Con dâu đi đẻ, cả nhà rối loạn
Mới đây, trên facebook của Hồ Julie ở TP.HCM đăng câu chuyện mâu thuẫn gia đình khó xử mà cô được chứng kiến.
Theo Hồ Julie, buổi sáng khi cô đang cho con trai chuẩn bị đi học thì nghe thấy nhà đối diện cãi nhau um lên. Nhà hàng xóm đó có 2 con dâu sống cùng bố mẹ chồng. Người chị dâu cả mang thai gần sinh. Còn em dâu mang thai được 4 tháng.
Tối qua chị dâu bắt đầu trở dạ. Và cũng từ đây, mâu thuẫn gia đình nảy sinh.
Hồ Julie kể: “Tối qua 23 giờ, chị dâu đau bụng, đến 2 giờ sáng chị dâu sinh. Vì thế sáng nay mẹ chồng bảo em dâu phải vào viện chăm chị dâu vì bà bị huyết áp và thấp khớp nên không ở lại bệnh viện lâu được.
Câu chuyện éo le được Hồ Julie kể lại.
|
Theo họ cho biết, nhà bố mẹ của chị dâu ở xa không ai đến được, nhờ nhờ nội lo. Ông xã của chị dâu làm bảo vệ, chủ cửa hàng không cho nghỉ. Thế nên, mẹ chồng bảo em dâu phải chăm chị dâu đẻ mổ 5 ngày tại viện”.
Tuy nhiên, trái với mong đợi của mẹ chồng, người em dâu không chịu vào viện chăm chị dâu với lý do là đang mang bầu tháng thứ 4, không chịu được mùi bệnh viện.
Chồng thấy vợ đang bầu bí, cũng không đồng ý cho vợ vào viện chăm chị dâu đẻ. Mẹ chồng mắng con trai chỉ biết đội vợ lên đầu. Rồi bà nói con dâu nhỏ vô tâm không biết chia sẻ việc nhà chồng…
“Thấy không ai chịu vào viện chăm con dâu lớn nên ông bố chồng quát: “Thế giờ để ông già này vào chăm gái đẻ à, im hết đi”. Cô em dâu nghe vậy gom đồ về nhà mẹ đẻ. Trước khi đi cô còn la lên: “Thế gian này chưa thấy nhà ai bắt em dâu bầu bí đi chăm chị dâu đẻ. Đúng là vô hậu. Vậy theo các mẹ, em dâu đúng hay sai?”.
Dân mạng tranh cãi om sòm
Trước câu chuyện mâu thuẫn của gia đình trên, dân mạng cũng tranh luận rôm rả. Các bình luận chia làm 4 quan điểm. 1 bênh em dâu. 1 chê em dâu ích kỷ hỗn láo. Một số trường hợp trách mẹ chồng và chồng của chị dâu. Ngoài ra là nhiều ý kiến cho rằng nên tính việc thuê người để vẹn tròn cả 3 bên.
.
|
Thùy Dương nhận định: “Em dâu đang mang bầu nên kiêng thăm gái đẻ mà. Nhà bác mình chị dâu em chồng đều mang bầu. Chị dâu đẻ trước, ở trong cùng 1 nhà còn phải tránh nhau ý”.
Trần Oanh cũng đồng tình: “Bầu bí vào viện dễ bị lây nhiễm bệnh cho thai nhi. Biết vợ sắp đẻ, chồng phải xin nghỉ việc chứ. Sắp xếp như thế này chả cãi nhau”
Oanh Oanh cũng cho rằng: “Ai chửi em dâu mình cũng đến lạy. Thưa với các mẹ chăm dâu đẻ là nhiệm vụ của mẹ chồng. Tử tế thì em dâu vào chăm 1,2 hôm chứ hà cớ gì bắt em dâu bầu bì vào chăm chị dâu. Không hiểu sao lại có mẹ chồng đùn đẩy trách nhiệm. Vào viện chăm bà đẻ đi lại nhiều chẳng may sảy thai lúc đấy kêu ai. Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, chê người khác lười là sao?”.
“Chăm đẻ khổ cực lắm bầu sao chịu nổi, 2 bên nội ngoại hết người rồi hay sao mà đùn đẩy cho bà bầu?! Chị em dâu nói thật cũng là người dưng thôi làm sao mà lại bắt chăm nhau. Chị em ruột có khi còn khó nữa là chị em dâu”, Võ Ngọc Tú nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều dân mạng lại lên án kịch liệt cô em dâu không biết cách ứng xử, sống quá ích kỷ và lười biếng, suy tính thiệt hơn.
Phạm Thêm Hồng nhận xét: “Thật ra mà nói cùng cảnh làm dâu. Mà mới mang bầu có 4 tháng đi lại vẫn bình thường chứ có phải 9 tháng đâu mà không vào chăm được. Mà em dâu đi chăm chị dâu mới tình cảm. Có đi có lại, sau em dâu đẻ chị dâu lại chăm lại. Sống sao cứ phải ích kỷ như vậy nhỉ?”.
Kẻ chê trách em dâu ích kỷ, lười biếng
|
Quỳnh Anh cũng đồng tình em dâu như vậy là sai: "Là mình thì cứ vào chăm đã, chưa chắc mẹ chồng đã bắt mình chăm mãi đâu. Với lại, mai sau mình cũng đẻ. Nói chung là chỉ sợ người ta không khiến làm thôi. Còn mình vất vả chút không sao hết”.
Gay gắt hơn, Ngọc Mai cũng cho rằng, nếu có loại con dâu như cô em dâu nói trên thì cho về ngay nhà bà ngoại đi. Bầu có 4 tháng đi lại vẫn nhanh nhẹn vào chăm chị dâu có sao đâu. Em dâu quá lười biếng.
Theo nhiều dân mạng khác, trường hợp nhà neo người thì chị em dâu chăm sóc nhau là chuyện bình thường. Còn trong trường hợp nhà chồng nói trên, thì chồng chị dâu nên thu xếp nghỉ làm để mà chăm vợ đẻ. Nếu chủ cửa hàng không cho nghỉ thì người chồng cũng nên tự nghỉ.
Nguyễn Bích Ngọc bình luận: “Chồng của người chị dâu là tệ nhất. Bởi vợ đẻ thì chồng phải lo sắp xếp từ trước. Bà đẻ cũng rất cần chồng bên cạnh. Nếu mẹ chồng chịu khó đến chăm con dâu và cháu thì hay hơn vì bà có kinh nghiệm nuôi con, biết chăm ẵm cháu. Chứ cô em dâu đang bầu vào bệnh viện không tốt chút nào. Hơn nữa, bầu cũng mệt rồi. Đi đi lại lại trượt chân sảy phát nhìn nhau cười à. Hay cháu ra trước đè lên cháu ra sau?”.
Lan Hương Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm: “Tốt nhất là 2 bên nội ngoại của chị dâu nên góp tiền lại thuê người. Rồi người nhà thay phiên nhau vào viện để bà đẻ đỡ tủi thân.”.
Hiện câu chuyện gia đình khó xử trên vẫn "om sòm" trên facebook trong những ngày sau tết.
Đỗ Hà