Hóa thành đuốc sống khi can ngăn em mình đốt lửa
Sáng ngày cuối tháng 3, em K.T. (14 tuổi, dân tộc Khơ Me, nhà ở huyện Trà Cú, Trà Vinh) đi mua viết về để chuẩn bị trưa đi học. Khi đi ngang qua nhà chú, T. thấy đứa em họ đang ngồi đốt chuột nên ghé vô xem.
Vì rơm bị ướt, đốt mãi không thể cháy được nên em họ của T. vào nhà lấy bình xăng dự trữ để mồi lửa. Thấy em mình lấy xăng đốt, T. chạy đến can ngăn nhưng chưa kịp kéo em lại thì đứa em đã chế xăng vào đống rơm gây phực lửa táp vào tay em họ.
Do lửa quá nóng, cậu em quăng bình xăng đi nhưng không may quăng trúng vào người T., T. chưa kịp phản ứng thì bị lửa bén vào người rồi hóa thành đuốc sống. Nhanh trí, T. chạy đến ao cá phía sau nhà chú để tự dập lửa.
Nghe tiếng kêu cứu của T., người thím chạy đến thì T. đã kiệt sức. Người nhà nhanh chóng đưa T. đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Vết thương quá nặng, ngay hôm sau T. được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM để tiếp tục điều trị.
|
Theo bác sĩ Trần Bích Thủy, T. phải điều trị ít nhất từ 2-3 tháng, nếu vết thương tiến triển tốt thì mới có thể xuất viện. |
Tại đây, các bác sĩ nhận định T. bị phỏng nặng với 31% diện tích cơ thể bị bỏng sâu độ 2-3, gần như toàn bộ phần lưng, tay, gáy, ngực đều bị phỏng. Khi đến bệnh viện, T. vẫn còn tỉnh, tiếp xúc được nhưng phần phỏng đã bị nhiễm trùng, phù nề, liên tục bị sốt cao, vận động rất hạn chế, phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch.
Trước khi bị phỏng, T. vốn đã thiếu dinh dưỡng, 14 tuổi mà em chỉ nặng 35 ký nên rất yếu khiến việc điều trị cho em rất khó khăn. Các bác sĩ phải truyền dịch, truyền kháng sinh,… và liên tục theo dõi biểu hiện bệnh của em để có những liệu pháp kịp thời.
Khi sức khỏe T. ổn định, em tiếp tục được bác sĩ phẫu thuật cắt lọc phần mô hoại tử. Hiện tại tuy T. đã qua cơn nguy kịch nhưng em vẫn còn phải “chiến đấu” lâu dài bao gồm những lần phẫu thuật tiếp theo và kiên trì tập vật lý trị liệu sau này.
Bác sĩ CKI Trần Bích Thủy, khoa Phỏng – Tạo hình của bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Ngoài 2 lần phẫu thuật vừa qua, T. còn phải phẫu thuật ít nhất 2 lần nữa để xử lý vết thương hoại tử. Hiện tại, các khớp xương của em vẫn còn hoạt động được, không bị dính. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể nói trước được vì với những tai nạn phỏng, nhất là phỏng xăng, phỏng điện thì di chứng sau này rất nặng nề”.
Theo bác sĩ Thủy, ngoài việc chấn thương tâm lý sau tai nạn, khi lành bệnh, T. vẫn có nhiều nguy cơ bị co rút sẹo, hạn chế chức năng vận động. Nhất là sự mặc cảm khi tiếp xúc với bạn bè và những người xung quanh.
Tuy nguy cơ về nhiễm trùng, suy hô hấp,… đã được khống chế, nếu bệnh tiến triển tốt, không có những phát sinh khác thì ít nhất từ 2-3 tháng nữa T. mới có thể xuất viện về nhà.
Mọi hy vọng đều cháy theo ngọn lửa
Từ Trà Vinh lên thành phố chăm sóc con, chị Kim Thị Sách (SN 1976, dân tộc Khơ Me, mẹ ruột T.) nắm chặt hai bàn tay mình, những ngón tay đan vào nhau cố kìm nén sự đau đớn. Giọng chị nghèn nghẹn, ngắt quãng, chốc chốc lại gượng cười khi không biết tìm đâu ra tiền để tiếp tục chạy chữa cho con trai của mình.
