: “Tôi có cảm giác như mình đang dỗ dành con, trấn an đứa con thơ dại chứ không phải ông chồng 28 tuổi”.

Tuy nhiên, cũng nhờ sự yếu đuối này mà chồng chị không bao giờ dám chọc giận vợ, hay để vợ giận lâu. Vì “cấm vận”, bắt ngủ phòng riêng là đòn thù chí mạng với ông chồng sợ ma. 

Có những sự mong manh, yếu đuối của người bạn đời chỉ là sự bực tức nhất thời, gây khó chịu cho vợ trong giây lát rồi qua. Nhưng lại có những sự yếu đuối ẩn sau tính vô tâm, ích kỷ đã khiến cho hôn nhân lung lay.

Chị Khánh An cho biết, hiện vợ chồng chị chuẩn bị ra tòa ly hôn. Một trong những nguyên nhân mà chị “để bụng” 12 năm là sự yếu ớt không chấp nhận được của anh - như cách chị nói. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị kể: “Hồi mới yêu, tôi và anh đi dạo biển. Anh sợ cát dơ nên không tháo giày. Anh nắm tay tôi đi một đoạn ngắm hoàng hôn trong buổi chiều rất đẹp. Tôi đang mỉm cười âu yếm thì dưới chân một làn sóng xô tới. Anh đã buông tay tôi và chạy biến đi để né sóng, để mặc tôi ngơ ngác đứng giữa sóng biển và bị sóng đánh ướt sũng người. Ai hiểu nỗi lòng tôi không?”.

Trò chuyện sâu hơn, chị kể ngoài bỏ mặc chị giữa sóng biển thì anh đã nhiều lần bỏ chị chơi vơi khi chị nằm viện anh không vào chăm vì “anh sợ bệnh viện, mùi bệnh viện, anh sợ máu lắm”. 

Xưa giờ, khái niệm yếu đuối chỉ dành cho phái nữ và mặc nhiên cánh đàn ông được định danh, định tính là phái mạnh. Các ông cũng rất hài lòng với việc này và chị em trong suy nghĩ luôn cài đặt chế độ “đàn ông là phải mạnh, là chỗ dựa của chị em”.

Vì vậy, khi yêu, khi cưới về, các chị phát hiện có những lúc người bạn đời to cao, vạm vỡ lại sợ con gián, sợ ma, đi xe nôn ói, sợ bệnh… trong khi các chị mình hạc sương mai lại phải vào vai cường nhân, hóa giải, gánh vác nỗi sợ của chồng, nên đâm ra hụt hẫng. Mà thật ra, yếu đuối, sợ hãi gián, chuột… đâu phải là đặc quyền của phái nữ. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI