Năm 2008, chị P.T.H.N. lập gia đình và sinh sống ở Đồng Nai, hai vợ chồng chị quyết định sinh con ngay khi mới cưới, vậy mà theo thời gian hy vọng ấy cứ vơi dần, vơi dần. Quá mong mỏi, năm 2014, anh chị lấy hết can đảm, đến các bệnh viện khám để biết nguyên nhân. Chị có u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng 2 bên. U lớn, nội mạc trong cơ tử cung, ứ dịch nặng 2 ống dẫn trứng. Bác sĩ nói anh chị cần thụ tinh trong ống nghiệm mới có hy vọng có con.
|
Bé gái với 2 người mẹ của mình - Ảnh: BVCC |
“Hai vợ chồng tôi buồn lắm nhưng vẫn động viên nhau quyết định bắt đầu hành trình tìm con. Tôi đến Bệnh viện Hùng Vương thăm khám, phẫu thuật nội soi cắt bỏ ống dẫn trứng và u nang 2 buồng trứng. Biết ở bên ngoài, chồng đứng ngồi không yên, tôi thương lắm, càng quyết tâm nén chịu cơn đau sau mổ để anh cảm thấy yên lòng và thầm nhủ mình sẽ làm mọi cách để tặng cho anh một đứa con”, chị N. nhớ lại.
Năm 2015, lần đầu tiên chị N. thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh viện báo chỉ được một lần chuyển phôi do số phôi tạo được rất ít. Buồn thay, may mắn chưa mỉm cười với chị vào lần chuyển phôi ấy. Thất bại, chị bấm bụng thực hiện chọc hút trứng lần thứ 2, rồi lần 3 trong cùng năm 2016. Dường như những mũi kim tiêm kích thích buồng trứng ấy vẫn không thể làm mòn đi quyết tâm có thai của chị. Sau 2 lần chuyển phôi liên tiếp thất bại, lần thứ 3 chị đã thành công.
“Ngày xét nghiệm máu sau chuyển phôi, vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết, chúng tôi cứ nghĩ sẽ có một em bé kháu khỉnh sau 10 tháng, tìm đặt tên cho con. Dự tính nếu con trai sẽ mua thật nhiều ô tô đồ chơi, nếu gái sẽ mua thật nhiều váy áo,… Vậy mà, 2 tháng tôi bị sảy thai. Sau lần đó, bác sĩ khuyên tôi nên chọn lựa giải pháp mang thai hộ”, chị N. nói.
|
Sau 13 năm mong mỏi, chị N. đã tìm được con của mình - Ảnh: BVCC |
Thấy chị N. quá khát khao, bác sĩ khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương quyết tâm cùng chị “tìm con”. Em dâu của chị N. đồng ý mang thai hộ. Ngày chuyển phôi của chị N. vào tử cung em dâu, anh chị bên ngoài chắp tay cầu nguyện, lo lắng không yên bởi chỉ có một cơ hội duy nhất, với 1 phôi còn lại từ lần thụ tinh trong ống nghiệm trước. Ê-kíp bác sĩ luôn động viên anh chị, nhưng cũng hồi hộp không kém, ai cũng tập trung cao độ cho đợt chuyển phôi này.
Cả ê-kíp bác sĩ và vợ chồng chị N. vỡ òa hạnh phúc khi kết quả xét nghiệm cho thấy, cái phôi bé bỏng ấy đã thụ thai trong tử cung của em dâu chị. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui, em bé dần có phôi thai, tim thai, bắt đầu lớn dần, cử động trong tử cung người mẹ mang thai hộ. Theo dõi sự phát triển từng ngày của con, anh chị cứ ngỡ như mình đang mơ.
Có đôi khi những khó khăn xuất hiện trong thai kỳ như người mẹ mang thai hộ bị đái tháo đường thai kỳ, rồi huyết áp cao phải nhập viện điều trị trong những tháng cuối thai kỳ khiến anh chị thấp thỏm. Thời gian mang thai em bé lại rơi đúng vào đợt dịch COVID-19 đang hoành hành, việc khó khăn khi đi lại giữa hai tỉnh thành để thăm khám và đảm bảo an toàn phòng chống dịch nghiêm ngặt, vẫn không thể nào dập tắt được ngọn lửa hồng ấm áp đang sưởi ấm trái tim vui vì sắp được đón nhận sinh linh bé bỏng của anh chị.
Và chắc chắn một điều rằng, dẫu có thêm bao khó khăn đi nữa thì anh chị vẫn sẽ luôn sát cánh cùng nhau vượt qua mọi thứ để đón “niềm vui” mà anh chị đã hằng mơ ước trong 13 năm qua.
|
Bác sĩ Diễm Tuyết chúc mừng chị N. - Ảnh: BVCC |
Sáng ngày 9/7, anh chị hạnh phúc rơi nước mắt, đón nhận tin vui, em bé đã chào đời là một bé gái xinh xắn từ các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, chị N. xúc động đến mức giọng nói run lên không thành lời trong điện thoại, vì vẫn chưa thể tin rằng mình đã có con.
Hôm nay, chị đón con mình, ẵm con gái trên tay, nghe tiếng khóc của bé, chị trào nước mắt “tôi không có mơ, tôi có con rồi”, Ban giám đốc và các thành viên khoa Hiếm muộn của bệnh viện nghẹn ngào hạnh phúc nhìn người mẹ nâng niu con mình.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ: “Đây là trường hợp mang thai hộ thành công đầu tiên tại bệnh viện Hùng Vương, sau khi chính thức được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Với những nỗ lực ở cả phía cặp vợ chồng hiếm muộn, người được nhờ mang thai hộ và đội ngũ y bác sĩ của khoa Hiếm muộn, chúng tôi đã thực hiện thành công kỹ thuật này và đặc biệt là đã mang đến niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ mà họ đã mong đợi từ rất nhiều năm. Đây là bước khởi đầu để chúng tôi có thể tiếp tục chương trình mang thai hộ và sẽ đem lại nhiều hạnh phúc hơn nữa cho các căp vợ chồng hiếm muộn nói chung và những cặp vợ chồng hiếm muộn có chỉ định mang thai hộ nói riêng”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vẫn còn có những cặp vợ chồng đang âm thầm đối mặt với khó khăn chung về dịch bệnh, cùng nỗi khát khao đi tìm con của mình. Vợ chồng chị N. không từ bỏ và rồi hạnh phúc được tìm thấy. Đó là những mầm sống cố gắng len lỏi vượt lên khó khăn để lan tỏa sức mạnh diệu kỳ phần nào mang đến niềm vui, động lực đẩy lùi dịch bệnh.
Phạm An