Cái xóm nghèo quê chị, ai cũng đầu tắt mặt tối làm thuê làm mướn sống qua ngày. Hôm T. bị phỏng, đang đi phụ quán cơm cho người ta, nghe tin con mà chị rụng rời tay chân, vét hết tiền dành dụm chỉ còn trên dưới 3 triệu đồng, chị nuốt nước mắt dự định… để con ở nhà.
Hàng xóm thương tình mỗi người góp 1 ít, chị chạy đi vay thêm được tổng cộng 6 triệu đồng, cùng em dâu mình đưa con đi thành phố.
|
Năm T. 3 tuổi, gia đình chị Sách được chính quyền địa phương tặng nhà tình thương, đang gom góp để sửa chữa lại nhà thì bây giờ T. lại gặp tai nạn, gia đình lại thiếu trước hụt sau. |
Chị Sách nói: “Ở quê tôi tuy ai cũng nghèo, nhưng sống tình cảm lắm. Từ khi T. bị tai nạn, họ hết cho tiền thì cho mượn, ai cũng đã vét túi để giúp đỡ gia đình tôi, nếu không thì con tôi đã không được lên tới bệnh viện của thành phố điều trị. Nếu không có họ, chắc hiện giờ T. đã nằm đau đớn ở nhà”.
Thời gian qua, số tiền điều trị cho T. đã vượt xa 6 triệu của người mẹ nghèo khổ này rất nhiều. Mấy ngày trước, chị vét hết túi còn hơn 300.000 đồng, đưa em dâu 120.000 đồng để về quê mượn thêm tiền.
Phần còn lại chị chi tiêu tần tiện, mỗi ngày mua một hộp cơm rồi chia làm ba phần cho ba bữa ăn. Phần còn lại chị bảo để dành mua sữa cho con có dinh dưỡng.
Chị Sách cố gắng kèm nén cảm xúc, nhưng nước mắt cứ chảy dài: “Em dâu về đến quê, nó điện thoại lên báo bên nội, bên ngoại, hàng xóm cũng hết tiền rồi. Họ kêu tôi ráng đợi tới tết Campuchia (thường ngày 13/4-15/4 Dương lịch-PV) họ đi làm, buôn bán được sẽ cho tôi mượn. Thôi thì ráng vài bữa nữa, sợ là sợ không có tiền trị bệnh cho con, chứ tôi thì nhịn vài ngày cũng không sao”.
Chị kể, năm T. được 3 tuổi, gia đình chị được tặng nhà tình thương nên không còn ngủ đầu đường xó chợ. Anh của T. chỉ được học đến biết đọc, biết viết rồi nghỉ để đi làm phụ giúp gia đình. Mỗi ngày, con trai lớn đi theo xe tải làm bốc vác, chồng đi làm phụ hồ, còn chị đi phụ quán cơm cũng được khoảng vài trăm ngàn.
Vì ai cũng thất học nên mọi hy vọng họ đều đặt ở T., khổ cực bao nhiêu các thành viên trong gia đình cũng cố gắng để T. đến trường. Biết ai cũng lo lắng cho mình, T. luôn ngoan ngoãn, 8 năm đi học em đều đạt kết quả tốt.
Biết hoàn cảnh của mình, những ngày cuối tuần, T. thường đi nhổ cỏ, quét rác, hay ai thuê gì em cũng làm để có tiền mua tập sách. Rảnh rỗi, em lại ra đồng bắt cá, săn chuột để cải thiện bữa cơm gia đình.
Tai nạn xảy ra, mọi hy vọng về T. đột ngột bị ngắt quãng, em phải nằm bất động trên giường bệnh cùng nỗi lo về chi phí đè nặng lên vai gia đình.
Mặc dù T. có bảo hiểm y tế nhưng số tiền viện phí còn lại vẫn là một sức ép rất lớn đối với người thân của em, đối với người mẹ đang ngày ngày phải nhịn ăn chắt chiu từng đồng bên ngoài cánh cửa phòng bệnh.
Mẹ con chị Kim Thị Sách đang rất khó khăn, mong rằng quý độc giả chung tay hỗ trợ mẹ con chị vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "Giúp mẹ con chị Kim Thị Sách".
Hoặc mọi người có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3, TP.HCM
|
Phạm An