Chị kể với bạn được vài câu thì nghẹn lời. Nước mắt cứ thi nhau rơi ra, không sao kiềm nén được. Chị phụ nữ vẫn đi đông đi tây, dọc ngang lo việc, luôn tỏ ra độc lập và mạnh mẽ dường như đã biến mất. Chỉ thấy một người đàn bà đang tức tưởi buông câu đầy đau đớn rằng, cuối cùng thì ngay cả cuộc đời của mình, mình cũng không thể tự làm chủ được…
Sai lầm có lẽ bắt đầu từ việc chị đồng ý nhận đứa em trai của chồng vào làm việc cho hệ thống cửa hàng vừa khai trương. Học hành làng nhàng, 32 tuổi mà vẫn còn lông bông qua nhiều công việc tạm bợ, vậy mà đã kịp có hai đời vợ với hai đứa con khác mẹ…
Chẳng phải thành kiến gì, nhưng thâm tâm chị vẫn thấy không thoải mái khi bất đắc dĩ phải có một “nhân viên” như thế. “Đưa vào làm thì dễ, chứ cho nghỉ việc thì không đơn giản đâu”. Bạn chị cảnh báo, và chị cũng đủ từng trải để tự hiểu điều ấy. Nhưng biết sao được, khi chồng, má chồng và cả một dây dợ chú thím cô dì của gia đình chồng đã hùa vào một câu đương nhiên khi thấy chị sắp mở cửa hàng: "Vậy là thằng Bin sắp được làm quản lý ở đó rồi, sướng nhé!".
Quả là Bin rất ra dáng quản lý. Hôm khai trương, Bin ngồi chễm chệ ngay tại quầy thu ngân, đường bệ bắt tay khách khứa. Nhân viên kinh doanh lẫn văn phòng ở đây, Bin muốn quát ai là quát, chẳng e dè gì. Hễ có họp hành tiệc tùng là Bin chọn cho mình vị trí VIP nhất, không hề kiêng nể ai. Ngay cả chị, Bin cũng chẳng tỏ nhiều thái độ kính trọng, dù lương Bin lãnh là do chị trả. Việc Bin là là do chị tạo cho.
Nhưng đấy vẫn chưa phải tất cả vấn đề…
Tom góp nhiều năm đi làm cật lực, chị mới có thể tạo dựng chút sự nghiệp riêng như thế. Nhà chị chỉ có hai chị em gái, nên chị năn nỉ bé Thi nghỉ việc bên ngoài để phụ chị trông coi. Thương chị một mình không có ai tâm phúc tin cậy, Thi mới về, chứ con bé vẫn đang đi làm rất ổn ở một công ty nhà nước. Dù thâm tâm chị cũng nhiều lo lắng bất an khi em vợ em chồng cùng làm chung một nơi. Nhưng chị tin vào sự khéo léo và biết chuyện của em gái mình.
Vậy mà, ngay từ những ngày đầu cả hai đứa em đã xảy ra xung đột. Tất cả cũng do cái tính “ông chủ” của em chồng chị. Đã vài lần, chị được đám nhân viên thẳng thừng góp ý về sự quá quắt của “quản lý”, họ sẵn sàng nghỉ việc vì không phục. Chị có nhẹ nhàng hay gay gắt chấn chỉnh lại thì đều gặp sự phản kháng của chồng.
Chồng chị không có mặt ở cửa hàng, chẳng liên quan gì nhưng vẫn luôn được Bin “cập nhật” thường xuyên, kiểu như bị hà hiếp hay bất công này nọ. Kèm theo đó là các lời méc mỏ, đòi hỏi, yêu sách. Chị rối tung với cảnh em anh, em tôi, và chúng ta…
|
Chị đau đầu với thái độ của chồng và nhà chồng |
Điều khiến chị ngột ngạt nhất, chính là thái độ của chồng và những người trong gia đình ấy. Tuy thừa biết đó là cơ ngơi vất vả của chị, nhưng họ mặc nhiên coi đó là “của chồng công vợ”, thậm chí chồng chị phải có tiếng nói hơn hẳn trong đó. Không quá bất ngờ, nhưng chị nhiều lần bị can thiệp quá mức bằng những chỉ đạo từ chồng: Sao em vẫn chưa tăng lương cho thằng Bin. Cuối tuần này em đưa xe công ty cho thằng Bin nó chở vợ con đi du lịch mấy bữa. Nghe nói con Thi nhà em lại kiếm chuyện với thằng Bin à, đàn bà con gái gì mà đành hanh kiểu ấy? Nó tưởng nó là ai vậy, dựa vào cái gì mà lớn lối?
Chị mệt mỏi. Chị bất lực. Chị như kẻ đi nhầm đường mà đành cắn răng bước tiếp, không thể sửa chữa hay lui lại. Sống chung trong đại gia đình nhà chồng, chứng kiến chồng thường xuyên thất nghiệp, với lý do bỏ việc là “không xứng tầm”, chị đã quá ngao ngán. Chị loay hoay với câu hỏi, là đàn bà cuối cùng phải nai lưng ra lo kinh tế trong nhà, để chồng rong chơi, sao vô lý thế. Ngay cả khi em chồng đám cưới lần nữa, chồng cũng thản nhiên ngửa tay yêu cầu chị trợ giúp. Tiền chi tiêu trong nhà cũng do chị đóng góp hàng tháng. Chồng chỉ thích nhàn hạ, lang thang chụp ảnh và giao du bạn bè, ỷ y vào vợ.
Trời thương, chị gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp, nên cũng thoải mái vung tiền để mua lấy sự yên thân cho mình. Tới hôm qua, chị em ngồi tâm sự, Thi bỗng chị kể về những vướng mắc trong công việc, kèm theo những bức xức của nó, rồi bật khóc vì hờn tủi. Tất cả đều xoay quanh Bin, người đàn ông tự cho mình cái quyền “em của ông chủ”.
Là đứa con gái ít khi bộc lộ cảm xúc, nên chị biết, đó đã là chịu đựng cuối cùng của em mình rồi. Chị cúi đầu, chẳng biết phải an ủi em mình ra sao, càng không dám buông lời hứa hẹn sẽ xử lý đâu ra đó. Vì chị không phải mẫu người có thể nói những điều mà thâm tâm chị biết mình chẳng làm được.
Chị hiểu, có về nhà làm ầm ĩ lên một lần, thì rồi cũng đâu vào đấy, chỉ khiến cho cuộc sống thêm căng thẳng nặng nề hơn, chứ không thể giải quyết rốt ráo được gì. Cốt lõi của mọi chuyện là thái độ sống, là quan niệm “tận hưởng mọi thứ bất kể của ai”. Là kiểu đùm túm bầy đàn chỉ thích tận dụng mồ hôi nước mắt của người khác, bất chấp họ cảm thấy như thế nào.
Chị chán nản cùng cực. Ý định ly dị đã từng manh nha vài lần trong đầu bỗng quay trở lại. Mình vì cái gì kia chứ! Khi hôn nhân vốn dĩ đã không hạnh phúc, mà còn phải nuôi báo cô cả chồng lẫn em chồng, chu cấp tiền bạc lẫn công ăn việc làm, mà vẫn không được ghi nhận hay tôn trọng thế này…
|
Giá như gia đình anh đừng xen vào cuộc sống của hai vợ chồng... |
Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng... Chị nói như mỉa mai cùng cô bạn thân. Rằng mình đâu kỳ vọng chồng phải làm ra tiền hay thành ông nọ ông kia. Chỉ cần anh ấy biết cư xử, đừng để người trong gia đình anh lấn lướt vào cuộc sống riêng của hai vợ chồng, là mình mừng lắm rồi. Mình loay hoay vất vả, cố gắng nỗ lực các kiểu, rồi bây giờ nhìn lại, ngay cả đứa em duy nhất, mình cũng không thể bảo vệ che chở cho nó, để nó phải ấm ức buồn phiền. Thật đáng thất vọng về bản thân không cơ chứ…
Bằng Lăng