"Em nói, lòng anh mãi lắng nghe..."

12/09/2015 - 07:04

PNO - Giọng nói đẹp, âm sắc dịu dàng không phải là một hằng số bất biến, cái làm biến đổi sự dịu dàng ngọt ngào thành hàm chứa là nội dung lời nói.

Người Huế hay được khen là có giọng nói ngọt ngào, con gái Huế nổi tiếng dịu dàng không phải chỉ từ thần thái, mà còn từ giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng.

Nhưng người Huế cũng nổi tiếng... chanh chua. Nói vậy để thấy giọng nói đẹp, âm sắc dịu dàng không phải là một hằng số bất biến, cái làm biến đổi sự dịu dàng ngọt ngào thành hàm hồ hàm chứa là nội dung lời nói.

Ảnh: Shutterstock

Giọng nói đẹp hơn người

Nền công nghệ điện thoại di động trị giá vài chục tỷ đô la mỗi năm là một thực tế không thể chối cãi, rằng người ta thích nghe giọng nói của nhau, thích nói chuyện với nhau.

Trên cái nền sở thích căn bản và bền vững đó, hàng loạt những dịch vụ cộng thêm khác phát triển, từ chơi games đến lướt nét. Nếu cái điện thoại không khiến người ta trò chuyện được, chắc chắn những dịch vụ kia cũng không còn hấp dẫn.

Đối với con người, giọng nói của đồng loại có sức quyến rũ đặc biệt. Ngoài chuyển tải thông tin, giọng nói còn chuyển tải cả tình cảm, những đồng vọng bí ẩn của tâm hồn người nói, một cách vô thức được phản ánh thành âm thanh, khi trầm khàn, lúc lảnh lót, khi lạnh, lúc ấm.

Người ta có thể thay đổi cả giới tính, nhưng khó nhất vẫn là thay đổi giọng nói. Làm thế nào để tạo ra tính cách, tạo ra đặc điểm từng người từ những dây thanh quản vẫn là bí ẩn của tạo hóa, khoa học chưa thể can thiệp thành công.

Phụ nữ đẹp hay xấu nhìn biết ngay, nhưng phụ nữ quyến rũ hay không thì phải đợi nàng mở miệng nói. Nhiều thí sinh thi hoa hậu khi chỉ trả lời một câu hỏi thôi đã khiến người xem thất vọng não nề.

Nhưng cũng nhiều phụ nữ khiến người ta chăm chú nghe, khiến người ta say mê với dáng vẻ sinh động, duyên dáng lúc nàng cười hay nói chuyện. Đừng nghĩ giọng nói, lời nói chỉ được “nghe” mà không được “xem”. Giọng ấy hay lời ấy là sự sống động, là linh hồn, là nhan sắc đang đối thoại.

Kim Dung, bậc thầy kiếm hiệp, từng tả một mỹ nhân chỉ bằng một dòng vỏn vẹn “giọng nói đẹp hơn người”, mà khiến người đọc không quên. Xuân Diệu từng âu yếm “em ngồi ríu rít ở sau xe/ Em nói lòng anh mãi lắng nghe…”.

Tình yêu từ lời, từ giọng nói là một tình yêu khó lý giải, mang màu sắc cá nhân lẫn màu sắc văn hóa cộng đồng. Chẳng vậy mà người ta hay cố gắng đổi giọng cho hòa với nơi mình sinh sống, những cũng lại hay bồi hồi khi nghe giọng quê hương.

Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai. Hơn ai hết người đàn bà biết thế nào là một giọng nói đáng tin cậy, tình cảm, quyến rũ. Phụ nữ lại thường thích trò chuyện, nên cảm quan về giọng nói của phụ nữ càng tinh nhạy hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ cũng là những người “đổi giọng” nhanh hơn đàn ông, đổi giọng một cách vô thức, đổi một cách đầy thiệt hại, từ chỗ “em nói lòng anh mãi lắng nghe”, đến chỗ “sao tui nói hoài mà ông hổng nghe?!...”

Lời nói cho mình, lời nói cho người

Có lần nghệ sĩ Bạch Tuyết kể chuyện rằng trong thời gian học ở Anh, bà bị những cơn đau đầu không thuốc thang nào giảm được. Những cơn đau dai dẳng, khiến người trầm uất, mệt mỏi.

Đến một ngày không chịu nổi, bà leo tuốt lên mái của khu nhà thư viện trường đại học, và trên tầng thượng gió căm căm lạnh buốt của trời đất nước Anh đó, một mình, bà ngửa mặt lên trời ca một bài vọng cổ. Ca một mình, như chưa bao giờ được hát, tình cảm trào dâng mãnh liệt.

Hết bài vọng cổ, cơn đau đầu cũng biến mất. Bà nhận ra rằng chỉ vì lâu nay ở xứ người mình không được hát, không được nói tiếng Việt, không được ca một câu vọng cổ dài đuối hơi cho “đã”, cho thỏa lòng. Cơn đau chỉ là chiếc gương phản ánh những dồn nén cảm xúc đó.

Không ít khi trong đời mình cũng muốn leo tuốt lên tầng thượng, hoặc ra giữa bãi đất trống, mà hét lên những tiếng dài hoang dã, cho hả hết những gì chất chứa trong lòng. Đó là lời, là giọng cho riêng mình, không muốn, không cần đến ai chia sẻ.

Có được những lần cất tiếng thật mãnh liệt tận cùng đến vậy, để thấy, và để nhận ra trong đời thường mình có thể nhẹ nhàng hơn, cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói, để biết rằng việc giữ gìn lời ăn tiếng nói, cũng là một áp lực, chứ không phải chỉ là chuyện khuyên nhủ và thực hiện mà thôi.

Và để cân bằng, hãy cho phép mình được hét lên những khi cần, ở những nơi cần, như thế, có thể mình sẽ dễ kiên nhẫn, cẩn thận lời lẽ những khi còn lại!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI