Em đã không đơn độc

22/04/2024 - 05:57

PNO - Trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm gần đây, việc nạn nhân của các vụ quấy rối tình dục (QRTD) lên tiếng tố cáo không phải chưa từng xảy ra. Sự kiện vừa qua đáng chú ý ở một góc nhìn khác: cơn bão dư luận, sự quan tâm của cộng đồng đã thúc đẩy doanh nghiệp phải nhanh chóng ra quyết định dừng công việc đối với một lãnh đạo cấp cao.

Một tệ nạn bị phơi bày là chuyện không vui vẻ, tích cực gì, nhưng với vụ việc này, sự tích cực thể hiện ở chỗ, nó đánh dấu một điểm mốc mới trong thái độ của xã hội. Phản ứng với hành vi này đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Người chọn đứng về phía nạn nhân đã tuyên bố thẳng: “Tôi không cần thêm chứng cớ, tôi không truy hỏi nạn nhân để tìm thêm chứng cớ”.

Thái độ của nhà văn này cũng là thái độ của nhiều người. Điều họ làm là tạm ngưng cộng tác với doanh nghiệp cho tới khi mọi chuyện được phân định rõ ràng. Cho tới lúc này, sự riêng tư của nạn nhân vẫn đang được tôn trọng và sự im lặng của chị được cộng đồng chấp nhận. Nạn nhân không đơn độc.

Nói một cách khái quát hơn, xã hội đã không còn phản ứng vì một cá nhân cụ thể, những chi tiết nhạy cảm, câu khách cụ thể. Xã hội đã phản ứng vì một quan niệm rằng, hành vi QRTD là không thể chấp nhận được. Xảy ra với ai, ở đâu, như thế nào không quan trọng mà quan trọng là không thể chấp nhận được hành vi đó, cá nhân đó.

Từng có những vụ việc bị lôi ra ánh sáng nhưng rồi chìm xuồng chỉ với lời xin lỗi qua loa, ngụy biện. Và rồi, kẻ QRTD vẫn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực giải trí, trong khi nạn nhân có thể đã phải đơn độc chịu đựng những tổn thương cho tới hết cuộc đời mình.

Bối cảnh văn hóa đã khiến nạn nhân của QRTD phải chọn im lặng, cất giữ nỗi đau như một bí mật. QRTD như một núi băng trôi, trong đó phần chìm của núi băng là vô vàn nạn nhân im lặng trong sự cô độc, sợ hãi của mình.

Theo một khảo sát do Cơ quan của Liên hiệp quốc Vì bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện ở 3 trường đại học của Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 6/2022, có 90% nạn nhân QRTD không thể tìm đến trợ giúp pháp lý.Không phải vì chúng ta không có hệ thống trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, mà vì những tác dụng phụ của dư luận xã hội cùng với những kết quả cho quá trình theo đuổi công lý chưa đủ sức thuyết phục. Rất khó để chứng minh hành vi hay khởi tố những kẻ quấy rối. Để có được chứng cứ pháp lý có thể buộc tội “yêu râu xanh”, nạn nhân có khi đã kiệt sức, chưa nói đến việc họ có thể phải chịu thêm tổn thương. Có thể nói, sau nỗi đau bị QRTD, nỗi đau đơn độc đã giết chết hy vọng của nhiều nạn nhân.

Nhưng hôm nay, chúng ta đang có một nạn nhân không đơn độc. Một cô gái đã phần nào được trả lại sự công bằng khi kẻ bị phản ánh có hành vi QRTD đã bị cộng đồng lên án, tẩy chay, mất chức, mất việc. Đây trước hết là một quyết định mang tính đạo đức xã hội. Và quyết định mang tính thái độ này trở thành một làn sóng thực sự, tác động thẳng đến hệ thống của tổ chức, trở thành một quyết định hành chính, một kết quả đi trước những cân đo đong đếm mang tính pháp lý khác.

Nó cho thấy, nhận thức của xã hội đã đi đến một mức độ trưởng thành đáng kể. Và lời xin lỗi không phải là lá bùa để đạp lên tất cả những quy tắc, những hành xử của con người. Nó cũng cho thấy sự tôn trọng của cộng đồng dành cho nạn nhân QRTD. Cuối cùng, nó là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc: không ai được nghĩ mình là bất khả xâm phạm khi chà đạp lên phẩm giá, quyền tự chủ của người khác, dù đó là kẻ yếu thế hơn mình.

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI