Em đẹp em có quyền?

29/09/2017 - 09:51

PNO - Tuần này được xem là tuần “chiếm sóng” của ngành giáo dục khi ba câu nói bất hủ kiểu “em đẹp em có quyền” thốt ra từ miệng các nhà giáo dục.

Tuần này được xem là tuần “chiếm sóng” của ngành giáo dục khi ba câu nói bất hủ kiểu “em đẹp em có quyền” thốt ra từ miệng các nhà giáo dục.

Đó là lời một ông hiệu trưởng: “Chúng tôi không bắt buộc con chị phải học ở đây. Chị hoàn toàn có thể chuyển cho con sang môi trường khác”. Một bà đứng đầu hệ thống trường “xịn” ở thủ đô lớn tiếng: “Ai không nghe xin mời ra ngoài”, “Các vị phụ huynh có thể tìm trường khác cho con mình”. Tít trên cao nguyên, ông hiệu trưởng một trường cũng phát ngôn sóng gió: “Phụ huynh nào không đồng ý thì khỏi học. Chúng tôi có ép vào đây học đâu”.

Chủ nhật vừa rồi, đi họp phụ huynh cho con tại một trường điểm Q.Tân Bình, TP.HCM, tôi cũng nghe giáo viên chủ nhiệm kêu ca học sinh đầu vào lớp Sáu sức học quá yếu. Cô nói: “Tôi khuyên phụ huynh: nếu con không thể theo nổi chương trình thì rút lui sớm, để con học nơi vừa sức, lại không ảnh hưởng tới thành tích nhà trường”.

Phụ huynh chúng tôi nghe mà bất mãn. Nếu giáo viên chỉ chọn học sinh giỏi để dạy, cứ học sinh yếu “gạt ra cho nhanh”, thì nghề giáo quả là rất... khỏe nhẹ.

Có nhiều bạn bè làm trong ngành giáo dục nên tôi biết những nỗi lo toát mồ hôi khi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Trường không tên tuổi, ngành không “hot”, trường tư mới ra đời vất vả khâu chiêu sinh lắm. Họ nghĩ ra đủ cách thức, từ PR, phát tờ rơi, cho các đoàn nhân viên đi tỉnh quảng bá, chiêu dụ hay thuê những người nổi tiếng nói lời hay ý đẹp, thuê các mẹ bỉm sữa ngợi ca, giới thiệu trên các diễn đàn... Tiền đổ cho việc này không biết bao nhiêu mà kể.

Tất nhiên đó là khi “lần không ra”, người ta cư xử với từng phụ huynh, từng học sinh rất tốt đẹp, trân quý. Còn sau này, vào thời kỳ “ăn không hết”, tức trường đã có tên tuổi, học sinh đông, thì thái độ của trường cũng “trở mặt”.  Xưa rồi cái cảnh một phụ huynh góp ý thì giáo viên, thậm chí ban giám hiệu ngồi lại giải thích, rồi khắc phục thiếu sót. Bây giờ, vì “em đẹp” nên em nói mà phụ huynh không hiểu thì em chẳng dài dòng, cứ tuyên bố “không thích thì khỏi học”, thế là xong!

Chuyện xã hội hóa giáo dục đã diễn ra nhiều năm, nhưng phụ huynh và xã hội vẫn chưa thể quen với việc các nhà trường - doanh nghiệp kinh doanh kiểu “lợi nhuận trên hết”. Bởi giáo dục là một ngành đặc thù, khi đào tạo, xây dựng con người chứ không phải  một thứ hàng hóa, chẳng phải khi mở trường, những người đứng đầu  luôn ra rả “vì mục tiêu đào tạo những con người tinh hoa, tốt đẹp cho xã hội” đó sao?

Bây giờ, trên mạng xã hội, người ta chép  miệng: Sao trường A phủi tay nhanh quá, chẳng phải để có ngày hôm nay, chính nhờ các phụ huynh ra sức quảng bá cho trường đó sao? Và các trường có quá ảo tưởng rằng bớt đi một vài học sinh thì không ảnh hưởng gì tới sự hùng mạnh?  Trường quên rằng, uy tín đã mất đi, liệu có cha mẹ còn tin tưởng gửi con em vào học tập? Rủi một ngày, phụ huynh chán ngán bỏ đi hết, trường quay lại thời “lần không ra” thì tính sao đây?

Thái Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI