Em không muốn làm… chồng nữa

08/07/2020 - 09:50

PNO - Chị nói: "Bọn chị chẳng có khúc mắc gì cả. Anh không có người khác, chị cũng không. Nhưng chị cảm thấy hai vợ chồng mất kết nối hoàn toàn, không hợp để sống cùng nhau nữa”.

Anh và chị vốn là người có tiếng trong lĩnh vực truyền thông. Anh là thư ký tòa soạn bên này, chị là giám đốc nội dung bên kia. Ngoài ra, mỗi người còn có một công việc kinh doanh riêng để thỏa mãn đam mê. Một cô con gái nhỏ được sinh ra - điền vào chỗ trống giữa anh và chị - càng lớn càng xinh đẹp và ngoan ngoãn. Không biết bao nhiêu người phải ghen tỵ khi nhìn vào hình ảnh gia đình kiểu mẫu ấy.

Đùng một cái, chị nộp đơn ly hôn. Nguyên nhân lẽ thường nếu anh hoặc chị có người thứ ba thì chắc dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn. Nhưng chị bình thản kể: “Bọn chị chẳng có khúc mắc gì cả. Anh không có người khác, chị cũng không. Anh vẫn rất tốt, hiền lành và chẳng gây ra tội gì với mẹ con chị. Có vẻ như công việc của vợ chồng chị cũng đồng điệu. Nhưng chị cảm thấy hai vợ chồng mất kết nối hoàn toàn, không hợp để sống cùng nhau nữa”.

Quyết định ly hôn đột ngột với nhiều người, nhưng nó là mong ước âm ỉ trong chị từ lâu. Ảnh minh họa

Khi đề nghị chia tay với anh, chị chỉ nói: “Em không muốn làm chồng nữa. Mình dừng lại ở đây thôi!”. Nhưng anh không hiểu, anh níu kéo chị hết lời, đề nghị chị chỉ ly thân một thời gian rồi tính đến chuyện ly hôn, biết đâu anh có thể khiến chị yêu lại được anh. Chị vẫn một mực giữ nguyên quyết định của mình, mặc thiên hạ phán xét chị ích kỷ. Người thân, bạn bè nói chị quyết định như thể chị sống cho riêng mình vậy.

Chị chỉ cười mỉm và im lặng. Chị không muốn thanh minh nhiều, chị là người rõ nhất lòng mình muốn gì. Quyết định này có lẽ đột ngột với nhiều người, nhưng đã được nhen nhóm từ lâu trong chị. Chị không muốn tiếp tục cuộc sống vợ chồng mà mạnh ai nấy sống, mọi chuyện to bé trong nhà đều một mình chị quyết định, hỏi gì anh cũng “tùy em”, con cái học hành ra sao chồng không quan tâm. Anh đi công tác triền miên và số lần ở nhà không bằng người ta ở trọ.

Nhiều đêm một mình nằm khóc, áp lực từ công việc bủa vây, từ nỗi cô đơn xâm chiếm khiến chị thèm một vòng tay ôm chặt lấy rồi vỗ về: “Anh thương, có anh ở đây rồi!”. Nhưng rốt cuộc chị vẫn chỉ có một mình. Chị gồng quá nhiều để đến lúc biến mình thành con nhím xù lông, cáu gắt và bực bội với tất cả những người xung quanh. Chị trừng mắt với con, soi xét cấp dưới, cãi lại bố mẹ khi không vừa ý, và thậm chí chị còn chẳng bước ra bên ngoài để giao tiếp với ai. 

Chị nhìn vào bố mẹ anh, thấy cách mẹ anh toàn quyền kiểm soát mọi thứ, còn bố anh là một người nhu nhược, cả đời chỉ biết lầm lũi sống một cách tẻ nhạt, không khi nào lên tiếng. Chị nhìn lại mối quan hệ của vợ chồng mình, thấy nó cũng đang vận hành một cách y như thế mà không đành lòng.

Bao nhiêu lần chị nói muốn thay đổi, nhưng anh không chấp nhận. Anh vẫn thế, vẫn thấy rằng việc để vợ muốn làm gì thì làm là tốt, cần giúp gì thì nói, vợ chồng con cái mỗi năm sắp xếp đi du lịch với nhau được một hai chuyến, gặp nhau qua facetime là đã đủ lắm rồi. Chị không chịu được suy nghĩ và quan niệm về gia đình của anh. Tính chị trước nay vẫn thế, đã quyết là làm. Ly hôn là ly hôn.

“Em biết không, chị đưa ra quyết định sau khi dành một thời gian dài để sống với chính mình. Chị đọc sách rất nhiều, thiền, tập yoga, tham gia rất nhiều lớp học về kỹ năng sống, đi du lịch, lao vào làm điều mình thích… Trong khoảng thời gian ấy, chồng chị vẫn đứng yên. Dù anh không ngăn cấm chị, nhưng anh không hiểu những thứ chị muốn, liên tục dành ánh mắt khó hiểu cho những điều chị làm. Và chị nghĩ bọn chị mất kết nối hoàn toàn, có tiếp tục cũng chỉ khổ. Chị nhận ra mình khát khao tự do và được bung xõa”.

Câu chuyện ly hôn của anh chị vẫn là chủ đề được bàn tán rất nhiều, với không ít lời lẽ khiếm nhã dành cho chị. Người ta cho rằng, chị được voi đòi tiên, bảo chị sướng không biết hưởng, lại ích kỷ không chịu hy sinh mà giữ cho con gái một gia đình trọn vẹn… Nhưng nhìn ánh mắt rạng ngời, thần thái ngày càng bình yên và thu hút của chị, rồi nghe chị nói: “Cô giáo của Bông bảo với chị rằng không biết có chuyện gì mà dạo này Bông đi học vui vẻ và hạnh phúc hơn, chị mừng quá!”, tôi chợt thấy hiểu ra tất cả.

Đàn bà dù có tài giỏi, độc lập, có khả năng quán xuyến tốt đến thế nào, thì muôn đời họ vẫn muốn được làm đàn bà. Làm đàn bà là được quyền mềm mại yếu đuối, rũ người vào ai đó khi mỏi mệt, được chở che, yêu thương. Việc gồng lên mạnh mẽ, làm trụ cột cho gia đình mãi mãi là thiên chức của đàn ông. Chồng và vợ nếu tráo vai quá lâu cũng đến lúc cảm thấy mỏi mệt, không thay đổi được thì giới hạn cuối cùng cũng đến ngưỡng. Chia tay là điều tất yếu xảy ra.

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI