Em muốn một khoảng trời riêng nhưng ba mẹ không đồng ý

23/02/2025 - 18:00

PNO - Hãy làm sao để ba mẹ hiểu rằng em ra riêng không phải để "tránh" ba mẹ mà đó là một bước để em phát triển bản thân.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Năm nay em 32 tuổi. Em làm việc ở một công ty truyền thông. Công việc buộc em phải đi sớm về khuya những khi công ty có sự kiện, dự án... Thế nhưng, ba mẹ rất không thông cảm với em, luôn nói con gái gì mà làm việc không có giờ giấc, rồi sau này lập gia đình thì sao...

Ba mẹ em rất sốt ruột chuyện lập gia đình của em vì thấy em đã qua tuổi 30 mà chưa có người yêu. Chuyện này luôn bị ba mẹ nhắc nhở, nói tới nói lui, trách móc, nhận xét. Em làm gì cũng bị nói là như thế này nên mới thế kia, hết sức mệt mỏi.

Em muốn thuê nhà ở riêng để được yên tĩnh làm việc, không bị cằn nhằn, muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn ăn gì thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, không bị nhắc nhở. Nói chung là em muốn ở riêng để được yên thân.

Vậy nhưng dù thấy em như cái gai trước mắt, muốn nhổ đi cho xong nhưng khi em nói muốn ra ở riêng thì ba mẹ không đồng ý. Ba mẹ nói con gái chưa có người yêu, chưa chồng mà ở riêng thì chỉ để sống buông thả, tự do.

Những lúc cãi nhau, mẹ còn dùng nhiều từ hết sức nặng nề để nói về việc con gái muốn ở riêng khi chưa có gia đình. Cuộc sống này hết sức ngột ngạt với em. Nhiều khi hết việc, em cũng ngồi quán cà phê chứ không muốn về nhà.

Em nên làm thế nào - cố gắng kiếm đại một ai đó làm chồng để ra khỏi nhà hay cố gắng chịu đựng cuộc sống này, bưng tai bịt mắt? Hay cứ nhất quyết làm theo ý của mình?

Kiều Ngân

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Kiều Ngân thân mến,

Ngay cả nếu như gia đình không có mâu thuẫn, bất hòa thì hiện nay, khi bắt đầu đi làm, tự lập về tài chính, các bạn trẻ đều muốn ra ở riêng. Điều đó không có gì là sai trái.

Ở riêng giúp người trẻ được học được cách sống tự lập, tự chủ, tự vượt qua những khó khăn và tự điều chỉnh được bản thân để trưởng thành. Nếu chứng minh được điều đó với cha mẹ, họ sẽ nhận được sự đồng ý của gia đình.

Nếu với các bạn trẻ, đây là một bước ngoặt lớn thì với các bậc cha mẹ, điều này cũng không dễ dàng gì. Họ lo con họ không tự chăm sóc được bản thân, không có chỗ dựa khi gặp khó khăn và nếu họ không sát sao để nhắc nhở thì con sẽ bị sa ngã.

Vậy nên em hãy thông cảm cho tâm trạng, nỗi lo lắng của ba mẹ khi em muốn ra riêng. Em chưa có gia đình, họ cũng lo. Họ lo vì thương, vì sợ em muộn chồng con sau này sẽ khổ, sẽ cô đơn, sẽ vất vả. Họ lo vì với cha mẹ, bất cứ điều gì tốt xấu của con cái cũng là trách nhiệm của họ... chứ không phải như em nghĩ, rằng "em là cái gai" trong mắt họ.

Tóm lại, việc em muốn ở riêng là điều đúng đắn nhưng phải làm sao để việc ra riêng ấy không gây những bất hòa lớn cho gia đình, không làm cho ba mẹ và con cái trở nên xa cách nhau.

Công việc bận rộn với giờ giấc thất thường là cớ rất tốt để em thuyết phục ba mẹ. Hãy thủ thỉ với mẹ về sự trưởng thành, thậm chí "già dặn" của em, về việc em có khả năng sống tự lập và sẽ sống tốt... để mẹ yên tâm.

Nếu có thể, khi tìm nơi để thuê trọ, em đưa mẹ cùng đi xem nhà, chứng minh cho mẹ thấy việc em sống ở đây sẽ tốt cho công việc, sức khỏe và đời sống riêng tư của em...

Hãy để ba mẹ hiểu rằng em ra riêng không phải để "tránh" ba mẹ, để sống tự do, vô kỷ luật... mà đó là một bước để em phát triển bản thân và vì thế em luôn cần sự ủng hộ của ba mẹ. Rằng dù ở riêng, em sẽ không để mất kết nối với gia đình, sẽ về ăn cơm vào cuối tuần và bất cứ khi nào rảnh rỗi, đi chơi, mua sắm, cà phê cùng mẹ... để chia sẻ với mẹ những thành công, vui vẻ, hạnh phúc hay khó khăn trong cuộc sống riêng.

Hãy giúp ba mẹ hiểu rằng việc ra riêng của em cũng chính là để ba mẹ có cơ hội tận hưởng cuộc sống của chính mình, dành thời gian cho nhau. Khi không còn vướng bận việc phải chăm sóc "một đứa trẻ" mà được hướng về những cuộc du lịch, những hoạt động xã hội tích cực..., cuộc sống ba mẹ cũng sẽ vui hơn.

Hãy từng bước nhẹ nhàng nhưng quyết liệt cho mẹ hiểu rằng em đã trưởng thành và muốn được sống cuộc sống độc lập, muốn chăm sóc và kết nối với cha mẹ như một người trưởng thành.

Mà biết đâu, trong quá trình trò chuyện, gần gũi, chia sẻ, sự cảm thông và thấu hiểu của em với ba mẹ sẽ tăng dần... đến mức em không còn cảm thấy muốn ra riêng, mà muốn ở nhà và chăm sóc ba mẹ nhiều hơn. Điều đó cũng không tệ chút nào, phải không em? Bởi lẽ với gia đình, điều quan trọng không phải là ở chung hay riêng mà là được yêu thương, gần gũi, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, tôn trọng và nâng đỡ nhau.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI