Em chồng nhất quyết không chịu gọi tôi bằng chị

12/02/2022 - 19:51

PNO - Điều quan trọng hơn hết trong gia đình là tình thân với nhau, và điều đó phải được gầy dựng từ từ, kiên nhẫn, theo thời gian

Chị Hạnh Dung thân mến,

Năm nay tôi 35 tuổi. Sắp tới tôi kết hôn với một người lớn hơn tôi 10 tuổi. Anh có hai đứa em gái nhỏ hơn anh ba và năm tuổi. Nghĩa là họ lớn hơn tôi. 

Mối quan hệ của tôi với các cô em anh thì cũng bình thường. Vì chúng tôi không ở chung nhà, chỉ gặp nhau vào những dịp giỗ Tết, hay đi thăm nhau nếu muốn.

Tuy nhiên, có một điều khiến tôi khó chịu là hôm vừa rồi, trong khi cả nhà về chúc Tết bố mẹ anh, khi tôi gọi họ bằng em, thì một trong hai cô nói: "Chưa cưới xin, chưa đăng ký kết hôn thì đừng có xưng hô như thế. Nghe trái tai lắm". Và họ nhất quyết không gọi tôi bằng chị.

Điều khó khăn là hai vợ chồng tôi không có ý định làm đám cưới. Vì anh và tôi đều đã qua một lần đò, làm rình rang chỉ thấy ngại, nhất là trong thời buổi này, bệnh tật, lây nhiễm không an toàn cho việc tụ tập.

Tôi nên cư xử thế nào với họ? 

Thanh Yến

Chị Thanh Yến thân mến, 

Đọc thư chị, Hạnh Dung thấy có gì đó... "sai sai" (nói theo ngôn ngữ của người trẻ bây giờ). Chị và chồng chưa cưới đã quyết định một điều rất hiện đại: về chung sống mà không làm đám cưới, không có lời chính thức công bố với gia đình hai bên, bạn bè.

Đó là một suy nghĩ rất thoáng và tự do. Ấy thế mà chị lại xét nét bực bội với hai người em chồng không gọi chị bằng chị, khi anh chị chưa làm đủ thủ tục lễ nghĩa đó, dù rõ ràng là họ nhiều tuổi hơn chị.

Tất nhiên, họ cũng có cái "sai sai" của họ, là vin vào cớ chị và anh của họ không làm đám cưới, không đăng ký kết hôn, thì họ không cần thiết phải coi đó là cuộc hôn nhân chính thức, và phải gọi chị bằng chị.

Nhưng cái cớ đó cũng chỉ "sai sai" chứ không phải là hoàn toàn "sai" nếu lập luận một cách hết sức truyền thống, phải không chị?

Vậy thì, nói chung ở đây chẳng có ai hoàn toàn "sai" và ai hoàn toàn "đúng", chỉ có là ai cũng "sai sai" mà thôi. Thế thì chị cũng nên "chín bỏ làm mười", lựa chọn cách xưng hô nào đó cho phù hợp và nhẹ nhàng.

Thí dụ Hạnh Dung thấy nhiều người trong tình thế tương tự chị, thì họ gọi tên nhau, hoặc xưng tên mình, gọi họ là "chị" hay "cô". Họ thấy thoải mái, nhẹ nhàng và thân thiết với nhau hơn, nhờ cách xưng hô không quá câu nệ, cũng không quá suồng sã.

Điều quan trọng là tình thân trong gia đình, và điều đó phải được gầy dựng từ từ, kiên nhẫn, theo thời gian. Nhất là khi họ đều từng trải qua những vấp, gãy, sượng, không phải chỉ là giữa anh chị với nhau, mà còn có thể là với những mối quan hệ họ hàng trước đó. Nhưng một trong những yếu tố đó, cần có cả sự bao dung, đừng quá xét nét, xăm soi, chị nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI